Cảnh báo dấu hiệu giống như đau tim

GD&TĐ - Khi được đưa đến phòng cấp cứu, bệnh nhân trong tình trạng như đang lên cơn đau tim. Nhưng thực ra đó là một báo động giả.

Cảnh báo dấu hiệu giống như đau tim

Người đàn ông này đã nuốt phải một cục pin, dẫn đến rối loạn điện tâm đồ (EKG) - một phương pháp đo hoạt động điện của tim.

Sau khi các bác sĩ lấy cục pin ra, chỉ số EKG đã trở lại bình thường, theo báo cáo được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine. Tiến sĩ Guy L.Mintz, Trưởng khoa Sức khỏe tim mạch và lipid tại Bệnh viện Tim Northwell Health Sandra Atlas Bass ở New York cho biết: “Nếu ai đó nuốt phải một hoặc nhiều cục pin, điện tâm đồ có thể có những thay đổi giống với nhồi máu cơ tim hoặc đau tim cấp tính”.

Người đàn ông 26 tuổi là tù nhân được đưa đến khoa cấp cứu tại Bệnh viện Santa Maria Nuova ở Florence, Ý. Trước đó, anh ta than phiền về chứng đau bụng hai giờ sau khi cố tình nuốt một viên pin AA.

Tại bệnh viện, cục pin được phát hiện trên phim chụp X-quang, các bác sĩ đã tiến hành đo điện tâm đồ, trong đó các điện cực đặt trên ngực ghi lại hoạt động điện của tim và vẽ biểu đồ của nó dưới dạng một đường zigzag trên nền lưới.

Điện tâm đồ cho thấy dấu hiệu của một cơn đau tim được gọi là “đoạn ST chênh lên”. Điều này có nghĩa là một đoạn cụ thể của EKG thường bằng phẳng thay vào đó sẽ được nâng lên, Tiến sĩ Guy L.Mintz giải thích với Live Science.

Điện tâm đồ là dấu hiệu duy nhất về cơn đau tim của bệnh nhân. Người này không có tiền sử bệnh tim mạch và yếu tố nguy cơ duy nhất của anh ta đối với bệnh tim là tật hút thuốc lá. Ngoài ra, tù nhân 26 tuổi không báo cáo bị bất cứ triệu chứng nào của cơn đau tim (chẳng hạn như khó thở), và mức troponin tim -  protein cơ tim được giải phóng vào máu trong cơn đau tim nằm ở mức hoàn toàn bình thường.

Các báo cáo trước đây đã ghi nhận những người nuốt phải pin và có điện tâm đồ với ST chênh lên, theo các tác giả cho biết. Ví dụ, hiệu ứng này đã được báo cáo ở một người đàn ông nuốt sáu viên pin AAA và một người đàn ông khác nuốt 18 viên pin AA.

Các tác giả của những báo cáo trường hợp trước đây đã tin rằng có lẽ cần nhiều hơn một cục pin để thay đổi điện tâm đồ. Tuy nhiên, trường hợp lần này đã bác bỏ giả thuyết đó.

“Tôi không tin rằng đa số bác sĩ lâm sàng nhận thức được hiện tượng này” - Tiến sĩ Guy L.Mintz cho biết và ông khuyên các bác sĩ điều trị cho những bệnh nhân nuốt phải pin nên kiểm tra các dấu hiệu sinh học của chức năng tim (chẳng hạn như mức troponin) trước khi phản ứng với điện tâm đồ bất thường và loại bỏ cục pin khỏi cơ thể càng sớm càng tốt.

Nhưng làm thế nào việc nuốt phải pin có thể tạo ra các triệu chứng giống với cơn đau tim? Báo cáo về trường hợp cho rằng sự tiếp xúc của pin với axit dạ dày có thể tạo ra một dòng điện đi đến tim và ảnh hưởng đến điện tâm đồ. “Đây không phải là một cơ chế đã được chứng minh, nhưng đây là một cơ chế hợp lý”, TS Mintz cho biết thêm.

Mặc dù những bệnh nhân này không thực sự bị đau tim, nhưng việc nuốt pin vẫn có thể làm tổn thương tim.

Mintz cho biết: “Hiệu ứng điện kéo dài có thể gây ra tổn thương cho tim. Tất nhiên, có nhiều lý do khác để không nuốt pin. Mintz cho biết thêm: “Việc nuốt pin rất nguy hiểm vì quá trình tiêu hóa có thể dẫn đến rò rỉ hóa chất hoặc thậm chí gây tắc ruột. Trong trường hợp của bệnh nhân lần này, người đàn ông không có biến chứng do pin nào được báo cáo.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thắng cử giúp tăng vị thế

GD&TĐ - Ở lần bầu cử Tổng thống Nga năm nay, cả trong lẫn ngoài nước Nga đều dự đoán và tin chắc rằng Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin sẽ lại đắc cử.
Minh họa/INT

Quyền và trách nhiệm công vụ

GD&TĐ - Có thể thấy, để có nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, ngoài các quy định pháp luật, yếu tố quan trọng là tinh thần trách nhiệm.