Sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn: Sao cứ phải giấu

GD&TĐ - Vị thành niên là thời kỳ đặc biệt với cuộc đời mỗi con người. Có hàng loạt biến đổi trong thời kỳ này, về cả thể chất lẫn tinh thần, đặc biệt là tâm lý. 

Sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn:  Sao cứ phải giấu

Với đặc điểm thích khám phá năng lực bản thân, chứng tỏ bản lĩnh, vị thành niên cần được trang bị kỹ năng sống, được tiếp cận dịch vụ y tế phù hợp để bảo vệ các em trước nguy cơ, thách thức của cuộc sống.

Ai cũng muốn biết nhưng không dám nói

Tình bạn, tình yêu và tình dục là điều tất yếu khi trẻ bước vào tuổi dậy thì. Đây là vấn đề bạn trẻ nào cũng có ít nhất một lần quan tâm, thắc mắc và rất cần người lắng nghe, thấu hiểu.

Lê Huyền Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Từ khi học lớp 10, câu chuyện của các bạn gái ngoài vấn đề làm đẹp, học tập thi cử còn có tình cảm với bạn này bạn kia hay bình luận về các đôi trong lớp.

Tuy nhiên, chuyện tình cảm cũng chỉ được chia sẻ với bạn thân chứ chưa dám nói đến vấn đề tình dục, làm sao để không dính bầu hay cách phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục.

Còn theo Nguyễn Hoài An (Hai Bà Trưng, Hà Nội), học sinh mà đề cập đến chuyện người lớn chỉ có những bạn thuộc thành phần “ăn chơi”. Bọn em có nói chuyện cũng chỉ là tình cảm khác giới.

Nhiều khi cũng có thắc mắc nhưng không dám hỏi bạn bè vì sợ bị nghĩ… lung tung nên có lúc bạn trai thơm má, cầm tay cũng lo ngay ngáy. Để giải tỏa khúc mắc trong lòng đành ra tiệm vào mạng tìm kiếm thông tin hoặc ra cửa hàng sách đọc ké.

Nhu cầu tìm hiểu về sức khỏe sinh sản, tình dục là có thật nhưng nhìn chung đây vẫn được coi là điều thầm kín, không nên bàn luận công khai.

Tuy nhiên, trong nhà trường thì vậy nhưng dạo qua các diễn đàn sẽ thấy tình yêu ở tuổi vị thành niên không còn là chuyện lạ. Việc giới trẻ yêu sớm, sống thoáng cũng đã được nghiên cứu và cảnh báo từ lâu nhưng đọc qua các bí kíp họ chia sẻ trên mạng (tránh thai bằng cách rửa nước chanh, nhảy dây… hay đi bơi cũng có thể dính bầu) sẽ thấy lỗ hổng đáng báo động về giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng sống và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho giới trẻ.

Sức khỏe sinh sản: Vấn đề chưa bao giờ nguội

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2014, cả nước có hơn 25 triệu thanh niên, chiếm 27,7% dân số, trong đó nam thanh niên chiếm 50,9% và nữ thanh niên chiếm 49,1%; thanh niên khu vực nông thôn chiếm 70,9%.

Cũng theo báo cáo này, mỗi năm nước ta có khoảng 1,2 đến 1,6 triệu ca nạo phá thai. Nếu như tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên chiếm 5 - 7% tổng số ca nạo phá thai trong các năm trước, thì đến nay đã tăng lên 18 - 20%.

Còn theo báo cáo của các địa phương gửi Bộ Y tế, hàng năm có khoảng 7.000 lượt ca phá thai ở tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, con số này là chưa đầy đủ vì số trẻ tìm đến cơ sở tư nhân khá nhiều bởi tính tiện lợi, kín đáo, giá rẻ và giờ giấc linh hoạt.

Bên cạnh đó,xã hội hiện đại cũng dẫn đến những bệnh tật mới xuất hiện liên quan đến đường sinh sản hoặc nhữngbệnh tật có từ trước ảnh hưởng đến sự sinh sản, thai nghén…

Điều đáng nói là, một số bệnh tật ở người cha, người mẹ tương lai còn gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi sau này nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

Điển hình như tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương mỗi năm phát hiện khoảng gần 100 sản phụ nhiễm HIV, phần đông khi họ đến đây mới biết mình mắc bệnh.

Nguyên nhân là do họ không kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân và không biết rõ về thể trạng sức khỏe của bạn đời. Do đó, thai nhi không được điều trị dự phòng dẫn đến nhiễm HIV từ mẹ truyền sang.

Từ thực tế trên cho thấy, tình dục vẫn được coi là điều thầm kín nên không bàn luận công khai. Do đó, những vấn đề liên quan như sức khỏe sinh sản, sức khỏe tiền hôn nhân cũng bị liên lụy khiến những ai có nhu cầu thực sự không dám nói chuyện trực tiếp mà phải âm thầm tìm hiểu, thậm chí đôi khi việc tự trang bị kiến thức cho mình là việc làm chính đáng nhưng cứ phải lén lút như làm việc xấu.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc giáo dục kiến thức giới tính vẫn ở phạm vi nhỏ hẹp. Sự quan tâm của bố mẹ còn thiếu trong khi mặt trái của hệ thống phương tiện truyền thông đại chúng nhất là mạng Internet luôn thôi thúc các em tò mò, tự tìm hiểu rồi gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Theo kinh nghiệm từ các nước phát triển, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi để các em được học ở trường cũng cần trang bị cho các em kỹ năng sống, đảm bảo việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục để các em có nền tảng phát triển khỏe mạnh về thể lực, trí lực.

- Nhóm tuổi trẻ chưa có chồng là nhóm có nhu cầu tránh thai cao nhưng lại có tỷ lệ chưa được đáp ứng cao nhất (chiếm 31,4%).

- Tỷ lệ trẻ em bị dị tật bẩm sinh ở nước ta hiện nay chiếm khoảng 1,5

- 3%. Thiếu hiểu biết về kiến thức sinh sản dẫn đến việc không kiểm tra sức khỏe trước và trong khi mang thai…

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ