Sức hút lớn của trường học Ấn Độ trên đất Nhật

GD&TĐ - Cho tới trước khi người Nhật bắt đầu gõ cửa xin học cách đây vài năm, Trường quốc tế Ấn Độ toàn cầu (GIIS) ở Tokyo chỉ đáp ứng cho người Ấn Độ sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.

Sức hút lớn của trường học Ấn Độ trên đất Nhật

Nhưng khi kĩ năng Toán và Tin học vượt trội của Ấn Độ được tán dương trên các tờ báo của Nhật, nhu cầu học tập trong các trường Ấn Độ tăng nhanh. Việc Ấn Độ nổi lên như một siêu cường kinh tế cũng là lí do khiến phụ huynh Nhật tìm tới hệ thống GD Ấn Độ để chuẩn bị hành trang cho tương lai nghề nghiệp.

Đón đầu Olympic

Uri Yokomori, 12 tuổi, khác biệt với đại đa số trẻ đồng lứa về khả năng Anh ngữ nhờ học ở một trường Ấn Độ tại Tokyo. “Khi cháu chuyển đến trường này 2 năm rưỡi trước, tiếng Anh của cháu tệ lắm” – Yokomori kể bằng tiếng Anh với văn phạm chặt chẽ - “Nay cháu đã cải thiện nhiều và cháu cảm thấy có thể bắt kịp với các bạn”. Cha mẹ cậu bé cũng rất vui khi cuối cùng con mình đã có điểm “A” trong lớp.

Yokomori học ở GIIS tại quận Edogawa, Tokyo. Trường có khoảng 35% học sinh là người Nhật Bản. Trường này nằm trong hệ thống trường dạy chương trình CBSE (chương trình GD của Ấn Độ) tại Singapore, Kuala Lumpur và một số thành phố châu Á khác.

Nếu những thế mạnh như khoa học và tin học là yếu tố ban đầu thu hút học sinh Nhật vào ngôi trường có 375 học sinh GIIS Tokyo thì yếu tố thu hút hiện nay là cơn sốt học Anh ngữ. “Chúng tôi nhận được vô cùng nhiều đơn xin học từ phụ huynh Nhật với lí do hàng đầu là để học Anh ngữ” – Hiệu trưởng GIIS Tokyo, Sambathrajan, cho biết – “Họ nói rằng sẽ có rất nhiều người đến Tokyo trong sự kiện Thế vận hội Olympic 2020 và họ muốn con họ sử dụng thành thạo Anh ngữ trước sự kiện này”.

Khác biệt văn hóa 

Những cao ốc chọc trời, những bảng điện tử neon soi sáng đường phố ban đêm giống như ban ngày, những đoàn tàu cao tốc hiện đại vun vút lao đi… - tất cả tạo nên một cảm giác Tokyo vô cùng hiện đại. Tuy nhiên hạn chế Anh ngữ là điểm khác biệt lớn giữa Tokyo với New York hay London.

Những người nói tiếng Anh khó mà tìm thấy ga tàu điện hay siêu thị vì thiếu bảng chỉ dẫn Anh ngữ. Thậm chí những tấm biển báo hiệu tại những công trình xây dựng cũng được viết với văn phạm ngô nghê. Khi sự kiện Olympic đang đến gần, thiếu kĩ năng Anh ngữ đã trở thành mối quan tâm lớn của cả chính phủ và người dân Nhật. Bối cảnh đó là làn gió nóng thổi vào nửa tá trường Ấn Độ tại Nhật. Trước nhu cầu tăng cao, GIIS Tokyo sẽ mở thêm một cơ sở mới tại Tokyo trong năm học tới.

“Bố mẹ muốn cháu học tiếng Anh và đây là trường tốt nhất họ tìm được” – Shiori Ogino, 13 tuổi, học sinh lớp 7 Trường GIIS Tokyo, cho biết. Gia đình Ogino thuộc lớp trung lưu, có vài căn hộ cho thuê. Tuy nhiên không dễ cho học sinh Nhật hòa nhập ngay với lớp học đa số là bạn học người Ấn Độ.

“Rào cản lớn nhất là Anh ngữ” – giáo viên dạy Toán và Lý ở GIIS Tokyo đã 5 năm cho biết - “Trẻ em vào học ở trường khi còn rất nhỏ và không dễ dàng gì để thích nghi”. Đối với nhóm học sinh người Nhật, Prasad phải có thêm bài giảng bổ trợ cùng bài tập. Shojin Harada, 14 tuổi, kể rằng cậu chẳng hiểu gì trong giờ học khi mới chuyển từ trường Nhật sang trường GIIS 3 năm trước. Harada buộc phải học tụt xuống một lớp. “Sau 1 năm, cháu bắt đầu đặt câu hỏi với giáo viên và cảm thấy tiếp thu dễ hơn” – Harada chia sẻ.

Nay thì cậu bé có thể hiểu bài giảng và có kết quả thi cử tốt hơn. Ở nhà Harada được bố mẹ mời gia sư dạy thêm lịch sử Nhật Bản.
Tuy nhiên có một sự khác biệt văn hóa lớn giữa người Nhật Bản và người Ấn Độ biểu hiện rõ trong trường học Ấn Độ. Điển hình là hệ thống GD Ấn Độ đòi hỏi phụ huynh thúc ép con học, trong khi người Nhật có khuynh hướng để con tự lựa chọn học nhiều hay ít và lựa chọn cả nghề nghiệp tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ