Sức bật từ chất "ngoại"

GD&TĐ - Với những nhân tố đặc biệt trong đội hình, từ ban huấn luyện cho đến cầu thủ, đội tuyển bóng rổ nữ quốc gia hy vọng sẽ làm nên lịch sử tại SEA Games 31, qua đó sẽ “kích cầu” trở lại phong trào bóng rổ Việt Nam...

Đội nữ Hà Nội đoạt ngôi vô địch bóng rổ nữ 3x3 U23 quốc gia 2021.
Đội nữ Hà Nội đoạt ngôi vô địch bóng rổ nữ 3x3 U23 quốc gia 2021.

Binh hùng, tướng mạnh

Vận động viên Mailee Cara Jones.

Vận động viên Mailee Cara Jones.

Danh sách đội tuyển bóng rổ nữ Việt Nam tập trung cho SEA Games 31, gồm: Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Nguyễn Thị Thủy Tiên, Trần Thị Yến Vân, Đặng Thị Thúy Hằng, Bùi Kim Nhạn, Huỳnh Thị Ngoan, Nguyễn Thị Tiểu Duy, Nguyễn Thị Cẩm Tiên, Phạm Thị Tha Bay, Văn Thu Thảo, Võ Thị Ngọc Hậu, Dương Thị Trang, Mailee Cara Jones, Trương Thảo y, Trương Thảo Vy, Trần Thị Anh Đào.

Theo danh sách tập trung, đội tuyển bóng rổ nữ Việt Nam gồm 15 vận động viên và 5 huấn luyện viên. Theo đánh giá của giới chuyên môn, bóng rổ nữ Việt Nam lần này hội tụ nhiều nhân tố tài năng.

Huấn luyện viên trưởng nội dung 3x3 là ông Eric Weissling, người để lại dấu ấn đậm nét cùng Hanoi Buffaloes, đội bóng rổ chuyên nghiệp có trụ sở tại Hà Nội. Điều đó giúp ông Eric Weissling đã nhận được niềm tin từ phía Liên đoàn cũng như Tổng cục Thể dục thể thao.

Huấn luyện trưởng của nội dung 5x5 là David Jones, người từng có thời gian thi đấu bên cạnh huyền thoại NBA (giải bóng rổ nhà nghề Mỹ) Dirk Nowitzki. Ông có kinh nghiệm hơn 20 năm thi đấu, trong đó 13 năm góp mặt tại giải bóng rổ nhà nghề Đức.

Đồng hành cùng ông David Jones còn có trợ lý Horace Nguyễn. Khi còn thi đấu, Horace Nguyễn là chủ lực của đội Danang Dragons trong 3 mùa giải VBA (giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam) từ năm 2016 cho đến 2018, đồng thời cùng với “Rồng sông Hàn” giành ngôi vương ngay trong năm thi đấu đầu tiên.

Horace Nguyễn từng thi đấu cho Saigon Heat ở ABL (giải bóng rổ nhà nghề Đông Nam Á) trong 2 năm 2017 và 2018, cũng như khoác áo đội tuyển bóng rổ quốc gia ở SEA Games 29, và giành Huy chương Đồng SEA Games 30.

Mới đây, anh đã từ giã nghiệp thi đấu, chuyển hướng sang công tác đào tạo. SEA Games 31 sẽ là giải đấu quốc tế đầu tiên trong vai trò chỉ đạo của Horace Nguyễn đối với bóng rổ Việt Nam.

Để hoàn thành mục tiêu lịch sử là có huy chương, bóng rổ nữ Việt Nam đã mở cửa, đón nhiều vận động viên Việt kiều trở về khoác áo đội tuyển quốc gia. Trong danh sách tập trung vào tháng 3 vừa qua, Mailee Cara Jones là cái tên được bổ sung vào phút cuối với kỳ vọng, nữ vận động viên có tên tiếng Việt là Mai sẽ trở thành nhân tố quan trọng trong chiến dịch huy chương của đội tuyển bóng rổ nữ Việt Nam.

Mailee là kết quả của mối tình lãng mạn giữa cầu thủ bóng rổ nhà nghề David Jones và người phụ nữ gốc Việt, Diane. Bà ngoại của cô là người Việt Nam. Lớn lên với hai dòng máu trong người, được ăn những món ăn Việt Nam, cô luôn ao ước được trở về quê ngoại nhiều hơn.

Xuyên suốt thời gian dù ở Mỹ hay Việt Nam, Mailee đều hy vọng được thi đấu trong màu áo đội tuyển Việt Nam. Đáng ra Mailee  đã tham dự SEA Games 30, nhưng vì trục trặc về mặt giấy tờ nên phải đợi gần 3 năm sau, khát vọng cống hiến cho quê ngoại của cô mới trở thành hiện thực.

Ngay từ khi còn nhỏ, Mailee thường hay đến phòng tập với bố và nhìn bố hướng dẫn chơi cho các anh chị lớn. Bước ngoặt đến vào một ngày đẹp trời, cô bé 6 tuổi Mailee đòi bố dạy chơi bóng thay vì ngồi xem như thường ngày.

“Tôi không kỳ vọng quá nhiều vì ở thời điểm đó, bởi Mailee chưa từng bộc lộ rõ nét tình yêu và tiềm năng với môn thể thao này. Thế nhưng, khoảnh khắc tôi đưa trái bóng cho con bé đã làm thay đổi tất cả. Mailee bắt đầu ném rổ. Tôi chưa từng thấy một bé 6 tuổi nào có khả năng ném chuẩn xác như vậy”, ông David Jones chia sẻ.

Tại trường trung học Reagan High School, khi nói về phong trào bóng rổ, người ta sẽ nhắc tới Mailee Cara Jones. Cô có thể chơi tốt ở các vị trí như Point Guard, Shooting Guard và Small Forward.

Tính đến thời điểm này, cô gái sinh năm 2000 này vẫn đang giữ kỷ lục của trường khi là vận động viên giành được nhiều điểm nhất trong 1 game đấu (56 điểm). Phong độ chói sáng của Mailee tại Reagan còn giúp cô được nhận học bổng từ trường đại học Youngstown State tại bang Ohio.

“Tôi muốn làm nhiều thứ hơn để góp phần phát triển bóng rổ Việt Nam, nhất là bóng rổ nữ”, Mailee chia sẻ. “Tôi hy vọng mình có thể là minh chứng và cầu nối cho những nữ cầu thủ khác giống như tôi, trở về Việt Nam và cống hiến cho bóng rổ quê nhà. Tôi muốn mình trở thành người mở đường, người đi tiên phong cho bóng rổ nữ Việt Nam”.

Mới đây, Mailee đã đưa ra một quyết định táo bạo cho tương lai khi tham gia góp mặt tại WNBA Draft 2022, kỳ tuyển chọn lực lượng mới của 12 đội bóng rổ nữ mạnh nhất nước Mỹ.

Nếu có thể được chọn ở WNBA Draft 2022, cô sẽ trở thành VĐV bóng rổ nữ người Mỹ gốc Việt đầu tiên làm được kỳ tích này. Xa hơn nữa, cô cũng sẽ qua mặt Johnny Juzang khi là cầu thủ bóng rổ gốc Việt đầu tiên được thi đấu ở hạng đấu bóng rổ cao nhất xứ sở cờ Hoa.

Ngoài bố con David-Mailee, danh sách tập trung đội tuyển bóng rổ nữ Việt Nam cũng chứng kiến sự một bất ngờ lớn với sự xuất hiện của cặp chị em sinh đôi Việt kiều là Trương Thảo My và Trương Thảo Vy, tên tiếng Anh Kaylynne Trương và Kayleigh Trương.

Cả hai từng góp mặt trong trại tập luyện của đội tuyển U17 Mỹ vào năm 2018, thử sức nhằm tìm tấm vé lọt vào đội hình chính tham dự FIBA Women"s U17 World Cup nhưng không thành công.

Trở về cấp độ trung học, Kaylynne và Kayleigh bắt đầu thu hút nhiều sự chú ý hơn từ khi theo học cũng như thi đấu bóng rổ tại trường Jersey Village (Houston, Texas).

Tại đây, cả hai cùng các đồng đội đưa đội bóng rổ nữ Jersey Village Lady Falcons đến thành tích tốt nhất trong lịch sử trường, đồng thời đứng thứ 5 toàn bang Texas. Nhờ màn trình diễn ấn tượng, chị em song sinh gốc Việt đã được chú ý đến bởi những tuyển trạch viên của các trường đại học lớn.

Đến năm 2019, Kaylynne và Kayleigh Trương chính thức cam kết nhận học bổng của đại học Gonzaga, thi đấu tại NCAA Women Division 1 (cấp độ cao nhất của bóng rổ đại học/cao đẳng tại Mỹ).

Ở mùa giải 2021 - 2022, Kaylynne và Kayleigh Trương đang là những trụ cột quan trọng của Gonzaga thi đấu ở NCAA Women Division 1. Trong tổng cộng 34 trận đấu của Gonzaga (bao gồm 27 chiến thắng và 7 trận thua), chị em họ Trương đã thay nhau đứng đầu cả đội về ghi điểm trong 15 trận. Riêng về kiến tạo, cặp hậu vệ gốc Việt dẫn đầu lên đến 29 trên 34 trận.

Với đóng góp của cặp song sinh họ Trương, đại học Gonzaga đứng thứ nhì về tổng thành tích ở khu vực bờ biển phía Tây (West Coast Conference), đạt 15 chiến thắng, chỉ thua 2 trận và xếp sau BYU.

Nhưng ở giải đấu West Coast Conference Championship 2022, Gonzaga đã vượt qua BYU để lên ngôi vô địch khu vực. Cúp vô địch này giúp Zags mặc định đoạt vé dự NCAA Division I Women"s Basketball Tournament 2022 (thường được gọi là March Madness) giải đấu lớn và đáng chú ý nhất của bóng rổ đại học/cao đẳng Mỹ.

Đội tuyển bóng rổ nữ Việt Nam tập đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho SEA Games 31.

Đội tuyển bóng rổ nữ Việt Nam tập đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí  Minh để chuẩn bị cho SEA Games 31.

Cú hích cho thể thao học đường

3 năm trước tại Philippines, đội tuyển bóng rổ nam đã làm nên lịch sử, giành 2 tấm Huy chương Đồng nội dung 3x3 và 5x5, trong khi đội tuyển nữ chưa một lần có được huy chương SEA Games.

Theo ông Đặng Hà Việt, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam, mục tiêu của bóng rổ nam ở kỳ đại hội trên sân nhà là đổi màu huy chương, từ đồng sang bạc, và đội nữ có huy chương.

Trong những năm trở lại đây, môn thể thao bóng rổ đã  phát triển khá mạnh, cả về số lượng và chất lượng. Bóng rổ không đơn thuần chỉ là môn thể thao mang tính “vui đùa” cho lứa tuổi tiểu học, mà nó đang chiếm vị trí rất quan trọng trong các môn thể thao được học sinh trung học và sinh viên lựa chọn sau những giờ lên lớp. Bóng rổ đang được kỳ vọng sẽ trở thành môn thể thao xếp ở vị trí thứ hai sau bóng đá tại Việt Nam.

Bóng rổ không mất quá nhiều chi phí để mua sắm trang thiết bị, quần áo. Tất cả những gì cần cho một trận đấu là sân đủ rộng, bóng và cột rổ. Đây là những yếu tố rất quan trọng với lứa tuổi học sinh, sinh viên, hay những cơ sở giáo dục không có nhiều không gian dành cho hoạt động thể chất.

Tất nhiên, với những nhà thi đấu tiêu chuẩn, dành cho các giải quốc tế thì điều kiện kỹ thuật từ mặt thảm, ánh sáng… có quy định chặt chẽ, rõ ràng.

Bóng rổ còn là 1 trong những môn thể thao đòi hỏi tinh thần và sự phối hợp đồng đội khéo léo. Đây là cơ hội tốt cho học sinh, sinh viên hiểu nhau trên sân đấu, và sau đó là tìm thấy sự đồng cảm và tương tác gắn bó, biết hỗ trợ nhau phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu trong học tập và sinh hoạt.

Nhưng người chơi hoàn toàn có thể chơi, luyện tập 1 mình nếu muốn. Chỉ cần một cột rổ và quả bóng để có thể thỏa sức đam mê. Ở Việt Nam, bóng rổ đang dần được đưa vào các chương trình ngoại khóa hoặc môn học chính thức.

Sức hấp dẫn của bóng rổ chính là tính kỷ luật, tinh thần đồng đội, giúp rèn luyện tốt về thể lực và khả năng quan sát, nắm bắt, thực hành kỹ thuật, chiến thuật, nhưng cũng vô cùng ngẫu hứng, sáng tạo trong thi đấu. Đặc biệt, môn thể thao này còn giúp người chơi, nhất là giới trẻ phát triển chiều cao và hình thể, phát huy được tố chất khéo léo, nhanh nhẹn và linh hoạt.

Mặc dù vậy, để bóng rổ phát triển mạnh mẽ, sâu rộng ở Việt Nam, đặc biệt trong nhà trường, chúng ta vẫn cần thêm thời gian rất dài, cũng như những cú hích mang tính bước ngoặt. Cái khó với các cơ sở giáo dục hiện nay là không có giáo viên giảng dạy chuyên sâu môn bóng rổ.

Đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên môn bóng rổ còn quá ít, phần lớn là kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu sân tập thể thao cho học sinh là khá phổ biến, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, tập luyện còn thiếu và xuống cấp, phải tập luyện nhờ ở các sân bóng hay cơ sở thi đấu của các bộ môn thể thao khác.

Tổng cục TDTT đã phối hợp Bộ GD&ĐT và một số tổ chức quốc tế đã và đang triển khai đề án “Phát triển bóng rổ học đường đến năm 2030” với nhiều giải pháp và mục tiêu cụ thể.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và cả những người có kinh nghiệm làm truyền thông, thành tích, và hình ảnh các tuyển thủ quốc gia tại SEA Games 31 sẽ có sức lan toả mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu rộng với sự phát triển của phong trào bóng rổ Việt Nam, nhất là với nhóm người chơi là học sinh, sinh viên.

Thành tích của đội tuyển bóng rổ quốc gia cũng sẽ có tác động rất mạnh, về nhiều mặt đến Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam. Sau 7 năm tiến lên chuyên nghiệp, từ năm 2015, VBA đã đạt được rất nhiều thành công tạo ra sự thay đổi tích cực cho phong trào bóng rổ, thúc đẩy sự phát triển đa dạng các trung tâm đào tạo bóng rổ, các giải bóng rổ….

Trong đó, VBA đã đóng góp không nhỏ vào chiến tích 2 Huy chương Đồng SEA Games 30 của đội tuyển bóng rổ nam quốc gia.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của Covid-19 là nốt trầm của bóng rổ Việt Nam, khiến mọi hoạt động liên quan thi đấu, tập luyện… đều đóng băng. Cầu thủ, huấn luyện viên, trọng tài mất thu nhập.

Các trung tâm đào tạo bóng rổ, các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến bóng rổ từ đào tạo, tập luyện, tổ chức thi đấu, cung cấp dịch vụ, trang thiết bị về bóng rổ đều tạm dừng hoạt động và thậm chí là phá sản.

VBA 2021 đã bị huỷ nhưng vẫn bảo đảm là nơi cung cấp địa điểm, “quân xanh” cho đội tuyển quốc gia tập luyện cho SEA Games 31.

Nhưng Việt Nam đang từng bước bình thường hóa với dịch Covid-19. Bóng rổ cần trở lại quỹ đạo. Có như thế môn bóng rổ mới có cơ hội phát triển, mở rộng cả về chất và lượng để thật sự trở thành môn thể thao thu hút đông giới trẻ tham gia.

Muốn thế, bóng rổ Việt Nam, trong đó có đội tuyển bóng rổ nữ phải làm nên lịch sử ở kỳ đại hội được tổ chức trên sân nhà vào tháng 5 tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hầm biogas nơi 3 người tại Đồng Nai gặp nạn.

Phòng tránh ngạt khí trong hầm biogas

GD&TĐ - Việc sử dụng hầm biogas tiềm ẩn không ít rủi ro nếu không tuân thủ đúng quy tắc an toàn khi vận hành. Thủ phạm gây ngộ độc khí gas là oxit carbon (CO).
Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.