Sức bật mới giáo dục vùng biên

GD&TĐ - Những thông tin về Mèo Vạc, một trong những huyện còn rất khó khăn của tỉnh Hà Giang, nhất là trong sự nghiệp giáo dục đã dẫn bước chân vị tướng cùng đoàn khảo sát trường học của Bộ GD&ĐT đến khảo sát để tìm giải pháp hỗ trợ đầu tư. 

Thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh (giữa) tại điểm trường Hầu Lủng Sáng
Thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh (giữa) tại điểm trường Hầu Lủng Sáng

Nơi đoàn đến khảo sát là Trường Tiểu học Thượng Phùng, một trường gặp rất nhiều khó khăn, lớp học còn phải học nhờ, học mượn nhưng tập thể sư phạm nhà trường đã có nhiều cách làm sáng tạo để dạy tốt – học tốt.

Gần 600 học sinh còn thiếu chỗ ở, nơi học

Đường vào cụm trường Thượng Phùng (huyện Mèo Vạc) toàn đá hộc, có những đoạn lầy lội ngập sâu bùn. Đích thân Thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh cầm lái chiếc xe địa hình. Những chiếc xe lắc lư đi rất chậm và thận trọng, trèo qua những viên đá ngổn ngang trên mặt đường suốt chiều dài gần 6 km.

Vào đến trường trời đã tối hẳn nhưng khi nghe Hiệu trưởng Nguyễn Minh Tài báo cáo đến đoạn rất nhiều điểm trường của trường tiểu học vẫn phải học mượn nhà dân, ông Minh muốn đi xem ngay một điểm dù trời đã tối. 

Đó là điểm trường Hầu Lủng Sáng, nơi có hai cấp học phải học nhờ nhà dân. Năm học vừa qua có 21 học sinh tiểu học và 19 trẻ mầm non phải học nhờ tại đây. 

Khi trở về, dưới ánh đèn pin, Thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh cùng các cán bộ địa phương tiếp tục khảo sát khu đất dành xây các khu nhà công vụ, nhà bán trú cho học sinh. 

Sau một hồi bàn bạc thống nhất với địa phương về phương án tối ưu diện tích đất xây trường, ông Minh mới chịu lên xe về đồn biên phòng Săm Pun cách đó 6 km để nghỉ lại.

Đến Đồn biên phòng Săm Pun đã gần 9 giờ tối, tôi tranh thủ phỏng vấn Hiệu trưởng Nguyễn Minh Tài. Thầy cho biết: Cơ sở vật chất của nhà trường hiện giờ thiếu thốn rất nhiều hạng mục. 

Năm học mới 2015 - 2016 toàn trường sẽ có 561 học sinh, trong đó đã có 231 em có nhu cầu ở bán trú. Nhưng hiện nhà trường chỉ có 5 phòng ở, trong đó có 2 phòng to cải tạo công năng để cho các em ở tạm nhưng chỗ ở rất chật chội. Mỗi phòng to kê đến 14 giường cho 28 em ở. 

Hiện nhà trường đang tiếp tục thực hiện chính sách đưa học sinh ở điểm trường lẻ về trường chính nên vẫn còn thiếu 5 phòng ở bán trú cho các em này khi về trường. 

Bên cạnh đó là do phòng ở tạm và quy mô ở bán trú tăng lên nhanh nên đồ dùng bán trú cho học sinh như chăn, màn, xô chậu còn thiếu rất nhiều. 

Phòng học cũng là một khó khăn mà thầy Hiệu trưởng đem ra chia sẻ. Toàn trường hiện có 37 phòng học cả ở trường chính và các điểm lẻ, có đến 3 phòng học mượn nhà dân như ở điểm trường Hầu Lủng Sáng và còn 12 phòng học tạm dựng bằng tre nứa và các vật liệu có tại địa phương.

Những tín hiệu vui trước thềm năm học mới

Bên bàn nước ngoài sân Đồn biên phòng Săm Pun, dưới ánh đèn nét mặt của người thầy trạc 45 tuổi này mang đầy tâm tư, trọng trách công việc một trường tiểu học trước thềm năm học mới. 

Còn quá nhiều việc để lo chu đáo chỗ ăn, nghỉ, học hành cho gần 600 học sinh; đứa nhỏ chỉ mới 6 tuổi chưa biết tự vệ sinh cá nhân, đứa lớn vào lớp 6 mới 10 tuổi, chúng còn quá nhỏ để xa nhà nên công tác nuôi, dạy bán trú rất nặng nề trên vai các thầy, cô giáo ở đây.

Thầy Hiệu trưởng cho biết nhà trường đã có kế hoạch chu đáo về sách cho học sinh. Ngoài số hơn 200 học sinh bán trú được phát sách, số còn lại phải mua. 

Người dân ở đây có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, không chịu bỏ số tiền mua sách cho con đi học, nhiều năm trước tình trạng học sinh thiếu sách rất nhiều. 

Để khắc phục tình trạng này năm học vừa qua, khi vừa hết năm nhà trường đã bỏ tiền ra mua lại toàn bộ số sách cũ của các em chuyển lên lớp trên rồi dồn lại cho đủ bộ. 

Với cách làm này nhà trường đã chuẩn bị được gần 300 bộ sách cũ, sẽ phát lại cho các em phải mua sách. Nếu em nào còn thiếu, nhà trường sẽ vận động giáo viên bỏ tiền ra mua sách cho các em, không để em nào đến trường mà không có sách giáo khoa.

Thầy Nguyễn Minh Tài chia sẻ thêm: Đầu năm học chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường tiếng Việt cho các trẻ lớp 1. Vì đa phần trẻ đã hoàn thành chương trình mầm non 5 tuổi để vào lớp 1 nên đã có vốn tiếng Việt nhưng còn ít. 

Các em ở đây đều là người dân tộc thiểu số nên muốn tiếp thu bài trên lớp nhanh, trước tiên phải có vốn tiếng Việt phong phú. Do vậy, nhà trường đã quán triệt giáo viên ngay đầu năm học là áp dụng ngay các biện pháp tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh kỹ năng nghe, nói; các thầy các cô tích cực sử dụng giảng dạy theo phương pháp song ngữ. 

Làm theo cách này như năm trước hiệu quả rất cao, lên lớp lớn các em có vốn tiếng Việt nên tiếp thu bài rất nhanh, các thầy cô dạy rất “nhàn”, thầy Hiệu trưởng Hoàng Minh Tài phấn khởi cho biết.

Ước mong giáo viên an cư, lạc nghiệp vùng biên giới

Hà Giang là tỉnh cho học sinh tựu trường sớm, chỉ còn nửa tháng nữa thôi là trường bước vào năm học mới mà tất cả những điều thầy chia sẻ từ đầu câu chuyện đều là lo chỗ ăn, chỗ ngủ, sách giáo khoa cho học sinh. 

Vậy, điều gì thầy mong muốn lớn nhất trước thềm năm học mới này? “Hiện mong muốn lớn nhất của tôi được Nhà nước đầu tư xây dựng một khu nhà ở công vụ cho 22 giáo viên của trường. 

Đội ngũ này đã có nhiều năm cống hiến giảng dạy tại trường, có người đến gần 10 năm nhưng đến nay chỗ ở cũng chưa có. Hiện trường chỉ có 5 phòng ở công vụ nhưng cũng là phòng mượn của các phòng chức năng khác. Các giáo viên khác phải ở trọ trong nhà dân” - Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Tài chia sẻ.

Ước mong của thầy Hiệu trưởng cũng chính là mong muốn của Thiếu tướng, NGND.TS Nguyễn Thiện Minh sau khi đến trường khảo sát. 

Tướng Minh khẳng định: Nếu không trực tiếp đến trường khó có thể tưởng tượng được có trường phải học nhờ nhà dân trên những điểm cao biên giới. 

Nếu không đến không thể hiểu được sự hy sinh rất lớn của các thầy các cô giáo vùng biên cho sự nghiệp giáo dục như các thầy cô ở Trường Tiểu học Thượng Phùng.

 Những điểm trường như thế này xứng đáng được ưu tiên đầu tư xây dựng để có được chỗ ở tối thiểu, có chỗ để dạy và học. Bộ GD&ĐT kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm chung tay góp sức cùng với ngành Giáo dục, với các địa phương đầu tư cho những trường vùng biên giới khó khăn để cô và trò ở các nhà trường nơi đây bớt đi những khó khăn, vất vả trong cuộc sống và trong quá trình dạy và học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ