Theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (Nghị định 116), sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đang trình Chính phủ sửa đổi quy định này để phù hợp với thực tiễn.
Học kém sẽ không được hỗ trợ
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 116 đề xuất, từ năm thứ 2 và các năm học tiếp theo, sinh viên sư phạm có điểm trung bình chung học tập hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu sẽ không được xét hỗ trợ để chi trả chi phí sinh hoạt phí. Cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện việc xét hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm theo năm học.
Nhiều sinh viên sư phạm đồng tình với quan điểm sửa đổi hoặc bổ sung quy định nêu trên nhằm bảo đảm công bằng và tạo động lực cho người học. Trịnh Thị Nhung - sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhìn nhận, quy định này giúp người học có thêm động lực phấn đấu trong học tập để đạt kết quả cao, xứng đáng được thụ hưởng ưu đãi của Nhà nước.
“Khi đó, chúng em cảm thấy vinh dự, tự hào và coi hỗ trợ sinh hoạt phí là phần thưởng dành cho những nỗ lực, cố gắng trong học tập”, Trịnh Thị Nhung bộc bạch và mong muốn Nhà nước và nhà trường tạo điều kiện hơn nữa về cơ sở vật chất cho sinh viên sư phạm.
Nghị định 116 quy định, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Tuy nhiên, PGS.TS Đậu Bá Thìn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung quy định trên để phù hợp thực tiễn.
Đề xuất từ năm thứ hai và các năm học tiếp theo, sinh viên sư phạm có điểm trung bình chung học tập hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu sẽ không được xét hỗ trợ để chi trả chi phí sinh hoạt phí sẽ tránh tình trạng “cào bằng”. PGS.TS Đậu Bá Thìn nhấn mạnh đồng thời phân tích, nếu tất cả sinh viên sư phạm được hưởng trợ cấp mà không cần điều kiện gì thì vô hình trung tạo tâm lý ỷ lại, ung dung, tự mãn vì “không làm mà cũng có ăn”. Thực trạng này có thể khiến một số em thiếu động lực trong học tập.
“Chúng ta không thể bỏ tiền để ưu đãi, thu hút người yếu, kém học ngành Sư phạm; điều này ngược với quy luật khách quan”, PGS.TS Đậu Bá Thìn nêu quan điểm và đề xuất, những sinh viên đạt mức khá trở lên mới được thụ hưởng ưu đãi.
![Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tham gia Cuộc thi “HNUE English Challenge”. Ảnh: Website nhà trường thuc-day-y-thuc-hoc-tap-va-ren-luyen-1.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/01d9bdbe00638231f04160fb364539743bef9e88fd61d6659828b81d0892c18fbdb2ee44db09126fad627b32f1e9ea08cf5df4bd40113946bed1875500f3c0b0bc63b4cc55323ef70a33248940d3c8c9/thuc-day-y-thuc-hoc-tap-va-ren-luyen-1.jpg)
Tạo động lực cho người học
Cùng quan điểm, TS Trịnh Thị Xim - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho rằng, nên quy định, sinh viên có điểm trung bình chung học tập hoặc điểm rèn luyện loại trung bình, yếu sẽ không được phép hỗ trợ để chi trả chi phí sinh hoạt phí. Người được thụ hưởng chính sách hỗ trợ cần xứng đáng với khoản hỗ trợ Nhà nước đã chi trả sinh hoạt phí hằng tháng. Điều này cần triển khai từ học kỳ II của năm thứ nhất (sau khi sinh viên học 5 tháng tại cơ sở đào tạo) để các em nỗ lực hơn trong học tập.
Thực tế cho thấy, Nghị định 116 đã có nhiều ảnh hưởng tích cực đến ngành Giáo dục như: Thu hút học sinh giỏi và có đam mê với nghề giáo đăng ký vào các trường sư phạm. Điều này thể hiện rõ qua điểm đầu vào của các trường sư phạm luôn ở nhóm cao kể từ năm 2021.
TS Cao Bá Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 nhìn nhận, hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt giúp sinh viên sư phạm yên tâm, tập trung vào học tập và rèn luyện. Ngoài ra, Nghị định 116 giúp bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu giáo dục ngày càng cao của xã hội. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thiếu giáo viên một số môn học ở nhiều địa phương.
Tuy nhiên, TS Cao Bá Cường cho rằng, đề xuất sửa đổi Nghị định 116; trong đó có quy định: Không xét hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm có điểm trung bình chung học tập hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu từ năm thứ 2 trở đi là cần thiết. Việc này sẽ mang lại nhiều ý nghĩa như: Thúc đẩy ý thức, tinh thần học tập và rèn luyện của sinh viên sư phạm. Qua đó, nâng cao chất lượng đào tạo và bảo đảm những sinh viên nhận được hỗ trợ là người có đủ năng lực chuyên môn và ý thức rèn luyện tốt.
Ngoài ra, đề xuất trên giúp sử dụng nguồn lực tài chính của Nhà nước hiệu quả, tập trung hỗ trợ những sinh viên có thành tích học tập tốt; có tình yêu, đam mê với nghề và có khả năng đóng góp tích cực cho ngành Giáo dục sau khi tốt nghiệp. Đồng thời tạo sự công bằng, khuyến khích tất cả sinh viên sư phạm không ngừng phấn đấu để kết quả học tập, rèn luyện tốt nhất, thay vì chỉ dựa vào việc được hỗ trợ tài chính mà không cố gắng trong học tập, rèn luyện.
Năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 116 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm. Nghị định có hiệu lực từ khóa tuyển sinh năm 2021. Theo đó, sinh viên học ngành Sư phạm nếu cam kết làm trong ngành Giáo dục sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ học phí, đồng thời được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí là 3,63 triệu đồng/tháng từ ngân sách Nhà nước. Thời gian hỗ trợ được tính theo số tháng thực tế học tập tại trường nhưng không quá 10 tháng/năm học.
Sau nhiều năm thực hiện, Nghị định bộc lộ những bất cập. Trong đó có tình trạng sinh viên sư phạm bị nợ sinh hoạt phí xảy ra đồng loạt ở nhiều trường, địa phương. Năm 2023, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116.
Theo dự thảo lần 3, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Từ năm thứ 2 và các năm học tiếp theo, sinh viên sư phạm có điểm trung bình chung học tập đạt loại yếu hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu sẽ không được xét hỗ trợ để chi trả chi phí sinh hoạt phí. Cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện việc xét hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm theo năm học.
Bên cạnh việc sửa đổi quy định chi trả chi phí sinh hoạt, Bộ GD&ĐT cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến: Cơ chế thực hiện chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm, xây dựng dự toán và bố trí kinh phí, bồi hoàn kinh phí hỗ trợ và trách nhiệm của các đơn vị liên quan.