Sữa học đường: Đừng vì cạnh tranh mà quên quyền lợi con trẻ

GD&TĐ - Với mong muốn cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ mẫu giáo và tiểu học, Chương trình Sữa học đường đã được triển khai tại các trường. Để nâng cao chất lượng sữa, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, cần có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp sản xuất sữa.

Chương trình Sữa học đường nâng cao thể lực cho trẻ (Ảnh minh họa)
Chương trình Sữa học đường nâng cao thể lực cho trẻ (Ảnh minh họa)

Đứng về phía người thụ hưởng

Theo Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, sữa tươi sẽ được sử dụng cho Chương trình Sữa học đường. Chính phủ đã giao Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường về định mức cũng như vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm. Cho đến thời điểm này, nhiều địa phương đã triển khai chương trình, trong khi vẫn chưa ban hành được bộ quy chuẩn về sữa học đường. Điều này khiến dư luận xã hội băn khoăn, gây trở ngại trong quá trình triển khai.

Dự thảo Thông tư quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường đến năm 2020 kỳ vọng sẽ cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học. Dự thảo do Bộ Y tế biên soạn, đang chờ lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Ngày 17/9/2018, Bộ Y tế đã có văn bản số 5454- BYT/ATTP đề xuất với Chính phủ để các sản phẩm sữa dạng lỏng khác được tham gia Chương trình Sữa học đường.

Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016. Chương trình đặt ra các chỉ tiêu đến năm 2020, 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa; chiều cao của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 - 2 cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010... Chương trình đưa ra 9 chỉ tiêu áp dụng cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học với thời gian thực hiện đến năm 2020. 

Trao đổi về vấn đề này, tại Hội thảo “Chuyên đề truyền thông sữa và sản phẩm sữa với dinh dưỡng học đường” - ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, bày tỏ: Nếu chỉ có sữa tươi mới được tham gia chương trình sẽ tạo nên rào cản trong thị trường. Cụ thể, chỉ có các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp sản phẩm sữa tươi mới có thể tham gia chương trình, còn các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp các sản phẩm sữa khác thì không.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, các nước trên thế giới không có sự phân biệt loại sữa cho học đường mà chỉ quan tâm đến thành phần dinh dưỡng, lợi ích của loại sữa đó. Họ chỉ xây dựng chỉ tiêu dinh dưỡng khuyến nghị cho từng độ tuổi. Các nhà sản xuất căn cứ vào hệ thống chỉ tiêu này để xác định sản phẩm, tiêu chuẩn nào là phù hợp cho các đối tượng. Cụ thể, trong Chương trình Sữa học đường, đối tượng là độ tuổi mầm non và tiểu học.

Cạnh tranh là cần thiết

Nhiều phụ huynh khi được hỏi về Chương trình Sữa học đường đều bày tỏ nguyện vọng được quyền chọn các sản phẩm sữa khi đưa vào trường học. Theo họ, những loại sữa này cần được kiểm định về hàm lượng các dưỡng chất có trong đó và đảm bảo về an toàn thực phẩm.

Như vậy, vấn đề cần đưa ra bàn luận là chất lượng sản phẩm và những loại sữa nào sẽ được tham gia vào Chương trình. Thời gian vừa qua, không ít doanh nghiệp như Vinamilk, TH Milk, Dutch Lady, Mộc Châu, Nestle, Nutifood,

Vinasoy... đã tham gia vào Chương trình Sữa học đường, tạo điều kiện cho trẻ em Việt có cơ hội tiếp cận nguồn sữa có giá trị dinh dưỡng. Cùng một lúc nhiều hãng sữa tham gia vào chương trình này, các cơ sở giáo dục sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn hơn.

Bày tỏ quan điểm của mình, ông Tống Xuân Chinh, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết: Về quy chuẩn sữa tham gia Chương trình, nên sử dụng nguyên liệu 100% sữa bò tươi nguyên liệu. Có thể là sữa thanh trùng hay tiệt trùng để tùy điều kiện của từng địa phương mà nhà trường lựa chọn. Đồng thời, cần xây dựng tiêu chuẩn sữa uống, nhãn sữa thống nhất trên toàn quốc áp dụng cho chương trình sữa học đường.

Một đại diện hãng sữa Vinasoy đưa ra kiến nghị: Cơ quan chức năng nên cụ thể hơn thành phần dinh dưỡng tại chỗ cấp phát hàng ngày cho trẻ em gồm những gì? Vị này cũng cho rằng, sản phẩm sữa đậu nành có bổ sung canxi phù hợp hơn với trẻ bị dị ứng đường Lactose, đặc biệt trẻ em miền núi (trẻ ít hoặc chưa bao giờ sử dụng sữa bò), nhóm người này có thể có biểu hiện rối loạn tiêu hoá khi sử dụng. Bên cạnh, đó sữa đậu nành có giá thành thấp hơn so với sữa bò sẽ tạo điều kiện mở rộng phạm vi dự án, tăng số lượng trẻ thụ hưởng. Điều này sẽ giúp ích cho việc sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách của quốc gia và các nguồn tài trợ.

Trao đổi về điều này, Hiệp hội Sữa cũng đưa ra ý kiến: Nên xây dựng một tiêu chuẩn chung về mặt dinh dưỡng dành cho lứa tuổi thụ hưởng, không nên phân biệt loại sữa để bảo đảm một sân chơi công bằng và lành mạnh cho các doanh nghiệp.

Rõ ràng, muốn nâng cao chất lượng và giá thành sữa cần có sự canh tranh lành mạnh, tích cực giữa các doanh nghiệp sản xuất sữa. Để Chương trình Sữa học đường ngày càng phủ rộng trong các nhà trường, trong từng bữa ăn của hàng triệu học sinh Việt Nam, việc sớm công bố quy chuẩn kiểm soát chất lượng, sản phẩm sữa là rất cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ga xe lửa ở thành phố Dnipro, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của quân đội Ukraine bị tấn công tên lửa ngày 19/4/2024

Phòng không Ukraine suy yếu

GD&TĐ - Ngày 19/4/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực quân sự quan trọng của lực lượng Kiev.