Sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh - không thể trì hoãn

GD&TĐ - Đề nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh đã nhiều lần được đề cập đến...

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Một trong những nội dung nhận được nhiều kiến nghị của một số bộ ngành, địa phương khi góp ý vào đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) vừa được Bộ Tài chính gửi Chính phủ là cần sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh.

Lý do đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh là bởi năm 2020 - thời điểm ban hành mức giảm trừ hiện tại, mức lương cơ sở mới là 1,49 triệu đồng/tháng nhưng hiện nay, mức lương cơ sở đã tăng lên mức 2,34 triệu đồng, tăng hơn 57%.

Là bởi theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng, với người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng được áp dụng từ 1/7/2013. Thời điểm đó, mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng nhưng đến nay, mức lương cơ sở đã tăng lên 2,03 lần do đó, cần phải nâng mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với tỷ lệ tăng mức lương cơ sở.

Nhìn nhận ở khía cạnh khác, một địa phương ở phía Bắc đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh hiện hành và áp dụng phù hợp với điều kiện sinh hoạt thực tiễn từng vùng, miền trong cả nước thay vì cào bằng một mức như hiện nay bởi mức lương tối thiểu được chia theo 4 vùng. Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa ngày càng tăng, dẫn đến chi phí sinh hoạt hàng ngày tăng theo nên mức hiện hành là không còn phù hợp.

Trả lời những đề nghị này, Bộ Tài chính cho biết, tại dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân đã đặt vấn đề nghiên cứu tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc nhằm đảm bảo phù hợp với diễn biến chỉ số giá tiêu dùng và các chỉ số kinh tế vĩ mô những năm gần đây, góp phần giảm gánh nặng cho người nộp thuế…

Tuy nhiên, đây mới là khâu xây dựng đề cương nên chỉ tập trung làm rõ những vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Nội dung chi tiết và đánh giá cụ thể sẽ được nghiên cứu, đề xuất khi luật được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Đề nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh đã nhiều lần được đề cập đến. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Tài chính vẫn là chưa thể bởi các lý do như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động chưa tới 20%.

Là bởi mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay đang cao hơn 2,2 lần so với thu nhập bình quân đầu người, cao hơn nhiều so với mức phổ biến các nước đang áp dụng từ 0,5 - 1 lần, đồng thời cũng cao hơn thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số thu nhập cao nhất...

Trái ngược với quan điểm này, nhiều ý kiến khẳng định, mức giảm trừ gia cảnh đã lạc hậu, không đáp ứng thực tế cuộc sống nên cần phải sớm điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.

Phân tích rõ hơn về điều này, một đại biểu Quốc hội cho rằng, lẽ ra khi mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ ngày 1/7/2024 thì việc sửa đổi, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cũng phải được quan tâm, được ưu tiên để có phương án. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện sửa đổi, điều chỉnh nội dung này.

Rằng, mới đây Bộ Tài chính thông tin phải đến tháng 10/2025 mới trình Quốc hội sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong đó có mức giảm trừ gia cảnh, và phải đến tháng 5/2026 mới thông qua, thực hiện từ năm 2027.

Dù đúng với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhưng so với yêu cầu thực tiễn là chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Chính phủ, Bộ Tài chính nên nghiên cứu lại vì đây là vấn đề cấp bách, đặt ra từ thực tiễn nên cần tích cực nghiên cứu, trình Quốc hội thông qua tại một kỳ họp sẽ tốt hơn - vị đại biểu Quốc hội này nhấn mạnh.

Một đại biểu Quốc hội khác cũng khẳng định, mức giảm trừ gia cảnh đã lạc hậu là rõ ràng khi không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, của giá cả, lạm phát.

Bên cạnh đó, bậc thuế quá nhiều và khoảng cách giữa các bậc thuế trong biểu lũy tiến từng phần quá dày đã gây áp lực, tạo gánh nặng thuế lên người làm công ăn lương... Đây là những bất cập lớn nhất của chính sách thuế thu nhập cá nhân nên không thể trì hoãn thêm việc sửa đổi nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vinicius được cho là đang đàm phán hợp đồng với PSG.

Vinicius đàm phán gia nhập PSG

GD&TĐ - Người đại diện của Vinicius đã có các cuộc đàm phán với PSG về một vụ chuyển nhượng tiềm năng.