Theo Báo cáo sơ kết công tác thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 của Bộ Tư pháp, TAND Tối cao đã triển khai thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình nghiêm túc, kịp thời và toàn diện trong toàn hệ thống. Từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/12/2018, các vụ việc về hôn nhân và gia đình ngày càng tăng về số lượng cũng như mức độ phức tạp, gay gắt.
Các vụ việc ly hôn có xu hướng diễn ra ở các cặp vợ chồng trẻ (độ tuổi từ 28-35), thời gian kết hôn ngắn. Tính chất gay gắt, phức tạp chủ yếu liên quan đến các tranh chấp về tài sản chung, riêng như bất động sản, cổ phần, cổ phiếu trong các công ty… hoặc về con chung, mức độ cấp dưỡng.
Các tranh chấp về hôn nhân và gia đình có nguyên nhân chủ yếu do bất đồng về quan điểm, lối sống, khó khăn về kinh tế hoặc vì lý do một bên ngoại tình, không quan tâm chăm sóc bên còn lại hoặc con cái…
Mặc dù có những khó khăn, diễn biến phức tạp nhưng hệ thống Tòa án đã giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình đạt hiệu quả cao cả về tố tụng và nội dung giải quyết, quyền, lợi ích chính đáng của các chủ thể hôn nhân và gia đình, nhất là phụ nữ, trẻ em và người yếu thế được thực hiện, bảo vệ kịp thời.
Xem xét sửa độ tuổi kết hôn
Bộ Tư pháp đánh giá, quy định tuổi kết hôn của nữ là đủ 18 tuổi, của nam là đủ 20 tuổi về cơ bản là sự kế thừa của pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, góp phần làm cho việc kết hôn và quan hệ hôn nhân được lành mạnh, thực hiện tốt chức năng xã hội của hôn nhân.
Tuy nhiên, việc quy định tuổi kết hôn chênh lệch của nam và nữ cũng đặt ra vấn đề về bảo đảm bình đẳng giới, về sự đồng bộ với năng lực hành vi dân sự của người thành niên trong Bộ luật Dân sự.
Thực tiễn áp dụng quy định về tuổi kết hôn cho thấy tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra phổ biến ở khu vực miền núi, dân tộc thiểu số. Theo khảo sát quốc gia về tình hình kinh tế xã hội 53 dân tộc thiểu số cho thấy tỷ lệ tảo hôn của 53 dân tộc thiểu số lên tới 26,59% (nam 26,04% và nữ 27,12%).
Nghiên cứu của nhóm bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho thấy, trong năm 2017 - 2018, tỷ lệ sinh ở tuổi vị thành niên tại bệnh viện ở mức cao với 227 sản phụ, trong đó, có 178 trường hợp đã lập gia đình. Số sản phụ 17 - 18 tuổi chiếm 83,5%, 34 sản phụ từ 14 - 16 tuổi.
“Vấn đề này đang gặp rất nhiều khó khăn về phương hướng giải quyết. Bà con vùng đồng bào dân tộc hiểu quy định của pháp luật về tuổi kết hôn nhưng do phong tục, tập quán đã đi vào cuộc sống của người dân từ rất lâu đời, các gia đình thường dựng vợ gả chồng cho con từ rất sớm nên mặc dù việc kết hôn không được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng 2 bên gia đình vẫn tổ chức đám cưới theo phong tục, tập quán, họ hàng hai bên, cộng đồng dân cư của cả bản vẫn mặc nhiên công nhận đó là một cặp vợ chồng”- Bộ Tư pháp nêu thực tế.
Quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi 3 đời khi áp dụng tại các vùng dân tộc thiểu số cho thấy tính khả thi còn chưa cao, vẫn còn tình trạng kết hôn cận huyết. Có địa phương còn xảy ra tình trạng nam nữ chỉ kết hôn với những người cùng dòng họ...
“Vì lý do khách quan, chủ quan khác nhau, tính đến thời điểm hiện tại, về cơ bản, các địa phương không xây dựng được danh mục tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng ở địa phương”- Bộ Tư pháp nhấn mạnh.
Góp ý việc này, Bộ Y tế cho rằng nếu cho phép nam, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên được phép kết hôn dưới góc độ y tế là phù hợp.
Cơ chế phù hợp với người cùng giới tính sống chung như vợ chồng
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nhưng đồng thời không can thiệp vào việc sống chung giữa họ. Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cũng đã bãi bỏ việc xử lý vi phạm hành chính đối với những hành vi tổ chức lễ cưới, việc chung sống giữa những người cùng giới tính.
Đây là sự tiến bộ lớn trong cả trong nhận thức và trong áp dụng pháp luật về tôn trọng quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người đồng tính nói riêng, cộng đồng người yếu thế nói chung.
Để thực hiện, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của những cá nhân này, thể chế về các vấn đề liên quan cũng cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn trên nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm sự bình đẳng, chống phân biệt đối xử, có cơ chế pháp lý phù hợp với quan hệ sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, hạn chế được những nguy cơ, rủi ro pháp lý phát sinh với họ và những quan hệ xã hội khác liên quan.
(Ảnh minh họa)
Ngoài ra, luật hiện hành không công nhận hôn nhân của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Để bảo vệ được các quyền, lợi ích chính đáng của họ, đặc biệt của con, phụ nữ, hạn chế những vấn đề xã hội liên quan, Luật đã bổ sung cơ chế pháp lý giải quyết cụ thể hậu quả của việc chung sống theo nguyên tắc quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ, tôn trọng sự thỏa thuận, bình đẳng trong giải quyết các vấn đề về tài sản, sở hữu, giao dịch, trong đó bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con, của người làm công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho biết qua thực tiễn áp dụng, có ý kiến đề nghị cần xem xét tiếp tục thừa nhận hôn nhân thực tế để phù hợp với thực tiễn đời sống hôn nhân và gia đình tại các khu vực miền núi, dân tộc ít người.
Đồng thời, cũng có ý kiến cho rằng không nên thừa nhận hôn nhân thực tế nhưng ngoài các nguyên tắc được quy định tại Luật thì cần có hướng dẫn cụ thể hơn về áp dụng Bộ luật dân sự, pháp luật khác có liên quan trong trường hợp giữa người chung sống không có thỏa thuận về giải quyết tài sản, giao dịch.