Sự việc cứ phải đẩy lên Thủ tướng thì mới chuyển biến được?

GD&TĐ - Tại sao sự việc cứ phải đẩy lên Thủ tướng thì mới chuyển biến được. Đó là ý kiến tranh luận của Đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành – Đoàn Đắk Lắk tại hội trường.

Đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành tranh luận tại hội trường
Đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành tranh luận tại hội trường

Nhiều vụ việc chỉ cần thực hiện một bước là xong

Đánh giá rất cao nỗ lực của tập thể Chính phủ, những vất vả lo toan của người đứng đầu Chính phủ để năm nay đất nước có kết quả phát triển đầy khả quan với 13/13 chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt; Song Đại biểu Ngô Trung Thành – vần còn băn khoăn: Trước những tồn tại dai dẳng, đó là sức ỳ của nền hành chính - kẻ thù của việc xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Đại biểu Ngô Trung Thành – dẫn giải: Qua 7 vụ việc được nêu trong báo cáo cho thấy có 6 vụ việc thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, 1 vụ việc thuộc thẩm quyền cấp Tổng cục và không có vụ việc nào phải lên đến Thủ tướng. Đối với các vụ việc như vậy, theo pháp luật hiện hành, để xử lý lẽ ra chỉ cần thực hiện một bước hoặc tối đa là hai bước.

“Cụ thể, chỉ cần các cơ quan thực hiện đúng thẩm quyền khi sự việc xảy ra thì trực tiếp xử lý ngay, trường hợp không xử lý kịp thời thì mới cần thêm bước nữa là sự kiểm tra, thanh tra của cấp trên trực tiếp. Vậy tại sao các vụ việc nêu trên cứ phải diễn ra như vậy?” - Đại biểu Ngô Trung Thành thẳng thắn chất vấn, đồng thời đặt câu hỏi:

Nếu dư luận báo chí không nêu thì liệu các vụ việc này có được phát hiện và liệu còn có bao nhiêu vụ việc chưa được phát hiện? Tại sao các cơ quan có thẩm quyền giải quyết trực tiếp không tự mình kịp thời xem xét, xử lý mà phải đợi đến khi có yêu cầu từ trên xuống? Tại sao Bộ Nội vụ, các cơ quan phải đợi ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng thì mới thực hiện trách nhiệm kiểm tra của mình? Tại sao sự việc cứ phải đẩy lên Thủ tướng thì mới chuyển biến được?.

Đại biểu Ngô Trung Thành – cho biết: Bốn câu hỏi đó cứ luẩn quẩn trong đầu đại biểu. “Tôi nghĩ giá như các cơ quan làm đúng và đầy đủ trách nhiệm của mình thì chắc chắn các vụ việc đã được phát hiện, được xử lý kịp thời; Giá như cấp trên phát huy đầy đủ trách nhiệm của mình trong kiểm tra, thanh tra thì sự việc đâu phải lên đến bàn Thủ tướng, thì Thủ tướng đâu phải chỉ đạo những vụ việc như quán cafe Xin chào mà hôm trước có một vị đại biểu Quốc hội đã nhắc lại” - Đại biểu Ngô Trung Thành thẳng thắn nêu vấn đề.

Làm sao cho “trên nóng, dưới nóng…”

Đại biểu Ngô Trung Thành - đề xuất, giải pháp để chúng ta có thể thực hiện thành công công cuộc cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ kiến tạo không quá khó khăn, thậm chí là đơn giản. Đơn giản chỉ là các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền làm đúng, đầy đủ và kịp thời chức trách, nhiệm vụ của mình.

“Làm được như vậy 5 bước mà báo cáo nêu, chúng ta chỉ cần thực hiện một, làm được như vậy những chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018 mà một số ý kiến còn băn khoăn là cao thì tôi tin chắc cũng sẽ thực hiện được” - Đại biểu Ngô Trung Thành trao đổi.

Dẫn lại câu nói của Tổng Bí thư "Phải làm sao cho bếp lò cải cách hành chính của chúng ta, cho dù củi tươi đưa vào cũng phải cháy", Đại biểu Ngô Trung Thành – nhấn mạnh: Làm sao cho “trên nóng, dưới nóng, toàn hệ thống đều nóng”.

"Tôi đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để thúc đẩy, tăng cường được tính chủ động, trách nhiệm, tính tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, người đứng đầu các cơ quan. Chấm dứt tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, cấp dưới cứ ì ra, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, cấp trên cứ phải lo thay công việc của cấp dưới.

Phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm để tạo nên sức ép, buộc cấp dưới phải chủ động, năng động, thực hiện đúng, đủ và kịp thời trách nhiệm của mình" - Đại biểu Ngô Trung Thành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Diệu kỳ Điện Biên

GD&TĐ - Có thể nói trong chiến dịch Điện Biên Phủ, những đường chiến hào vây, đánh lấn đã trở thành kỳ tích huyền thoại.