Sự tương đồng giữa vượn cáo tuyệt chủng với loài người

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Một nghiên cứu của Trường Đại học Otago (New Zealand) đã chỉ ra những phát hiện thú vị sau khi phân tích răng của loài vượn cáo tuyệt chủng.

Răng cửa của loài vượn cáo đã tuyệt chủng này có những vết nứt đáng kể.
Răng cửa của loài vượn cáo đã tuyệt chủng này có những vết nứt đáng kể.

Phát hiện đã tiết lộ những manh mối thú vị về sự tiến hóa của loài người.

Tác giả chính của nghiên cứu, TS Ian Towle, thuộc Viện Nghiên cứu Sir John Walsh, Khoa Nha khoa, cho biết: “Khỉ vượn cáo Archaeolemur lớn đến mức đáng ngạc nhiên. Chúng có những đặc điểm giải phẫu mới lạ không thấy ở loài vượn cáo hiện nay. Ví dụ, chúng thiếu “tổ ong răng” ở phía trước miệng. Vượn cáo đã tuyệt chủng rất khác với những loài còn sống ngày nay. Chúng cũng có những điểm tương đồng thú vị với khỉ và vượn, kể cả con người”.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nhân học Sinh học Mỹ. Các nhà khoa học đã đánh giá chế độ ăn uống của Archaeolemur bằng cách phân tích vết sứt ở 447 chiếc răng. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã so sánh tần suất sứt mẻ ở răng của vượn cáo đã tuyệt chủng với các loài linh trưởng khác.

Kết quả cho thấy, loài vượn cáo đã tuyệt chủng này có bộ răng giống như hình dạng của khỉ đầu chó. “Các kiểu sứt mẻ răng của Archaeolemur không giống bất kỳ loài linh trưởng nào còn sống. Răng cửa của chúng có những vết nứt đáng kể. Loài vật này thường có nhiều vết sứt mẻ trên một chiếc răng. Tuy nhiên, có rất ít vết sứt mẻ ở răng sau”, Tiến sĩ Towle cho biết.

Các kiểu gãy răng tương tự được quan sát thấy ở các loài hominin hóa thạch, chẳng hạn như người Neanderthal. Thông thường, ở người Neanderthal, các kiểu gãy răng này được cho là có liên quan đến các hành vi sử dụng công cụ.

Kết quả phù hợp với nghiên cứu trước đây về Archaeolemur. Đặc biệt là bằng chứng cho thấy những chiếc răng cửa to và khỏe của loài vật này có thể đã được sử dụng để nhai thực phẩm cứng và dai.

Tiến sĩ Towle cho biết, nghiên cứu các loài linh trưởng đã tuyệt chủng giúp cung cấp cái nhìn sâu sắc về chế độ ăn uống và hành vi của chúng. Đồng thời, làm sáng tỏ lịch sử tiến hóa của chính chúng ta.

Với sự tương đồng về hình dạng hộp sọ và răng, cũng như những chế độ ăn uống và hành vi, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi Archaeolemur được cho là một loài vượn khi lần đầu tiên được phát hiện ở Madagascar hơn 100 năm trước.

“Archaeolemur là một ví dụ điển hình về sự tiến hóa hội tụ. Chúng cho thấy những điểm tương đồng đáng chú ý với khỉ và vượn. Loài này cũng làm nổi bật mức độ mà vượn cáo ở Madagascar đa dạng hóa thành nhiều ổ sinh thái”.

Theo Phys

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.