Đầu bảng bình dân
Đó là thuật ngữ mà giới công nghệ dùng để mô tả những mẫu điện thoại đầu bảng, hoặc có cấu hình rất gần với đầu bảng, trong khi giá bán chỉ khoảng 400 USD, tương đương 8,8 triệu đồng.
Những gương mặt đại diện tiêu biểu có Xiaomi Mi 5 305 USD, LG Nexus 5X 380 USD, Nextbit Robin 400 USD, Moto X 400 USD hay OnePlus 2 329 USD.
Tất cả những con dế này đều xuất xưởng với chipset mạnh nhất (hoặc mạnh gần nhất) thời điểm đó, màn hình long lanh cùng tính năng quen thuộc.
Nếu như không có bảng cấu hình chi tiết đặt trước mặt, bạn sẽ khó lòng chỉ ra được đâu là sự khác biệt giữa những con dế kể trên với một smartphone đầu bảng 700 USD của Samsung.
Có thể "dế đầu bảng giá rẻ" không tối thượng về mặt công nghệ, nhưng chúng đều "thừa đủ tốt" đối với nhu cầu của người dùng bình thường rồi.
Hãy xét thử những sản phẩm đắt tiền nhất hiện nay của Samsung, LG hay Apple. Ta cứ tạm gọi chúng là "siêu đầu bảng" cho dễ phân biệt rõ với "đầu bảng giá rẻ".
Những con dế này sở hữu hàng loạt công năng nghe thì hay đấy, nhưng hầu hết là phù phiếm, không cần thiết. Các hãng lớn buộc phải làm vậy, để gây chú ý, để tạo tò mò, để thu hút người dùng trong cuộc chạy đua nâng cấp mỗi năm.
Samsung là vua trong việc này - Galaxy S7 Edge sở hữu màn hình AMOLED cong hai cạnh, cảm biến nhịp tim, chống nước, máy phát nam châm từ tính (phục vụ dịch vụ thanh toán di động Samsung Pay), màn hình với mật độ điểm ảnh siêu cao (trên 500 ppi).
Nó thậm chí còn hỗ trợ các hệ thống chơi game thực tế ảo VR. LG G5 cũng có danh sách tính năng tương tự với 2 camera chính, cảm biến dải màu, màn hình 1440p nét quá mức cần thiết và hệ thống phụ kiện dạng module.
Nhưng thường thì tại lễ ra mắt một siêu phẩm của Samsung hay LG, giá bán không được nhắc đến. Người dùng chỉ biết nó đắt rẻ ra sao sau khi các nhà mạng công bố giá mà thôi.
Thông điệp ngầm dường như là "Tiền không phải vấn đề chính đối với những món hàng siêu xa xỉ này - đừng lo đến giá". Ngược lại, tại bất cứ sự kiện công bố Xiaomi hay Nexus nào, giá không chỉ được nhắc đến, mà luôn được nhấn mạnh như là một đặc điểm chính của thiết bị.
Mấu chốt để tạo ra một "đầu bảng giá rẻ" không chỉ là cắt giảm chi phí, mà phải làm sao "cắt xẻo" chi phí nhưng không khiến người dùng bận tâm lắm. Các tính năng phù phiếm kiểu như "giá trị gia tăng" của siêu đầu bảng S7 Edge thường bị loại đầu nước, thay vào đó, các OEM thường tập trung vào cấu hình tốt.
Màn hình thường có độ phân giải 1080p (mật độ điểm ảnh trên 400 ppi cũng quá ổn đối với màn hình 5-inch rồi, nên nhớ ngay cả iPhone 6 cũng chỉ có 325 ppi). Những tính năng gia tăng mà nhiều người dùng quan tâm như máy quét vân tay, NFC, USB-C thậm chí vẫn góp mặt.
Mâm cơm ngày càng đông
Dần dà, cách tiếp cận này thể hiện rõ hiệu quả. Các đầu bảng giá rẻ đang ăn lẹm rất nhanh vào lượng tiêu thụ của các siêu đầu bảng. Thường những OEM kinh doanh đầu bảng giá rẻ chẳng có gì để mất - đơn giản là họ không sở hữu thiết bị cao cấp nào để lo bị mất thị phần cả.
Google không sống nhờ bán smartphone, nên hãng "phá giá" các đối thủ bằng những con dế Nexus 300-400 USD. Motorola, Xiaomi, OnePlus cũng giống như vậy.
Bạn có thể thắc mắc, vì sao ngày càng có nhiều hãng nhảy vào phân khúc đầu bảng giá rẻ như vậy. Một trong những lý do là sự nổi lên của các thị trường mới nổi. Những nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ đang lên cơn khát smartphone.
Với dân số khổng lồ (hai nước này hợp lại tạo thành khối dân số 2.6 tỷ), các doanh nghiệp smartphone không thể không tìm cách mở rộng tại đây. Và những thị trường kiểu này luôn nhạy cảm với giá hơn hẳn so với các nước phát triển. Cách chinh phục người dùng tốt nhất là hạ thấp giá bán.
Hãng phân tích IDC đã công bố Xiaomi là doanh nghiệp smartphone bán chạy nhất thị trường TQ trong năm 2015, và giá bán trung bình của smartphone Xiaomi chỉ có 141 USD. Huawei xếp thứ hai với giá bán trung bình 213 USD.
Apple vẫn chiếm giữ vị trí số 3, dù giá bán trung bình lên tới 718 USD. Nhưng đó là trường hợp cá biệt, còn các hãng Android gần như đều không thể đấu đá nổi ở thị trường này.
Xiaomi là một trường hợp thú vị. Hãng này không chỉ cắt giảm chi phí ở cấu hình, mà còn tiết kiệm tiền bằng cách né tránh cuộc chiến bản quyền của phương Tây. Xiaomi không cố kinh doanh ở tất cả các nước - hãng chủ yếu bám rễ ở Trung Quốc và những nơi đông dân như Ấn Độ, Indonesia, Brazil.
Bằng cách tránh xa phương Tây, Xiaomi không phải hứng chịu cơn đau đầu về bản quyền sáng chế như Samsung. Tuy vậy, với việc vừa khai trương một cửa hàng phụ kiện tại Mỹ, có vẻ như Xiaomi đang chuẩn bị về mặt pháp lý để gia nhập thị trường này.
Bản thân Apple cũng nhìn ra xu hướng đầu bảng giá rẻ. Mới tháng trước, hãng này công bố iPhone SE giá 400 USD, một con dế "xác iPhone 5S nhưng hồn iPhone 6S". Dù vậy, mô hình kinh doanh của Apple hơi khác với thị trường đầu bảng giá rẻ.
Màn hình 4-inch của iPhone SE không đe dọa iPhone 6s và 6s Plus, trong khi đó, hãng lại tái chế được thiết kế iPhone 5 cũ. Chính sách marketing của Apple gọi iPhone SE là sự tái xuất vinh quang của màn hình nhỏ, nhưng trên thực tế, màn hình 4-inch giúp hãng này lãi hơn hẳn so với các đối thủ, vốn sử dụng màn hình 5-inch đắt hơn.
Với xu hướng smartphone 400 USD ngày càng mạnh lên, việc giá smartphone tiếp tục rẻ đi là khó tránh khỏi. Xiaomi, OnePlus và các tân binh khác không ngần ngại tung ra những mức giá hủy diệt mới, nên có lẽ một ngày nào đó, ngay cả 400 USD cũng là khó bán.
Ở phân khúc này, Xiaomi vẫn tạm dẫn đầu, trong khi Apple sở hữu sức mạnh thương hiệu, hệ điều hành độc và hệ sinh thái ứng dụng khổng lồ đủ để vượt qua mọi "sự tàn sát" của đối thủ giá thấp.
Chỉ có những hãng như Samsung, LG, HTC là có nhiều thứ để mất nhất. Samsung dường như vẫn đang cố kháng cự lại xu hướng này, nhưng từ góc độ người dùng, càng rẻ thì càng lợi. Do đó, nhà sản xuất không có cách nào khác là phải tìm ra lời giải cho bài toán tiến thoái lưỡng nan này.