Sự thật về củ quả sấy để cả năm không hỏng

Nhiều tiểu thương chia sẻ, hầu hết củ quả sấy hiện nay trên thị trường được nhập từ Trung Quốc hoặc làm từ bột mì sau đó thêm chất phụ gia, tạo mùi.

Sự thật về củ quả sấy để cả năm không hỏng
Không nhãn mác, để cả năm không hỏng

Thời gian gần đây, các gian hàng của quả sấy tại các chợ mọc lên khá nhiều và ngày càng ăn nên làm ra. Bước vào chợ Tân Định (quận 1), chúng tôi nhanh chóng được các tiểu thương ở đây mời chào: “Ở chị có tất cả các loại đó em. 

Loại nào cũng mới về, bao ngon”. Đúng như lời của người này, hoa quả sấy được bán ở đây rất đa dạng, mít, khổ qua, củ dền, cà rốt, khoai tây, đậu bắp… Chúng được trưng bày trong những cái khay không có nắp đậy, hoặc đựng trong những bao nilon lớn.

Giá củ quả sấy ở đây cũng khá bất chừng từ 50 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng một kg. Trong đó, khoai tây sấy ở một cửa hàng có giá 60 nghìn đồng. 

Tại một cửa hàng khác, bên ngoài, mùi vị cũng tương tự nhưng lại có giá 120 nghìn đồng. Đối với hàng thập cẩm giá bán cũng không đồng nhất, từ 150 đến 250 nghìn đồng một kg.

 - 1

Hoa quả sấy được bày bán khắp các chợ

Đi khắp tất cả các gian hàng tại chợ Tân Định, không có một dạng hoa quả sấy nào được ghi nguồn gốc rõ ràng. Thậm chí, đa số chúng không có bất kì thông tin gì. 

Khi chúng tôi tỏ ra nghi ngờ về nguồn gốc, một tiểu thương cho hay: “Em lo gì. Chị bán ở đây mấy chục năm rồi. Chị lấy hàng từ cơ sở quen ở Đà Lạt. Vả lại, bán nhiều thế này, mọi người thừa biết nguồn gốc rõ ràng rồi, cần gì phải giấy tờ cho mệt”.

Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) cũng tương tự, những bao nilon lớn chứa rất nhiều loại củ quả sấy được trưng bày tại các cửa hàng. Ở đây, các tiểu thương vẫn khẳng định: “Hàng Đà Lạt nguyên gốc”. 

Tuy nhiên, tất cả các bao bì đều không có bất kì giấy tờ nào khẳng định nguồn gốc, chất lượng thành phần. “Bán quen rồi, với lại nhìn vào là biết loại nào chứ cần gì phải cho mệt”, một tiểu thương nói.

Chợ Bình Tây (quận 5) được xem là thủ phủ của củ quả sấy. Nhiều người cho hay, đây là nơi được các con buôn vận chuyển hàng đến bán sỉ rồi sau đó vận chuyển đi các chợ khác trên địa bàn thành phố. 

Kiot bán củ quả sấy chiếm khu vực lớn ở phía bên trái của chợ. Một tiểu thương vừa đưa một miếng nhỏ bằng ngón tay vừa nói: “Thử củ quả sấy Đà Lạt đi em”. Củ quả sấy có độ giòn, hơi ngọt và màu sắc khá bắt mắt.

Đến một cửa hàng khác, tiểu thương lại đưa thử một miếng khoai tây sấy. Màu sắc khá đẹp, vị ngọt lợ nơi đầu lưỡi giống như thức ăn có nhiều bột nêm. 

Thấy khách có vẻ không hài lòng, người này đưa thêm một miếng khác: “Nếu không thích loại đó thì em có thể mua khoai tây sấy tẩm pho mát. Ăn một lần là nghiền luôn”. 

Chúng tôi gật gù rồi hỏi: “Em định lấy số lượng lớn về bán chị có đáp ứng được không?”. Người phụ nữ cười: “Ở đây chị bán sỉ nhiều chứ bán lẻ được bao nhiêu. Em lấy vài tạ chị cũng có”. 

Chúng tôi lại hỏi: “Hàng để sơ hở, không cần niêm phong kín như thế này mà không sợ bị bị hỏng, mốc à?”. Tiểu thương bật mí: “Em an tâm, hàng của chị có khi bán không hết, để cả năm vẫn không bị gì, màu vẫn giữ độ tươi, ăn vẫn ngon như mới”. Đến một số quầy khác, nhiều tiểu thương vẫn trả lời có nội dung tương tự.

Hàng Trung Quốc, đồ giả?

Trong quá trình tìm hiểu thông tin để viết bài này, khi hỏi, hầu hết các tiểu thương đều khẳng định, củ quả sấy được bán chủ yếu lấy từ Đà Lạt, ở cơ sở quen. Tuy nhiên, khi vào vai một người buôn bán nhỏ, lấy hàng bán sỉ thì sự thật được tiết lộ hoàn toàn khác.

Một tiểu thương tại chợ Bình Tây chia sẻ: “Là người trong ngành với nhau chị mới cho em hay. Thực ra, cũng có hàng Đà Lạt nhưng ít thôi. Đà Lạt thì nhỏ, trồng được bao nhiêu, ăn tươi còn không đủ nói gì đến chuyện sấy khô. 

Vả lại, có sấy khô thì cũng chỉ với số lượng rất ít. Trong khi đó, riêng cửa hàng chị, mỗi ngày bình thường, bán cả sỉ và lẻ cũng gần cả tạ. Em nhìn quanh, mỗi khu chợ này thôi đã có bao nhiêu quầy bán”. Cũng theo người phụ nữ này, củ quả sấy trên thị trường TP.HCM hiện nay chủ yếu là hàng Trung Quốc hoặc làm từ các loại bột.

 - 2

Những mặt hàng này để cả năm cũng không hỏng

Vẫn với vai người đi mua hàng về bán, chúng tôi được một nam tiểu thương ở chợ Bình Tây chia sẻ, trong tất cả các loại củ quả sấy, bán được nhiều nhất là khoai tây. Bởi, vị ngon, giòn lại có giá rẻ. Loại đắt nhất là có tẩm bơ, phô mai nhưng cũng chỉ có giá từ 80 đến 100 nghìn đồng. 

“Mỗi cân khoai tây tươi giá từ 30 đến 40, cũng không thể làm từ bột khoai tây vì có giá từ 50 đến 60 nghìn đồng rồi. Trong khi đó, bơ và pho mai đắt lắm. Em nghĩ, nếu làm từ những loại này mà có giá đang bán sao?”.

Người đàn ông này cho hay, hầu hết khoai tây sấy được làm bằng bột mì tẩm gia vị và tẩm mùi khoai tây. Riêng muốn khoai tấy sấy có tẩm bơ, pho mai thì chỉ cần tẩm bột lắc có vị này. 

“Các loại chất này bán đầy ở chợ Kim Biên, mỗi lít chỉ có vài chục nghìn. Mà mỗi lít có khi làm được cả tấn khoai tây chiên”, người này cho hay.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Hoàng Hà (chuyên gia Công nghệ thực phẩm) cho hay, đối với củ quả sấy nếu chỉ qua một bước sấy thuần túy thì sẽ có độ dẻo. 

Đối với những loại có vị giòn, xốp là đã được chiên, sau đó được loại dầu bằng máy ly tâm. Chiên xong, chỉ một vài loại củ quả có màu đỏ, cam mới giữ được màu tự nhiên. 

Tuy nhiên, nếu thiết bị, chất lượng củ quả tươi càng kém thì màu sắc không được tự nhiên. Đặc biệt, sau khi sơ chế, màu sắc sẽ nhanh chóng bị phai nếu không được bảo quản tốt. 

“Nếu không được bảo quản tốt như ở các cửa hàng ngoài chợ, chừng nửa tháng, màu sắc vẫn giữ được độ tươi, bắt mắt thì chắc chắn đã được tẩm thêm màu. Riêng đối với cà rốt Việt Nam, khi sấy xong có màu không đẹp, nhưng hàng Trung Quốc thì có màu rất tươi”, chuyên gia này cho hay.

Theo khampha.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ