Sự thật tác dụng điều trị Covid-19 của xuyên tâm liên

GD&TĐ - Xuyên tâm liên có tác dụng hỗ trợ diệt siêu vi và giống một loại kháng virus tự nhiên. Những thảo dược khác có chức năng này bao gồm tỏi, diệp hạ châu, kim ngân hoa.

Xuyên tâm liên có khả năng kháng virus tự nhiên. Ảnh minh họa.
Xuyên tâm liên có khả năng kháng virus tự nhiên. Ảnh minh họa.

Cần nghiên cứu và đánh giá

Ngày 24/7, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế, cho biết, xuyên tâm liên là một trong những thuốc dược liệu của y học cổ truyền, trước đây được dùng rất nhiều.

Theo ông, trong phác đồ điều trị phối kết hợp Đông và Tây y, xuyên tâm liên đã chính thức được đưa vào trong vấn đề hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân giai đoạn nhẹ và vừa: “Nhưng trong quá trình điều trị, chúng tôi vẫn phải tiếp tục nghiên cứu và đánh giá”.

Trong đợt dịch Covid-19 tại Bắc Giang vừa qua, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền đã đưa bài thuốc Ngọc bình phong tán, trong đó có xuyên tâm liên để điều trị cho các bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 2.

Việc sử dụng xuyên tâm liên trong hỗ trợ điều trị Covid-19 đã được hướng dẫn sử dụng trong Công văn số 1306 về việc tăng cường phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 bằng thuốc và các phương pháp y học cổ truyền ngày 17/3/2020 của Bộ Y tế.

Tại Công văn 5944 về tăng cường phòng chống dịch Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu, Bộ Y tế có kèm theo hướng dẫn và danh mục về 12 loại thuốc, sản phẩm dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19. Tuy nhiên, ngày 26/7, Bộ Y tế đã thu hồi công văn này.

Kháng virus tự nhiên

Thời gian qua, người dân Thái Lan “đổ xô” đi mua xuyên tâm liên. Họ cho rằng, vị thuốc này có thể điều trị triệu chứng của Covid-19. Tuy nhiên, TS Richard Brown - Quản lý chương trình các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe và kháng thuốc kháng sinh thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Thái Lan, cho rằng, không có bằng chứng cho thấy xuyên tâm liên là phương thuốc hiệu quả đối với virus SARS-CoV-2.

TS.BS Trương Thị Ngọc Lan - Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, người dân không nên mua xuyên tâm liên để phòng bệnh Covid-19.

TS Lan lý giải, thảo dược trong y học cổ truyền có nhược điểm là tác dụng chậm so với thuốc kháng sinh.

Thuốc tây y có thể diệt vi khuẩn. Song, chúng không diệt được siêu vi. Xuyên tâm liên có tác dụng hỗ trợ diệt siêu vi. Do đó, thảo dược này đã được đưa vào phác đồ điều trị Covid-19.

“Tuy nhiên, cũng không nên xem xuyên tâm liên là thần dược. Nó vẫn chỉ là một loại thuốc hỗ trợ để làm giảm tải lượng virus, kháng virus. Xuyên tâm liên giống như một loại kháng virus tự nhiên, mà thảo dược kháng virus tự nhiên thì ngoài xuyên tâm liên còn có tỏi, diệp hạ châu, kim ngân hoa…”, TS Lan cho biết.

Theo Giáo sư y khoa Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia), cách để đánh giá hiệu quả của một loại thuốc hay vắc-xin là thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, thử nghiệm lâm sàng liên quan đến xuyên tâm liên và Covid-19 còn rất ít trong y văn.

Chuyên gia này liệt kê, có 13 nghiên cứu về xuyên tâm liên và mối liên hệ với Covid-19 đã được công bố. Song, chúng đều là nghiên cứu bán cơ bản và có giá trị khoa học thấp.

Tuy nhiên, Giáo sư Tuấn cho biết, có một nghiên cứu đạt tiêu chuẩn công trình thử nghiệm lâm sàng ở Thái Lan chưa công bố. Cụ thể, nghiên cứu có 2 nhóm bệnh nhân: Nhóm được điều trị bằng xuyên tâm liên (29 người) và nhóm chứng (28 người). Sau 5 ngày, nhóm xuyên tâm liên có 10 người (35%) bị nhiễm. Trong khi đó, nhóm chứng có 16 người (57%) bị nhiễm.

Song, theo chuyên gia này, kết quả nghiên cứu chưa thuyết phục. Bởi, nghiên cứu này có số cỡ mẫu rất nhỏ. Do đó, độ nhạy không cao. Ngoài ra, mục tiêu của điều trị là giảm thời gian nằm viện, giảm mức độ nặng của bệnh và cứu người.

Tuy nhiên, báo cáo này liên quan đến lây nhiễm Covid-19, không có thời gian nằm viện hay đánh giá mức độ nặng nhẹ của bệnh. Một yếu tố khác là thời gian theo dõi quá ngắn (5 ngày). Thời gian đó chưa đủ để đánh giá hiệu quả điều trị.

“Theo tôi, kết quả nghiên cứu trên cho thấy xuyên tâm liên không có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Nếu xuyên tâm liên được sử dụng với vai trò bổ trợ cho các thuốc khác (như Dexa, Remdesivir, Tocilizumab...), cần phải có phác đồ điều trị cụ thể và mô hình kinh tế - y tế”, chuyên gia nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.