Sự thật đằng sau 10 bức ảnh giải Pulitzer chấn động thế giới

GD&TĐ - Giải Pulitzer về nhiếp ảnh đã tồn tại kể từ năm 1942 và trao thưởng cho các nhiếp ảnh gia có những bức ảnh quan trọng nhất từ trước tới nay. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, và các nhiếp ảnh gia sẽ hé lộ những bức ảnh đó đã ra đời như thế nào. 10 bức ảnh đoạt giải Pulitzer dưới đây là chứng nhân về những thời khắc nghiệt ngã của lịch sử.

Niềm vui vỡ òa
Niềm vui vỡ òa

Kền kền và bé gái (năm 1994)

 

Trong tất cả những bức ảnh đoạt giải Pulitzer thì bức ảnh mang tiêu đề Kền Kền và bé gái là một trong những câu chuyện bi thảm nhất. Nhiếp ảnh gia Kevin Carter đã chụp bức ảnh này (và nó được công bố trên tờ báo The New York Times số ra ngày 26/3/1993) tại đất nước Sudan. Đứa trẻ trong ảnh (người cho nó là trẻ trai, người khác cho là trẻ gái) đang tìm cách đến Trung tâm cứu tế thực phẩm của Liên Hợp Quốc thì đổ sụp vì quá đói. Carter chụp đứa bé có dáng vẻ tiều tụy, hốc hác và con kền kền đứng ngay cạnh đó. Bức ảnh đã đoạt được giải Pulitzer năm 1994.

Xem ảnh, nhiều người đã công kích Kevin Carter dữ dội, họ nói rằng lúc đó ông nên ra tay giúp đỡ đứa bé hơn là giương mắt ra nhìn và chụp ảnh. Bốn tháng sau khi nhận giải, vì không chịu nổi sự chỉ trích của dư luận, Carter đã tự vẫn. Thực ra Carter cũng thống khổ và chấn thương tâm lý nghiêm trọng khi chứng kiến hoàn cảnh nghiệt ngã của đứa trẻ. Trong sổ tang của Kevin Carter, đức giám mục Desmond Tutu tỏ ra cảm thông với Carter: “Những người như thế này là nhân đạo nhất khi họ đã tác nghiệp trong những hoàn cảnh cực kỳ khắc nghiệt”.

Nạn nhân vụ đánh bom thành phố Oklahoma (năm 1996)

 

Vụ đánh bom thành phố Oklahoma là vụ tấn công khủng bố “cây nhà lá vườn” kinh khiếp nhất mà nước Mỹ đã chứng kiến. Bom phát nổ ngay tại Tòa nhà liên bang Alfred P. Murrah tại nội đô Oklahoma và tước đi mạng sống của 168 người. Mặc dù vụ đánh bom và hậu quả của nó đã được ghi chép tại thời điểm đó và giải Pulitzer nhiếp ảnh đã được trao cho tác giả Charles Porter IV, nhưng bức ảnh này vẫn gây ám ảnh dư luận cho tới tận ngày nay.

Được chụp vào ngày 19/4/1995, bức ảnh cho thấy một người lính cứu hỏa đang bồng xác một em nhỏ bị thương tích nặng nề. Thực ra Charles Porter không phải là nhiếp ảnh gia sự kiện, nhưng thời khắc đã làm nên tên tuổi ông. Lúc xảy ra vụ đánh bom, Porter đang làm nhân viên tín dụng tại Ngân hàng Tự Do.

Hành quyết ở Sài Gòn (năm 1969)

 

Ngày 1/2/1968, viên Tướng Việt Nam Cộng hòa là Nguyễn Ngọc Loan, lúc bấy giờ giữ chức Cảnh sát trưởng quốc gia, đã xử bắn chiến sĩ quân giải phóng tên là Nguyễn Văn Lém ngay trên đường phố Sài Gòn. Vụ xử bắn dã man đã lọt vào máy quay của nhà quay phim truyền hình NBC (Mỹ) kiêm nhiếp ảnh gia của hãng tin AP là ông Eddie Adams.

Bức ảnh của ông Eddie Adams nhanh chóng trở thành biểu tượng của sự tàn bạo về chiến tranh tại Việt Nam. Người bị bắn là lính đặc công của bộ đội giải phóng quân miền Nam. Đoạt được giải Pulitzer, nhưng bức ảnh cũng gây ám ảnh cả đời ông Adams như ông từng có phần phát biểu: “Tướng Loan hạ sát chiến sĩ Việt Cộng bằng súng, còn tôi hạ sát ông Loan bằng cái máy ảnh của mình”.

Cờ tung bay trên Iwo Jima (năm 1945)

 

Có khá nhiều bức ảnh về binh lính chiến đấu trong Chiến tranh thế giới thứ II, nhưng hình ảnh trở thành biểu tượng cho tinh thần chiến đấu bất khuất của người Mỹ đã được thực hiện bởi nhiếp ảnh gia Joe Rosenthal ngay tại đỉnh núi Suribachi (đảo Iwo Jima, Tây Bắc Thái Bình Dương) vào ngày 23/2/1945. Bức ảnh được chụp ngay sau khi trận chiến diễn ra khoảng 90 phút, một lá cờ nhỏ được giương cao trên đỉnh núi. Một tượng điêu khắc về sự kiện này cũng đã được dựng tại Đài tưởng niệm chiến tranh Thủy quân lục chiến (Arlington Ridge Park) Mỹ.

Nhiếp ảnh gia Joe Rosenthal đã chụp nhiều ảnh trong suốt thời chiến, nhưng chỉ có bức Cờ tung bay trên Iwo Jima là nổi tiếng nhất. Dù chỉ nhận chút tiền cho tác phẩm, nhưng bù lại ông đã được vinh danh vì sự cống hiến của mình. Sau khi Joe Rosenthal tạ thế, ông được trao tặng Giải thưởng công vụ xuất sắc của Bộ hải quân Mỹ (thuộc Thủy quân lục chiến Mỹ).

Em bé napalm (năm 1973)

 

Bom napalm đã được sử dụng trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam. Một vụ tấn công bằng bom napalm đã xảy ra vào ngày 8/6/1972 và ông Huỳnh Công Út - thường được gọi là Nick Út - đã ghi lại bức ảnh một toán trẻ em đang hớt hải chạy trên đường số 1 gần Trảng Bàng (Tây Ninh) sau khi bom napalm thả xuống một khu kháng chiến tại đó. Trong bức ảnh, cô bé Kim Phúc khi đó mới 9 tuổi mình trần như nhộng vì bị phỏng bởi bom. Bức ảnh Khủng bố chiến tranh đã đoạt giải ảnh Pulitzer về tin tức tiêu điểm vào năm 1973 cũng như đoạt giải Ảnh báo chí thế giới của năm. Không chỉ chụp được bức ảnh biểu tượng, ông Út còn bế bé Kim Phúc vào thẳng bệnh viện để cứu chữa.

Người phụ nữ Do Thái lẻ loi (năm 2007)

 

Đang làm việc cho hãng tin AP, Oded Balilty đã nhận lệnh của tòa soạn đến chụp ảnh một nhóm người định cư Do Thái đang chống lại lực lượng an ninh Israel ở khu Bờ Tây. Bức ảnh độc đáo đã được bấm máy vào ngày 1/2/2006, và ông Balilty sau đó là người chiến thắng trong giải nhiếp ảnh tin tức chấn động của Pulitzer năm 2007. Lúc chụp ảnh, Balilty đang ở khu định cư Amona (phía Đông Ramallah) và nhìn thấy một người phụ nữ hiên ngang trước “cơn lũ” các nhân viên an ninh. Nhận thấy tình huống hiếm hoi, ông đã nhanh tay bấm máy. Có 200 người bị thương trong cuộc đụng độ, nhưng người phụ nữ đã trở thành biểu tượng của phe chống đối với chính quyền Israel.

Niềm vui vỡ òa (năm 1974)

 

Slava “Sal” Veder làm việc tại hãng tin AP khi ông chụp được cảnh trở về của Trung úy tù binh Robert L. Stirm tại Căn cứ không quân Travis (California). Ông Stirm được chào đón bởi cô con gái 15 tuổi (người chính giữa) và gia đình ông. Bức ảnh khắc họa thời khắc vui sướng tột độ khi cô con gái chạy bổ tới cha, người mà cô bé đã không được thấy mặt suốt hơn 5 năm. Bức ảnh Niềm vui vỡ òa được nhận giải Pulitzer vào năm 1974. Nhưng bản thân Stirm là người đau khổ nhất vì chỉ 3 ngày trước khi về Mỹ, ông nhận được thư chia tay của người vợ khi chờ chồng không được, bà đã đệ đơn ly hôn được đúng 1 năm. Dù sao bức ảnh cũng là minh họa tuyệt đẹp về tình cảm của người hậu phương với người lính trở về.

Vụ ám toán Heather Heyer (năm 2018)

 

Năm 2017, Ryan Kelly đang làm việc cho ngày cuối cùng ở báo The Daily Progress ở Charlottesville (tiểu bang Virginia, Mỹ). Cũng ngày hôm đó diễn ra một cuộc biểu tình dưới phố nhằm mục đích di dời pho tượng Đại tướng thống lãnh quân đội Liên Minh - Robert E.Lee. Một người đàn ông đã lái chiếc xe hơi của mình tông thẳng vào đám đông đi biểu tình. Vụ tấn công đã dẫn đến cái chết của Heather Heyer. Ryan Kelly đoạt được giải Pulitzer về nhiếp ảnh tin tức chấn động vào năm 2018 khi ông đặc tả hình ảnh cuối cùng của nạn nhân Heyer cùng 35 người khác bị tấn công. Bức ảnh của Kelly trở thành biểu tượng của phong trào biểu tình lan khắp nước Mỹ.

Trốn thoát lối hỏa hoạn (năm 1976)

 

Năm 1976, giải thưởng Pulitzer về nhiếp ảnh tin tức tiêu điểm đã được trao cho nhiếp ảnh gia Stanley Forman với bức ảnh có tựa đề Trốn thoát lối hỏa hoạn. Ông Forman đã ghi lại khoảnh khắc một phụ nữ và đứa trẻ rơi ra khỏi một đám cháy trong một tòa nhà ở Boston vào ngày 22/7/1975. Hai nạn nhân là cô gái 19 tuổi tên Diana Bryant và con gái đỡ đầu của cô tên Tiare Jones mới tròn 2 tuổi. Nạn nhân Bryant đã chết khi rơi xuống đất. Kỳ diệu thay, bé gái Tiare Jones lại sống sót khi rơi trúng cơ thể của mẹ đỡ đầu Bryant. Bức ảnh Trốn thoát lối hỏa hoạn cũng đoạt luôn giải Bức ảnh báo chí thế giới của năm.

Biệt đội xử bắn ở Iran (năm 1980)

 

Bức ảnh khiêu khích của Jahangir Razmi mang tiêu đề Biệt đội xử bắn ở Iran đã đoạt được giải Pulitzer năm 1980. Bức ảnh được chụp vào ngày 27/8/1979, nhưng được công bố nặc danh trên tờ nhật báo Ettela’at của Iran. Ông Razmi là người duy nhất nhận giải Pulitzer ở dạng nặc danh. Bức ảnh ghi lại cảnh một tốp chiến binh người Kurd bị xử tử tại sân bay Sanandaj. 11 tù nhân bị tuyên tội buôn lậu vũ khí, kích động bạo loạn và giết người trong một phiên tòa chỉ kéo dài đúng 30 phút. Vụ hành quyết họ diễn ra tức khắc ngay sau khi kết thúc phiên tòa. Nhiếp ảnh gia Razmi đã tận mắt theo dõi buổi hành quyết. Tên của Jahangir Razmi được nhà xuất bản bảo vệ nhằm giúp cho ông được an toàn, thoát khỏi sự trả thù của chính phủ Iran. Năm 2006, cuối cùng ông Razmi cũng hé lộ rằng mình là tác giả của bức ảnh “chấn động” trong một cuộc phỏng vấn với tờ Thời báo Phố Wall.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.