Ngoài việc đảm bảo tốt các mục tiêu, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông (tỉ lệ tốt nghiệp tăng), chăm lo cho giáo dục dân tộc thì vấn đề nan giải của khu vực là tình trạng học sinh nghỉ, bỏ học tiếp tục được kéo giảm.
Tại buổi giao ban vùng sáng nay ở Đồng Nai, đại biểu của các Sở GD&ĐT một lần nữa lại đề cập đến vấn đề định biên cho Phòng Giáo dục, công tác phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, cũng như việc phân luồng dạy nghề đang ít nhiều chồng chéo và gặp vướng mắc trong quản lý.
Chất lượng giáo dục được nâng lên
Đó là một thực tế mang lại sự khích lệ rất lớn cho toàn khu vực khi tỉ lệ huy động trẻ, quy mô phát triển, đầu tư xây dựng trường lớp tại các tỉnh không ngừng gia tăng.
Chất lượng giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ không chỉ được thể hiện ở tỉ lệ học sinh khá, giỏi tăng đều mà còn ở kết quả thi tốt nghiệp vừa qua khi 5/7 tỉnh có tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT trên 99%.
Những thành công ấy đến từ sự chủ động trong công tác tham mưu của các Sở GD&ĐT với Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự chủ động trong cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm được phát huy cao độ từ cấp quản lý đến giáo viên.
Song song với công tác đẩy mạnh phổ cập giáo dục thì mục tiêu nhiều năm nay (kéo giảm tỉ lệ học sinh bỏ học) đã đang từng bước thể hiện tính bền vững cao khi năm nay cả 7 tỉnh trong khu vực tỉ lệ đều giảm đều.
Trong đó, có thể kể đến tỉnh Đồng Nai từ 0,65% xuống còn 0,46%, Nih Thuận từ 1,48% xuống còn 1,32%. Tây Ninh từ 0,62% xuống còn 0, 50%...
Phải tháo gỡ từng vấn đề cụ thể
Tuy sự chuyển biến về chất lượng giáo dục là rất bền vững. Nhưng thách thức của khu vực lại không hề nhỏ. Trong đó, vấn để đẩy mạnh công tác phổ cập MN 5 tuổi, sớm đi đến lộ trình mà Bộ GD&ĐT đề ra đang khiến nhiều địa phương băn khoăn.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước - cho biết: Địa phương thật sự gặp khó trong vấn đề này khi điều kiện trường lớp, cơ sở vật chất của nghèo nàn.
Trong khi địa phương không đủ nguồn lực tài chính, dân chưa thật sự có đời sống khá giả còn mức đầu tư của Chính phủ lại quá ít khiến chúng tôi vô cùng khó khăn.
“Trường mầm non công lập quá thiếu, thực hiện xã hội hóa giáo dục, xây trường tư thì phụ huynh không gửi con vì phải đóng tiền. Vì thế, tôi đề nghị Bộ GD&ĐT cần sớm tháo khó cho tỉnh Bình Phước, nếu không rất dễ đẩy các địa phương sa chân vào cách làm đối phó và nặng thành tích”- Ông Hùng nói.
Trong số nhiều vấn đề bất cập đang tồn tại, thì việc yêu cầu đẩy mạnh công tác phân luồng, giao vai trò cho các TTGDTX làm thêm nhiệm vụ dạy nghề khiến nhiều lãnh đạo các Sở GD&ĐT nêu ý kiến nhất.
Ông Nguyễn Thành Kỉnh - Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh - cho rằng: Đang có một sự chồng chéo trong quản lý, phân cấp và thực hiện công tác phân luồng, dạy nghề giữa hai Bộ GD&ĐT và LĐTB&XH khiến công tác phân luồng dạy nghề chưa hiệu quả. Việc phấn đấu đạt tỉ lệ 30% học sinh sau THCS theo học nghề vào năm 2020 đang trở thành áp lực.
Ông Nguyễn Bá Ninh - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận đưa dẫn chứng: Nhiều huyện của tỉnh tôi, TTGDTX chật hẹp xuống cấp nhưng vẫn phải hoạt động. Trong khi đó, bên cạnh nhiều trường nghề (của Bộ LĐTB&XH) xây dựng khang trang, to lớn nhưng không thu hút được người học.
Nhưng khi tỉnh có văn bản đề nghị phối hợp, sáp nhập thì vướng vì Bộ LĐTX&XH không đồng ý. Việc sáp nhập để hướng đến mục đích phục vụ học sinh ít nhiều bị trì trệ khi bộ máy quản lý của hai đơn vị không thể thống nhất…
Ông Nguyễn Văn Hùng phân tích thêm: Hiện các TTGDTX được giao thêm nhiệm vụ dạy nghề, nhưng để làm được vấn đề này cần phải có một điều kiện cơ sở vật chất phù hợp, đội ngũ GV, biên chế cho từng ngành nghề…
Trong khi, hiện chưa thấy có một văn bản nào đề cập đến vấn đề này nên để làm hiệu quả thì rất khó, Bộ GD&ĐT cần giúp các địa phương.
Chính sách có, không làm được?
Bức xúc nhất trong hàng loạt các vấn đề đang cần tháo gỡ chính là vấn đề liên quan đến chính sách. Trong đó, quy định về biên chế GV/ lớp cho việc dạy học 2 buổi, cũng như định biên tại cho các Phòng Giáo dục là vấn đề nhiều địa phương chưa có hướng ra.
Rất nhiều đại biểu cho rằng NĐ 115 và thông tư liên tịch 47 đã mở ra cơ hội rất lớn cho từng địa phương. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc thực hiện bổ sung biên chế theo quy định (16 người) cho phòng giáo dục vẫn gặp khó từ Bộ Nội vụ. Các Sở GD&ĐT rất muốn tháo hó nhân lực cho phòng giáo dục, nhưng khi triển khai, xin định biên thì bị tắc.
Riêng vấn đề định biên GV/lớp (1,5 GV) cho việc dạy 2 buổi/ ngày đang khiến các địa phương gặp rắc rối vì không thể tháo gỡ nút thắt này.
Ông Nguyễn Bá Ninh cho biết: Chính sách dạy 2 buổi/ngày đáp ứng được kỳ vọng và nhu cầu rất thực của phụ huynh. Tuy nhiên, quy định 1,5 GV/lớp cho công tác dạy 2 buổi/ngày đang tụt hậu khi nhu cầu thực tế hiện nay phải cần đến định biên 1,7 GV/lớp.
Tỉ lệ học 2 buổi/ ngày của tỉnh Ninh Thuận còn rất thấp. Nhưng hiện nay chính sách không theo kịp cuộc sống, trường không có GV, thì không thể làm.
Nếu các trường thu của phụ huynh tiền để hợp đồng thêm GV phục vụ con em họ thì sai quy định của Bộ Nội vụ, chỉ đạo của UBND tỉnh nên cái này cần Bộ GD&ĐT tháo gỡ giúp.
Bà Trần Thị Yến - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho rằng Bộ GD&ĐT nên sớm tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các địa phương và có một chỉ đạo chung trên toàn quốc.
Tránh trường hợp để các địa phương mạnh ai nấy làm, trường nào thu được tiền để mời GV thì thu. Như thế rất dễ mang đến những hệ lụy không hay và cái nhìn không tốt cho ngành.
Chúng ta làm ra chính sách, nhưng khi chính sách không theo kịp với thực tế cuộc sống thì cần thay đổi. Song song đó, công tác triển khai đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 đang khiến các địa phương rối vì chưa có chuẩn chung.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga chúc mừng những thành tựu mà khu vực Đông Nam Bộ đã đạt được.
Thứ trưởng thừa nhận đang có một sự vướng mắc nhỏ trong việc phối hợp giữa trường nghề (Bộ LĐTB&XH) với TTGDTX (Bộ GD&ĐT) trong việc dạy văn hóa cho học sinh hay việc thành lập một đơn vị trên cơ sở sáp nhập.
Ông cho biết, vấn đề này đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để có cơ sở và văn bản quản lý, ký kết phối hợp để có hướng sáp nhập các đơn vị cho có hiệu quả.
Riêng vấn đề thuộc đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 hiện việc quy đổi số bậc (3 bậc cũ) sang khung bậc mới hiện vẫn chưa có. Việc cấp chứng chỉ cho học viên TTGDTX, bồi dưỡng GV để đạt chuẩn…cũng còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Bộ GD&ĐT sẽ làm việc lại với Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ để có hướng giải quyết.
Vấn đề kinh phí nhằm xây dựng cơ sở vật chất cho đề án phổ cập GDMN 5 tuổi, Bộ đang tìm kiếm nguồn hỗ trợ bên cạnh ngân sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các địa phương khó khăn để sớm hoàn thành mục tiêu phổ cập GDMN 5 tuổi.
“Chúng tôi xin ghi nhận mọi ý kiến đóng góp tại Hội nghị để sớm cùng các địa phương tìm ra giải pháp tháo gỡ. Vấn đề quan trọng trước mắt là các địa phương tiếp tục quyết liệt thực hiện kéo giảm tỉ lệ học sinh bỏ học, đẩy mạnh việc quy hoạch mạng lưới trường lớp nhằm hoàn thành các cơ chế, chính sách cho mục tiêu đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục hướng việc dạy học theo phương thức cũ sang việc chú trọng hình thành phẩm chất và năng lực cho học sinh" - Thứ trưởng Ga nhấn mạnh.