Sư phạm Công nghệ: Không “kén” thí sinh và việc làm

GD&TĐ - Sư phạm công nghệ là ngành đào tạo không "kén" thí sinh. Sinh viên học ngành này có cơ hội việc làm rộng mở.

Một tiết học của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Một tiết học của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Theo Ts Trần Nguyễn Hà - Trưởng khoa Sư phạm và Ngoại ngữ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), trước phạm vi ảnh hưởng rộng lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0) vào tất cả lĩnh vực và đời sống xã hội cùng với sự quan tâm ngày càng nhiều của xã hội về giáo dục STEM, môn Công nghệ ở trường phổ thông ngày càng đóng vai trò quan trọng.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Công nghệ là môn học bắt buộc ở giai đoạn giáo dục cơ bản. Trong giai đoạn định hướng nghề nghiệp, môn Công nghệ là môn học dành cho các học sinh có xu hướng lựa chọn ngành học thuộc các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, là môn học giúp nuôi dưỡng những ước mơ và khát vọng chinh phục khoa học công nghệ của các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ts Trần Nguyễn Hà, chương trình đào tạo ngành Sư phạm Công nghệ trang bị cho sinh viên kiến thức và kĩ năng cơ bản, hiện đại về các lĩnh vực khoa học kĩ thuật công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; kiến thức tâm lý, giáo dục, lí luận và phương pháp dạy học hiện đại trong dạy học công nghệ.

Sinh viên khoa Sư phạm và Ngoại ngữ thực tập hưởng lương tại Israel
Sinh viên khoa Sư phạm và Ngoại ngữ thực tập hưởng lương tại Israel

Bên cạnh đó, sinh viên còn được trang bị kỹ năng dạy học, giáo dục hướng nghiệp theo nguyên lí giáo dục hiện đại; Phát triển các chương trình dạy học tích hợp, giáo dục STEM.

Chương trình Sư phạm Công nghệ được thiết kế theo hướng mở, tăng cường cơ hội việc làm cho sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, người học có thể công tác tại các vị trí:

Giáo viên dạy học Công nghệ tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông; giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp khối công, nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Cán bộ nghiên cứu trong các viện và trung tâm nghiên cứu khoa học giáo dục, nghiên cứu trong lĩnh vực công, nông, lâm nghiệp và thủy sản. Cán bộ quản lí giáo dục, nhiên viên các cơ quan quản lí giáo dục và đào tạo các cấp. Cán bộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.

Sinh viên thực hành với máy Kubota tại khoa Cơ điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Sinh viên thực hành với máy Kubota tại khoa Cơ điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ còn được trang bị các kỹ năng như: tổ chức và thực hiện các hoạt động giáo dục phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học; nghiên cứu giải quyết các vấn đề thực tiễn liên quan đến lĩnh vực giáo dục; lập kế hoạch và tổ chức các hoạt động giáo dục STEM ở trường phổ thông; khởi nghiệp phát triển các công việc kinh doanh công nghệ….

Cùng với đó, sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ còn có cơ hội tham gia các hoạt động công tác đoàn và phong trào thanh niên sôi động giúp nâng cao kỹ năng, rèn luyện toàn diện để bước vào cuộc sống.

Ts Trần Nguyễn Hà cho biết, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ sẽ được miễn hoàn toàn học phí và có cơ hội tiết kiệm 40-50% học phí khi học ngành 2 tại Học viện.

Đồng thời, được ưu tiên xét chọn đi thực tập hưởng lương tại Nhật Bản và Israel, Hàn Quốc… với thu nhập lên đến 150 triệu đồng/năm. Ngoài ra, sinh viên có cơ hội nhận được các suất học bổng khuyến khích học tập, học bổng thủ khoa, á khoa, học bổng du học quốc tế, học bổng dành cho sinh viên tài năng, học bổng giáo sư… với tổng giá trí lên tới 30 tỷ đồng/1 năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.