Thay đổi tích cực
Mở đầu phát biểu của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia sẻ: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và các cháu học sinh, sinh viên có nói hôm nay vinh dự được gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, nhưng ngược lại tôi cũng rất vui khi được gặp các thầy, cô giáo, những người đang thực hiện sự nghiệp trồng người, xây dựng nền văn hiến của nước nhà và vui mừng, phấn khởi được gặp mặt các cháu, những học sinh xuất sắc, tiêu biểu trên các lĩnh vực, các nhà trường, các khu vực trên cả nước.
Qua báo cáo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng một số ý kiến phát biểu của học sinh, sinh viên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết cảm nhận trước hết là rất vui, rất mừng. Từ một đất nước hơn 90% người dân mù chữ, đến nay có trên 24 triệu người đi học, có nghĩa là cứ 4 người dân lại có người đi học. Người đi học chứ không phải chỉ là học sinh, sinh viên, vì người lớn cũng đi học rất nhiều. Chưa nói trình độ học bây giờ khác xa ngày xưa.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kể lại qua buổi tiếp Thủ tướng Pháp, được biết cộng đồng người Việt Nam ở Pháp là 35 vạn người. Trong số đó, hơn 4 vạn là những người có trình độ từ đại học trở lên. Nhiều sinh viên Việt Nam sang làm việc ở các nước Nhật, Mỹ, Úc, Canada... Trong nước, trường sở khác trước rất nhiều. Việt Nam đóng góp 2 trường đại học trong số 1.000 trường đại học nổi tiếng trên thế giới... “Sự nghiệp giáo dục của chúng ta đang phát triển rất mạnh” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhận định.
Chú ý giáo dục đạo đức, rèn luyện thể lực
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh Việt Cường |
Nhắc lại câu nói của cha ông: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh, nguyên khí mà suy thì đất nước yếu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, đất nước ta phát triển mạnh, quan hệ với quốc tế rộng rãi, uy tín trên trường quốc tế rất lớn. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ xúc động trước tinh thần nỗ lực cố gắng rất cao trong học tập rèn luyện, tinh thần ham học, vượt khó học giỏi, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau của các cháu học sinh, sinh viên. Nhiều tấm gương nhặt được của rơi trả lại người mất, có cháu nhiều năm cõng bạn đi học… Đó là những tấm gương sáng để các bạn học tập, noi theo.
“Không chỉ Thủ đô, hay thành phố lớn, bây giờ ở vùng cao, vùng khó khăn, cũng có nhiều học sinh giỏi, mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng tinh thần nỗ lực, phấn đấu vươn lên rất tốt” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý: Chúng ta nói phải giáo dục toàn diện, tựu chung lại là “đức” và “tài”. Trong đó, “đức” phải là gốc, là trước hết. Nói thế không phải xem nhẹ “tài”. “Tài” cũng quan trọng, vì nếu không có “tài” thì làm sao xây dựng được đất nước, làm sao gọi được là nguyên khí quốc gia!
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt các HSSV tiêu biểu xuất sắc. Ảnh Việt Cường |
Tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chú ý thêm về giáo dục đạo đức. Đạo đức bao gồm nhiều mặt, là ăn ở đối xử hàng ngày với anh em, bạn bè, nói rộng ra là với dân với nước; trách nhiệm công dân với đất nước, trung thành tuyệt đối với lợi ích quốc gia dân tộc, mang cái tài của mình ra phục vụ dân tộc, phục vụ đất nước. Ngày xưa các cụ đã nói: Học ăn, học nói, học gói, học mở, học để làm người rồi mới học để làm cán bộ. Tôi mong là vừa qua chúng ta đã chú ý giáo dục đạo đức phẩm chất rồi thì nay sẽ lưu ý thêm nữa. Chúng ta cũng phải lưu ý quan tâm để nâng cao thể lực cho các em, các cháu. Dân tộc Việt Nam ta trí tuệ thì tốt rồi, cũng phải phát triển về mặt thể lực, sức vóc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng quà cho các HSSV. Ảnh Việt Cường |
Những nhiệm vụ mà Đảng đã giao cho ngành Giáo dục, Nghị quyết 29/NQ-TW về Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quán triệt tinh thần này để xây dựng nền giáo dục ngày càng phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu. Như lời nói của Bác Hồ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Học trò gắn liền với các thầy, “không thầy đố mày làm nên”, nên thầy và trò phải gắn bó với nhau.