Sự nghiệp của dàn cựu lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh sụp đổ thế nào do Công ty Việt Á?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 26/7, TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử sơ thẩm vụ án liên quan loạt quan chức tỉnh trong vụ án kit test Việt Á.

Quang cảnh phiên tòa. (Ảnh: Minh Cương)
Quang cảnh phiên tòa. (Ảnh: Minh Cương)

Các bị cáo bị xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 360, Bộ luật Hình sự.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong ngày 26 và 27/7.

Loạt quan chức “nhúng chàm”

Các bị cáo bị xét xử với tội danh trên gồm: Phạm Văn Thành, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; Nguyễn Văn Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều; Nguyễn Thị Thanh Hảo, nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã Đông Triều; Nguyễn Thành Định, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều; Nguyễn Xuân Tiến, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều.

Riêng bị can Đào Thị Kim Dung, nguyên Trưởng phòng Y tế thị xã Đông Triều cũng bị truy tố cùng tội danh trên.

Tuy nhiên, xét tính chất hành vi phạm tội có mức độ, ban đầu Dung có thái độ phản đối và yêu cầu các đơn vị có liên quan thu thập đầy đủ thủ tục theo đúng quy định mới được thanh toán. Sau đó, Dung phải thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Hiện bị can đang bị bệnh hiểm nghèo (ung thư gan), không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.

Căn cứ Điểm b, Khoản 2, Điều 29, Bộ luật Hình sự, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với bị can Đào Thị Kim Dung.

Trong ngày đầu xét xử, Viện KSND tỉnh Quảng Ninh dành nhiều thời gian đề cập đến các văn bản bản mua sắm kit xét nghiệm.

Tại phiên tòa, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - Phạm Văn Thành thường xuyên cúi mặt xuống. Những bị cáo khác ngồi trầm lặng.

Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - Phạm Văn Thành (ngồi giữa) liên tục cúi mặt xuống. (Ảnh: Minh Cương)

Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - Phạm Văn Thành (ngồi giữa) liên tục cúi mặt xuống. (Ảnh: Minh Cương)

Gây thiệt hại 7 tỉ đồng cho ngân sách Nhà nước

Theo cáo trạng, cuối tháng 1/2021, tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), đại dịch Covid-19 đang lây lan trên diện rộng, khó kiểm soát.

Vì thế, địa phương này cần tìm nguồn vật tư sinh phẩm xét nghiệm để phân luồng dập dịch, Phạm Văn Thành khi đó là Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thị xã.

Thành đã thỏa thuận thống nhất với Công ty Việt Á (đại diện Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc) về việc mua vật tư, sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Việt Á.

Công ty Việt Á cung cấp kit test cho Đông Triều để tiến hành xét nghiệm phục vụ kịp thời cho chống dịch, sau đó hợp thức hồ sơ thanh toán.

Từ tháng 1 - 3/2021, Công ty Việt Á đã cung cấp ống môi trường, que tăm bông cho Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều để tổ chức lấy mẫu, còn kit xét nghiệm và kit tách chiết chuyển đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển để xét nghiệm cho thị xã Đông Triều theo quy định phân luồng xét nghiệm của tỉnh Quảng Ninh.

Cuối tháng 4/2021, ông Phạm Văn Thành đã chủ trì họp cơ quan chuyên môn, yêu cầu hoàn thiện hồ sơ thanh toán vật tư, sinh phẩm xét nghiệm theo hình thức: UBND thị xã chỉ định thầu và sử dụng nguồn dự phòng ngân sách của thị xã.

Ông Thành giao nhiệm vụ cho Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND thị xã chỉ đạo, đôn đốc cấp dưới, gồm: Nguyễn Thị Thanh Hảo, Đào Thị Kim Dung, Nguyễn Xuân Tiến và Nguyễn Thành Định, lập hồ sơ chỉ định, thầu rút gọn cho Công ty Việt Á với giá trị gói thầu 25.770.150.000 đồng.

Dung không đồng ý do Phòng Y tế không nhận vật tư từ Việt Á và không đủ năng lực để thực hiện.

Mặc dù vậy, cuối buổi họp ông Thành vẫn giao nhiệm vụ Phòng Y tế là đại diện chủ đầu tư, Phòng Tài chính - Kế hoạch chủ động phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều lập hồ sơ.

Tiếp đó, ông Thành ký Công văn số 473/UBND (ghi lùi về ngày 20/2/2021) xin ý kiến UBND tỉnh Quảng Ninh về việc: UBND thị xã Đông Triều chủ động mua sắm vật tư xét nghiệm, giao Phòng Y tế thị xã là đại diện chủ đầu tư.

Sau đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý đơn vị được mua vật tư xét nghiệm để thực hiện chống dịch theo quy định của pháp luật.

Để hoàn thiện thủ tục thanh toán, các phòng, ban của Đông Triều đã tiến hành lập hồ sơ lùi thời gian thanh toán vào thời điểm tháng 2/2021, cụ thể: Trung tâm Y tế Đông Triều có văn bản gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch đề xuất vật tư sinh phẩm, trong đó thể hiện số lượng kit test xét nghiệm và kit test tách chiết mỗi loại là 35.345 (đúng bằng số ống mẫu đã xét nghiệm 35.345).

Phòng Tài chính - Kế hoạch lập hồ sơ thanh toán, dự thảo các thủ tục đấu thầu như: Dự toán gói thầu, Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu và giá gói thầu mua sắm vật tư sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn thị xã Đông Triều.

Theo cáo trạng, các bị can đã ký các tài liệu, thủ tục và hoàn tất việc thanh toán cho Công ty Việt Á tăng vượt số kit xét nghiệm là 16.539 và kit tách chiết 16.548, gây thiệt hại hơn 7 tỉ đồng cho ngân sách Nhà nước.

Trong vụ án này, ông Phạm Văn Thành thiếu kiểm tra, giám sát do tin tưởng các thông tin không xác thực và số liệu do Công ty Việt Á đưa ra.

Ông Thành không chỉ đạo cấp dưới thu thập, đối chiếu triệt để các thông tin xác thực với đơn vị có liên quan được giao nhiệm vụ xét nghiệm và đã làm thủ tục thanh toán vượt số lượng sinh phẩm xét nghiệm.

Theo cáo trạng, ông Nguyễn Văn Bình được tham gia họp bàn và được nghe cấp dưới báo cáo vướng mắc chưa có số liệu đối chiếu với Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển.

Ông Bình chỉ chuyển ý kiến chỉ đạo của Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND thị xã - Phạm Văn Thành đến cấp dưới mà không chỉ đạo thu thập, đối chiếu số liệu.

Khi cấp dưới trình hồ sơ thanh toán, Phó Chủ tịch UBND thị xã - Nguyễn Văn Bình đã ký thẩm định hồ sơ mua sắm chỉ định thầu với tư cách Chủ tịch Hội đồng thẩm định tư vấn mua sắm, mà không tham mưu cho Thường trực Ban Chỉ đạo… là chưa thực hiện đầy đủ chức trách nhiệm vụ được giao.

Căn cứ các biên bản giao nhận hàng ngày 21/7/2021, Phòng Y tế đã chuyển và đề nghị Kho bạc Nhà nước thị xã Đông Triều giải ngân, thanh toán 70% giá trị khối lượng nghiệm thu, tương ứng 18.039.105.000 đồng cho Công ty Việt Á.

Như vậy, việc lập hồ sơ nghiệm thu, thanh toán không đúng số lượng kit test thực tế đã tiêu hao, sử dụng, làm chênh lệch tăng 16.539 kit xét nghiệm trị giá 7.773.330.000 đồng và 16.548 kit tách chiết trị giá 2.647.680.000 đồng, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước và Công ty Việt Á được hưởng lợi bất hợp pháp số tiền trong số tiền đã thanh toán là 7.294.707.000 đồng.

Trước khi vụ án bị phát hiện, khởi tố, bị can Thành và Bình đã sử dụng tiền cá nhân và nhờ các doanh nghiệp hỗ trợ nộp 18.039.105.000 đồng khắc phục toàn bộ hậu quả đã xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.