Lâu nay, cách dạy học chú trọng nội dung kiến thức, giáo viên phụ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa trở thành thói quen, ăn sâu, bám rễ vào không ít nhà giáo. Chương trình mới, dù được chuẩn bị từ lâu, không phải là "bẻ lái bất ngờ", nhưng việc thay đổi thói quen, nhận thức, kỹ năng và phương pháp dạy học thì không phải thầy cô nào cũng đã sẵn sàng. Và để làm được điều này, trước hết mỗi thầy cô cần nhận thức được đâu là thói quen buộc phải loại bỏ.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra mục tiêu ở cuối mỗi cấp học - đây mới là pháp lệnh mà mỗi giáo viên phải thực hiện. Các bộ sách giáo khoa được phê duyệt có thể ví như 5 con đường khác nhau để giáo viên, học sinh đạt được mục đích của chương trình. Khi nắm vững nội dung cốt lõi quy định trong chương trình, giáo viên hoàn toàn có quyền linh hoạt trong lựa chọn, tổ chức, sắp xếp các chất liệu, nội dung dạy học, miễn đạt được mục tiêu một cách hiệu quả nhất.
Khi không còn là pháp lệnh, nội dung sách giáo khoa cần được mỗi giáo viên áp dụng linh hoạt cho phù hợp với trình độ học sinh lớp mình, trường mình; với đặc điểm, điều kiện kinh tế - xã hội địa phương. Đó chính là độ "mở" cần thiết để sáng tạo. Thầy cô hãy chuẩn bị một tinh thần "mở", nói "không" với sự khuôn mẫu, cứng nhắc, tạo tâm thế "được quyền lựa chọn và quyết định" nội dung buổi lên lớp, trên cơ sở nắm chắc các vấn đề lý thuyết liên quan. Với cách làm này, mỗi thầy cô, bằng sự tâm huyết, sáng tạo sẽ đưa học sinh đến đích bằng cách làm riêng.
Mỗi thầy cô cũng cần tâm niệm mình là một nhà giáo dục, không phải một "thợ dạy" - chỉ răm rắp làm theo sách giáo khoa và những quy trình cứng nhắc, thiếu sáng tạo. Thực hiện Chương trình mới, cần những người thầy tràn đầy năng lượng, năng động, sáng tạo, dám thử nghiệm để làm mới bản thân và bài giảng của mình mỗi ngày; đề cao vai trò tự học, thấy kiến thức mình có còn ít ỏi và sẵn sàng nhặt nhạnh những gì có thể làm giàu hơn cho nghề nghiệp; những người thầy truyền cảm hứng, tạo cho học trò ngọn lửa đam mê tri thức, để việc học không còn là sự ép buộc mà xuất phát từ sự thôi thúc khám phá tri thức…
Để chuẩn bị cho đổi mới giáo dục, trong nhiều năm qua, hàng loạt văn bản được ban hành, từng bước tạo tiền đề thay đổi cách thức quản lý, xây dựng chương trình, đổi mới kiểm tra đánh giá, phương pháp dạy học cho giáo viên... Các địa phương đang rốt ráo chuẩn bị những gì tốt nhất cho lớp 1. Đội ngũ giáo viên được lựa chọn sứ mệnh đi tiên phong trong triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới cũng được tập huấn với yêu cầu nghiêm ngặt.
Thành công của đổi mới, tất nhiên phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng giáo viên luôn được coi là nhân tố quan trọng mang tính quyết định. Một khi thầy cô thực sự quyết tâm đổi mới, lan tỏa luồng năng lượng tích cực, biến quyết tâm đó thành hành động, chắc chắn đổi mới sẽ thành công; và học sinh chính là người hưởng lợi cuối cùng từ những thay đổi tích cực này.