Trước thềm năm học mới 2014 – 2015, thầy Đặng Việt Hà chia sẻ những tâm tư, trăn trở của một nhà giáo với nghề, nghiệp và ước mơ đổi mới sự nghiệp “trồng người”:
Nỗ lực vì trách nhiệm vì niềm tự hào
“Với mục tiêu “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” đang đòi hỏi ở mỗi cán bộ giáo viên sự nỗ lực to lớn. Nỗ lực vì trách nhiệm. Nhưng hơn cả, nỗ lực vì niềm tự hào. Tự hào với trọng trách, được Đảng đặt niềm tin, gửi gắm sứ mệnh vô cùng cao cả - sứ mệnh xây dựng tương lai.
Xuất phát từ nhận thức về trọng trách của mình, về những gì đang làm và về những kì vọng mà không chỉ riêng tôi, tất cả các đồng nghiệp, tất thảy những người làm nghề giáo như chúng ta đều ấp ủ, tôi muốn nói lên suy nghĩ của mình trước “một trận đánh lớn” như lời Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Đồng thời cũng là sự thể hiện quyết tâm của thầy và trò trường THCS Chu Văn An trước thềm năm học mới.
Tự soi mình bằng tấm gương “khẩu hiệu”
Chúng ta đã nói rất nhiều về việc phải coi người học là chủ thể trong quá trình giáo dục, lấy học sinh làm trung tâm. Nhưng rồi tự hỏi, chúng ta đã làm gì để biến những điều hay nói ấy thành những hành động cụ thể, ngõ hầu tạo được sự thay đổi căn bản trong cách học của học sinh, thì câu trả lời bao giờ cũng là: có đấy, nhưng rất tiếc là chưa nhiều.
Chúng ta đã làm rất nhiều để khẳng định chúng ta đang tích cực đối mới phương pháp giảng dạy, nhưng chúng ta đã thực sự tạo được những giờ học đầy hứng khởi cho học sinh chưa. Chúng ta đã thực sự đem đến cho học trò của chúng ta những nụ cười hạnh phúc sau mỗi giờ học “chất ngất” kiến thức chưa? Hình như đã có, nhưng còn rất ít!
Ở những vị trí trang trọng trong các nhà trường chúng ta đã nâng niu treo lên dòng chữ “Học để biết, học để làm người, học để chung sống …” và “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực”. Nhưng chúng ta vẫn chưa làm được nhiều cho học sinh ngoài việc giúp chúng “học để biết”.
Rất nhiều học sinh của chúng ta đã thành niềm tự hào của không riêng gì chúng ta, nhưng cũng còn đó rất nhiều học sinh khiến chúng ta lo âu về tư cách đạo đức, về ý thức công dân, về khả năng hòa nhập, về sự chia sẻ, góp phần làm nên những giá trị sống trong cộng đồng.
Hàng năm đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp chúng ta có những con số rất đáng tự hào. Trên 70% giáo viên được xếp loại xuất sắc (năm học trước con số này là 90%). Số tiết dạy của đồng nghiệp được chúng ta đánh giá chủ yếu là giờ tốt, giờ giỏi. Chúng ta rất ít giáo viên chỉ ở mức đạt yêu cầu. Nhưng trong thâm tâm, chúng ta có thực sự yên tâm về điều này chưa?
Vẫn biết là cuộc sống bộn bề, song đã chọn nghề dạy học, tôi nghĩ, chúng ta cần giữ cho tâm mình sáng, lòng mình trong để có thể thấy hết những lợn gợn trong chính mình. Và cũng chính từ đó chúng ta sẽ tạo ra được những nụ cười hạnh phúc trên môi con trẻ sau mỗi giờ học “chất ngất” kiến thức.
Ngày xưa đi học, trong suy nghĩ của tôi thầy cô giáo là thần tượng, “cái gì cũng biết”. Còn bây giờ không ít lần tôi đã chứng kiến các cô giáo nhờ học sinh lên chỉnh lại phần mềm máy tính bị lỗi hoặc lấy hộ tài liệu từ trên mạng. Không có gì đáng trách ở đây. Nhưng chúng ta cũng không thể không suy nghĩ. Quá trình dạy học xét cho cùng cũng là quá trình truyền tải và tiếp nhận thông tin.
Người tiếp nhận thông tin đã hết sức chủ động, nhưng người cung cấp thông tin lại không chuyên nghiệp thì chắc chắn hiệu quả không cao. Không ai trách chúng ta không biết hết, bởi kiến thức là vô cùng. Nhưng nếu không luôn luôn học tập, luôn luôn trau dồi tri thức chúng ta rất dễ mất vị thế của mình trong con mắt học trò ngày hôm nay.
Hãy trở thành thần tượng trong mắt học sinh
Thông điệp mà tôi muốn gửi tới các đồng nghiệp, như thể hiện sự quyết tâm trước thềm năm học mới là: “Đổi mới giáo dục trước hết phải đổi mới từ cá nhân mỗi nhà giáo”.
Học trò của chúng ta hôm nay, nhất là những học sinh lớp 8 lớp 9 thường hay có cho mình một thần tượng. Thần tượng của các em là những ngôi sao điện ảnh, ca sĩ, người mẫu, danh nhân, nhân tài… những người nổi tiếng.
Cũng có khi thần tượng của các em là thầy cô giáo của mình. Nhưng điều này không nhiều và các em thường không công khai điều đó. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều phụ huynh học sinh mỗi khi bất lực trước con cái, đã viện đến thầy cô giáo để mong giải quyết vấn đề.
Tôi đã nghĩ rất nhiều về điều này. Hiện tượng tâm lý trên không là phổ biến, nhưng nó đã nói lên một điều. Chúng ta có thể không là thần tượng, nhưng chúng ta đã là điểm tựa tinh thần của học trò. Cuộc sống còn rất nhiều điều phải suy nghĩ, băn khoăn, nhưng còn gì hạnh phúc hơn khi chúng ta là điểm tựa của niềm tin con trẻ.
Tôi cũng chắc rằng, niềm tin ấy không phải là nhờ sự uyên thâm tri thức trong mỗi chúng ta, mà xuất phát từ niềm yêu thương, sự bao dung, lòng nhân ái chúng ta giành cho học trò.
Học trò của chúng ta phải “Học để làm người; Học để chung sống”, nhưng chính chúng lại là chủ thể của quá trình học tập. Vì vậy, thiết nghĩ bên cạnh những bài học kĩ năng sống trên sách giáo khoa, hãy cứ để cho học trò nhìn thấy chúng ta sống nhân ái và yêu thương, hay để học trò soi vào chúng ta để rèn rũa nên người.
Hay nói khác đi, mỗi chúng ta cùng với việc học tập nâng cao kiến thức, đổi mới cách nghĩ hãy thường xuyên bồi đắp cho mình lòng nhân.
Năm học mới đã cận kề, tôi nghĩ, sẽ có rất nhiều giải pháp mới được đưa ra, rất nhiều chương trình mới được triển khai thực hiện.
Đứng trước một trận đánh lớn, mỗi người cần tĩnh tâm nhìn lại mình. Chúng ta sẽ chỉ làm nên chiến thắng khi thực sự biết rõ về mình, biết mình đang ở đâu.
Trọng trách mà Đảng và nhà nước tin tưởng giao cho ngành giáo dục là rất lớn. Nhưng nếu mỗi nhà giáo đều nhận thức, để làm được những việc lớn đó trước hết mỗi cá nhân cần “khai tâm, nâng trí, tích lòng nhân” thì chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.