Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Steve Witkoff và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi đã trao đổi với nhau trong hai giờ rưỡi. Bộ trưởng Ngoại giao Oman đóng vai trò trung gian, tức là không trao đổi trực tiếp với nhau. Nhưng rồi hai người này đã gặp và nói chuyện với nhau trong khoảng thời gian ngắn.
Cách sắp xếp này giúp cho thiên hạ hiểu như thế nào cũng được về bản chất ngoại giao của cuộc gặp. Ông Trump và ông Witkoff coi đấy là cuộc gặp trực tiếp giữa Mỹ và Iran thì sử dụng đấy làm bằng chứng. Phía Iran lại quả quyết chỉ thương thảo gián tiếp với Mỹ thì cũng sử dụng cung cách ngoại giao được sử dụng ở Oman làm bằng chứng.
Dù có được gọi như thế nào thì cuộc gặp ở Oman vừa rồi cũng vẫn là cuộc thương thảo đầu tiên giữa Iran và chính quyền mới ở Mỹ. Nếu nhìn nhận đó là cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Mỹ và Iran thì là lần đầu tiên kể từ thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, cụ thể là trong quá trình đàm phán về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran mà thỏa thuận cuối cùng được ký kết hồi năm 2015.
Năm 2018, ông Trump đơn phương rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận này. Việc cả hai phía đều đánh giá tích cực về diễn biến, kết quả cuộc gặp cũng như việc hai bên nhất trí sẽ lại tiếp tục thương thảo với nhau ngay trong tuần tới đủ để cho thấy Mỹ và Iran đã gây dựng được sự khởi đầu đầy hứa hẹn cho tiến trình đàm phán hướng tới thỏa thuận mới về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran.
Ông Trump rất chủ động và sốt sắng với việc đạt được thỏa thuận này. Ông đã viết thư gửi lãnh đạo Iran đề nghị đàm phán. Ông Witkoff quả quyết phía Mỹ sẵn sàng thỏa hiệp với Iran để đạt được thỏa thuận.
Tuy nhiên, ông Trump luôn cảnh báo và răn đe Iran, luôn dọa sẽ sử dụng liệu pháp quân sự nếu quốc gia này không chịu đi vào đàm phán và thỏa thuận với Mỹ. Chỉ như thế, ông mới duy trì được dư địa để giữ thể diện và uy danh trong trường hợp bị Iran khước từ hay bất chấp đề nghị.
Trong vấn đề quan hệ của Mỹ với Iran, ông Trump khác biệt nhiều so với Tổng thống Mỹ trước đấy. Ông muốn nhanh chóng đạt được thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran. Ông muốn giải quyết vấn đề trên riêng với Iran chứ không cùng với Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức như hồi Tổng thống Mỹ Obama.
Ông Witkoff cho biết, lằn ranh đỏ đối với Mỹ là Iran không được chế tạo và sở hữu vũ khí hạt nhân. Như thế cũng có thể hiểu là ông Trump và cộng sự không đặt điều kiện tiên quyết là bằng mọi giá phải tiêu hủy hoàn toàn chương trình hạt nhân của Iran.
Chương trình nghị sự cho tiến trình đàm phán hiện tại giữa Mỹ và Iran bao gồm toàn những nội dung khó nhằn, rất nhạy cảm về đối nội cũng như an ninh đối với cả hai bên. Chẳng hạn như Iran đòi Mỹ hủy bỏ các chính sách cấm vận và trừng phạt; chấm dứt chương trình hạt nhân và không được làm giàu Uranium; cho phép bên ngoài kiểm chứng chương trình hạt nhân của Iran. Rồi còn chuyện trao trả tù nhân giữa hai quốc gia, hay như những chuyện về an ninh khu vực có liên quan đến Israel...
Để giải quyết được ổn thỏa những vấn đề này, Mỹ và Iran giờ cần thỏa thuận mới chứ không phải làm sống lại thỏa thuận ký hồi năm 2015. Chặng đường hai bên tiếp tục phải đi còn rất dài. Trở ngại phải cùng nhau vượt qua còn rất nhiều. Sự khởi đầu như thế rất đáng khích lệ và suôn sẻ.