Sự khác biệt lớn nhất giữa cách nuôi dạy con giàu và nghèo

GD&TĐ - Một số ông bố bà mẹ kể với con rằng mình đã vất vả kiếm tiền, gia cảnh nghèo khó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý lâu dài, hành vi đó của cha mẹ sẽ gây nên những ảnh hưởng tiêu cực với con.

Trẻ lớn lên trong sung túc thường được tham gia nhiều hoạt động hơn. Ảnh minh họa.
Trẻ lớn lên trong sung túc thường được tham gia nhiều hoạt động hơn. Ảnh minh họa.

Sự khác biệt lớn nhất giữa giàu và nghèo đôi khi không nằm ở đồng tiền. Thực chất, sự khác biệt đó nằm ở những thứ đồng tiền mang lại một cách gián tiếp, như cơ hội, kiến thức, tư tưởng, lối sống. Điều quan trọng là dù trong hoàn cảnh nào, cha mẹ cũng tạo điều kiện để trẻ được học và phát huy thế mạnh.

Cách nuôi dạy khác nhau

Khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) thực hiện trên 1.807 phụ huynh cho thấy, những gia đình khá giả quản lý con bằng các lịch hoạt động. Họ đăng ký cho trẻ vào các lớp múa ba lê, chơi bóng và chương trình ngoại khóa. Thông thường, cả cha và mẹ đều dành nhiều thời gian để đọc cho con nghe. Họ cũng lo lắng về lịch học dày đặc, hoặc mức độ căng thẳng của con.

Trong khi đó, ở những gia đình nghèo, trẻ dành phần lớn thời gian ở nhà cùng người thân. Các em thường lớn lên ở những khu vực mà chính cha mẹ cũng thừa nhận là không tốt cho việc nuôi dạy con. Theo các nhà nghiên cứu, không có một triết lý hay cách nuôi dạy con nào là tốt nhất. 92% phụ huynh nói rằng, họ đang làm tốt việc nuôi dạy con. Chỉ có điều, họ thực hiện việc này khá khác nhau.

Nhà xã hội học Annette Lareau - Đại học Pennsylvania (Mỹ), cho biết, những cha mẹ giàu có hay trung lưu coi con như một dự án cần đầu tư cẩn trọng. Họ cố gắng bồi đắp cho con các kỹ năng thông qua việc gần gũi quan sát và tổ chức hoạt động. Đồng thời, dạy trẻ đặt câu hỏi về các nhân vật có quyền lực và hướng tới những tổ chức danh giá.

Trong khi đó, các phụ huynh thuộc tầng lớp lao động tin rằng, con sẽ phát triển một cách tự nhiên. Do đó, họ để con độc lập hơn và có nhiều thời gian chơi tự do. Trẻ được dạy biết vâng lời và kính trọng người lớn.

Trong xã hội hiện đại - nơi nhiều người bị cuốn vào “guồng quay” công việc và mải miết kiếm tiền, nhiều phụ huynh quyết định sẽ dạy con tiết kiệm. Song, họ lựa chọn cách tâm sự với con về những áp lực cuộc sống. Thậm chí, một số ông bố bà mẹ sẵn sàng kể với con rằng mình đã vất vả kiếm tiền ra sao, nhà mình nghèo như thế nào. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, lâu dài, hành vi đó của cha mẹ sẽ gây nên những ảnh hưởng tiêu cực với con.

Bởi, cách giáo dục này khiến suy nghĩ “nghèo khổ” ăn sâu vào tiềm thức của con.

Dần dần, trẻ trở nên tự ti khi không thể có được những món đồ mình yêu thích. Bên cạnh đó, chia sẻ quá đà về chuyện tiền bạc theo cách tiêu cực có thể khiến trẻ lo lắng.

Trẻ cần biết đâu là điểm mạnh của mình và phát huy. Ảnh minh họa.

Trẻ cần biết đâu là điểm mạnh của mình và phát huy. Ảnh minh họa.

Mục tiêu giáo dục

Thực tế, dù xuất phát điểm khác nhau, nhưng không thể phủ nhận, bất kỳ ai cũng có thể thành công. Trên thế giới có rất nhiều người thành công, nhưng đằng sau họ là những hoàn cảnh gia đình khác nhau. Đơn cử như tỷ phú Bill Gates. Ông sinh ra và lớn lên trong gia đình khá giả. Cha ông là một luật sư có tiếng, còn mẹ thuộc Ban giám đốc của công ty tài chính First Interstate BancSystem và United Way of America. Ông ngoại Bill Gates - J. W. Maxwell là Chủ tịch của một ngân hàng liên bang.

Dù được lớn lên trong môi trường lý tưởng, nhưng Bill Gates cũng từng có giai đoạn nổi loạn. Thời thiếu niên, Bill Gates thường xuyên cãi mẹ. Song, điều đặc biệt là mẹ ông chưa bao giờ tức giận hay tranh cãi với con. Thay vào đó, bà chọn cách cùng con tìm ra nguyên nhân của vấn đề.

Theo cha mẹ của Bill Gates, “con xảy ra vấn đề, chắc chắn có liên quan tới phương thức giáo dục của phụ huynh”. Với quan niệm giáo dục này, cha mẹ của Bill Gates đã cho ông không gian tự do, ủng hộ suy nghĩ của con. Họ đồng thời giúp con hoàn thành ước mơ.

Trong khi đó, trái với Bill Gates, cựu đệ nhất phu nhân của nước Mỹ Michelle Obama từng lớn lên trong gia đình không mấy khá giả. Bố bà là một nhân viên nhà máy nước, mẹ ở nhà nội trợ. Gia đình 4 người sống trong căn nhà nhỏ ở khu vực dành cho tầng lớp lao động. Dù nghèo khó, nhưng cha mẹ của Michelle luôn nỗ lực hết sức để đảm bảo con được học. Vì muốn con gái được đọc sách, viết chữ, mẹ của Michelle thường xuyên đưa bà tới thư viện. Thậm chí, họ sẵn sàng đưa con đi chơi xa để mở rộng nhận thức.

Trẻ trong gia đình nghèo thường được tự do chơi đùa. Ảnh minh họa.

Trẻ trong gia đình nghèo thường được tự do chơi đùa. Ảnh minh họa.

Lợi thế từ hoàn cảnh

Chia sẻ về vấn đề giàu - nghèo, Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Phương Chi, hiện làm việc tại Mỹ, nhận định, khái niệm giàu, nghèo chỉ mang tính tương đối.

“Sự khác biệt lớn nhất giữa giàu và nghèo đôi khi không nằm ở đồng tiền mà ở những thứ đồng tiền mang lại một cách gián tiếp, như cơ hội, kiến thức, tư tưởng, lối sống…”, chuyên gia này cho biết.

Theo TS Nguyễn Phương Chi, giàu đồng nghĩa với việc có thêm nhiều lựa chọn. Nữ chuyên gia dẫn chứng nghiên cứu được xuất bản thành sách “Chọn trường đại học: Cách giai tầng xã hội và trường học cấu thành cơ hội”, tác giả Patricia McDonough quan sát và phỏng vấn các nhóm học sinh từ 4 trường phổ thông trong tiểu bang California (Mỹ) vào cuối những năm 1990. Nghiên cứu chỉ ra rằng, lựa chọn trường đại học của các em có ảnh hưởng lớn bởi bộ máy nhà trường, gia đình, người cố vấn trong nhà trường và hoàn cảnh xã hội.

Những em gia đình có điều kiện được định hướng chọn trường đại học từ rất sớm. Hệ thống cố vấn hùng mạnh ở những ngôi trường danh giá các em theo học cung cấp nhiều thông tin quý báu, hỗ trợ viết thư giới thiệu, sửa bài luận, kết nối với cựu sinh viên… Nhờ đó, tăng cơ hội vào đại học và có sự nghiệp tương lai. Ngược lại, những em gia đình kinh tế eo hẹp, cha mẹ ít hiểu biết về giáo dục, thường theo học ở trường phổ thông đông học sinh. Khi đó, những học sinh này thường gặp nhiều thiệt thòi trong việc tìm trường đại học. Lựa chọn được đưa ra cho các em rất ít và hiếm học sinh nào có người chỉ dẫn tận tình từ đầu đến cuối trong quá trình nộp hồ sơ.

Trong khi đó, TS Nguyễn Phương Chi cho rằng, điều kiện tài chính tốt sẽ tạo cơ hội giúp sửa sai, làm lại từ đầu dễ dàng hơn. Đồng thời, giàu giúp mọi người tự tin, vững vàng hơn. 

“Đào sâu” mặt mạnh

Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, không phải “giàu” thì cái gì cũng có. Ngược lại, không phải cứ nghèo là sẽ khổ.

“Ta thường nói: “Tiền bạc là một tên đầy tớ tốt nhưng là một ông chủ xấu”. Nếu để đồng tiền chi phối, hay nếu ta coi đồng tiền to như cái bánh xe bò, hẳn là sẽ có ngày bị nó cán. Nhưng, nếu biết cách sử dụng đúng chỗ, đúng mục đích, chúng ta sẽ có sự hỗ trợ hiệu quả trên bước đường đời”, chuyên gia chia sẻ.

Theo ông Lê Khanh, nói cách khác, đồng tiền là một trong những phương tiện hữu ích. Song, tiền cũng là một thứ ma lực phá hoại hạnh phúc hay niềm tin của những người thân quen, nếu dùng vào những mục đích không đúng đắn. Khi đó, cha mẹ sẽ đem lại cho con mình cái nhìn lệch lạc về giá trị của đồng tiền.

“Có rất nhiều người, do hồi trẻ có cuộc sống cơ hàn, khó khăn nên khi kiếm được tiền, coi đó như một sức mạnh vạn năng với suy nghĩ mà họ xem là chân lý: Điều gì không thể mua bằng tiền, thì có thể mua bằng nhiều tiền hơn. Thực tế, trong xã hội hiện nay, hầu hết mọi thứ đều có thể giải quyết bằng tiền. Nhưng đồng tiền có thể mua được địa vị, chứ không mua được sự kính trọng; có thể mua được ngôi nhà chứ không mua được một mái ấm; có thể mua ₫ược sách vở nhưng không mua được kiến thức; có thể mua được thân xác chứ không thể mua được sự yêu thương và có thể mua được một đứa trẻ nhưng không mua được nụ cười của trẻ thơ!”, chuyên gia chia sẻ.

Ông Khanh cho biết, tiền có một sức mạnh đáng kể. Tuy nhiên, tiền chỉ có thể phát huy tác dụng nếu chúng ta làm chủ, biết cách sử dụng hợp lý. Tiền cũng được coi là một con dao không phải ai cũng biết cách sử dụng. Đây cũng là điều cha mẹ cần giúp con nhận ra. Theo chuyên gia Lê Khanh, điều quan trọng là dạy con yêu quý bản thân, lòng biết ơn, sự độ lượng. Con cũng cần hiểu rằng, hạnh phúc không phải do tiền đem lại.

Trong khi đó, TS Nguyễn Phương Chi nhận định, tiền không mua được cả thế giới. Do đó, theo chuyên gia này, hãy tập trung vào những mặt mạnh mà tiền không thể mua được. Bởi, nếu tìm ra được mặt mạnh nào đó trong bản thân và đào sâu vào phát triển, bất kỳ ai cũng sẽ có niềm tự hào, tự tôn riêng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.