Chuyên gia Kỹ năng sống Đào Ngọc Cường, Công ty CP đào tạo đánh thức tiềm năng Việt (Thanh Hóa) nhận định: Đây là kỳ nghỉ vô cùng đặc biệt vì nó không theo thông lệ, khiến các bậc cha mẹ “không kịp trở tay” trong việc sắp xếp và quản lý con cái. Thời gian học sinh nghỉ tránh dịch, nhiều gia đình lao đao vì mọi sinh hoạt bất ngờ đảo lộn, đặc biệt là mối lo trông con sao cho an toàn…
Chuyên gia Đào Ngọc Cường cho rằng, nếu xét về góc độ tích cực thì đây là cơ hội để trẻ có dịp học tập và khám phá về lĩnh vực xã hội, thiên nhiên… mà trong thời gian học trẻ chưa có điều kiện thực hiện. Tuy nhiên, để con thực sự đam mê và làm theo lời cha mẹ dặn thì việc cha mẹ cần có kỹ năng là hết sức cần thiết.
Xây dựng thời gian biểu cụ thể
Cha mẹ cần lên lịch rõ ràng và cụ thể cho con hàng ngày. Về thời gian ngủ dạy, ăn sáng, ăn các bữa trong ngày. Phân bổ thời gian học các môn năng khiếu, các trải nghiệm cùng cha mẹ, tự trải nghiệm…
Chú ý thực hành nhiều hơn
Cha mẹ nên cho con thực hành nhiều hơn trong dịp này với những việc phù hợp với lứa tuổi. Vì thời gian của con ở nhà nhiều nên việc hướng dẫn cho con các kỹ năng thực hành về sinh tồn, nhất là những đồ vật có nguy cơ làm tổn thương con như: Dao, kéo, bật lửa, diêm, điện….Cha mẹ cần hướng dẫn cụ thể và hạn chế tối đa cho con dùng khi không có cha mẹ ở nhà đối với độ tuổi nhỏ.
Với lứa tuổi nhỏ cha mẹ nên mua đất nặn, bộ màu để vẽ, tranh để tô, xếp hình…Với độ tuổi lớn cha mẹ nên mua sách cho con đọc (Sách về phát triển bản thân, sách dạy làm việc nhà…)
Hướng dẫn con kỹ năng sống cơ bản
Trong các đầu việc góp mặt ở thoài gian biểu, nhất thiết có phần “làm việc nhà”. Tùy từng độ tuổi, bạn có thể giao cho con các công việc phù hợp khả năng.
Rửa bát, lau dọn vệ sinh nhà cửa, chăm sóc cây cối,…là những việc trẻ từ mẫu giáo lớn đã có thể đảm đương theo mức độ khác nhau. Trong thời gian cha mẹ vào bếp nên cho con cùng tham gia để học hỏi và phục vụ được bản thân. Lưu ý, hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu và ngắn gọn và khuyến khích con thực hiện.
Giám sát con chặt chẽ theo thời gian biểu
Điều quan trọng là cha mẹ cần biết lịch trình của con trong ngày, tránh để con tự ý đi lại ra đường khi con hẹn bạn tụ tập và nguy cơ tai nạn rất cao. Vì lý do không phải học nên các cháu có xu hướng chơi thoải mái.
Hiện nay các cháu đi lại bằng xe đạp điện nhiều nên nguy cơ tai nạn cũng cao hơn khi đi xe đạp vì vậy cha mẹ nên cho con đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Phổ biến kiến thức phòng tránh dịch bệnh
Các bậc phụ huynh cũng nên dành thời gian nhiều hơn để nói cho con về dịch bệnh, nguy cơ lây nhiễm để hạn chế tối đa con đi ra đường. Đồng thời cũng hướng dẫn con cách phòng ngừa đúng cách.
Khuyến khích các hoạt động thể thao
Nên cho con tham gia các hoạt động thể thao vừa nâng cao sức khỏe để phòng bệnh vừa hạn chế thời gian trẻ dùng điện thoại, ti vi quá nhiều.
Không quên ôn tập bài vở
Trong thời gian này để con không bị xa quá lâu sách vở, cần cho con học ôn tập lại các kiến thức và trao đổi với thầy cô giáo thêm để giúp con duy trì việc học.
Áp dụng những "chiêu" trên, cha mẹ có thể yên tâm về vấn đề quản lý các bé từ cấp tiểu học. Tuy nhiên, trong tình huống bất khả kháng này, nếu có con trong độ tuổi mầm non, cách tốt nhất vẫn là cha mẹ vẫn phải tìm kế sách: gửi con nhờ người thân hoặc thay phiên trông con. Bởi, đảm bảo an toàn cho con luôn là điều cần được quan tâm hàng đầu.