(GD&TĐ) - Là một xã với nhiều dân tộc sinh sống, dân cư thưa thớt và sống cách xa nhau cho nên trường tiểu học Năng Khả, xã Năng Khả, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang phải mở 1 số phân hiệu cắm bản để học sinh rút ngắn khoảng cách tới trường hơn.
Một phân hiệu phải đủ 5 lớp tuy nhiên ở đây, không ít phân hiệu chỉ vẻn vẹn 2 lớp ghép. Để việc học của các em học sinh không bị gián đoạn phải kể đến những hi sinh thầm lặng của những thầy cô ở trường tiểu học Năng Khả.
Lớp học ở Phân hiệu Lũng Giang 1- trường Tiểu học Năng Khả. |
Vượt núi, băng rừng, lội suối vào phân trường
Trước khi lên đường vào trường, thấy tôi có vẻ thư sinh, thầy giáo Triệu Ngọc Khiêm, giáo viên trường tiểu học Năng Khả đã "hù một câu xanh rờn": Đường khó đi lắm, chỉ sợ nhà báo không đủ sức!. Tôi đáp lại câu nói của anh bằng 1 nụ cười. câu nói của thầy giáo Khiêmcàng thôi thúc tôi, muốn đi để tận mắt chứng kiến những khó khăn, vất vả mà những người thầy, người cô đang gieo chữ ở trong các bản làng vùng dân tộc thiểu số.
Buổi sáng hôm đấy, tôi và thầy giáo Khiêm đã đi vào Phân hiệu Lũng Giang 1 của trường (chúng tôi tạm đánh số 1,2 để bạn đọc tiện theo dõi vì Bản Lũng Giang có đặt các điểm trường khác nhau - PV).
Xuất phát lúc 5 giờ sáng, khi đất trời vẫn chìm trong màn sương mù dày đặc. Mùa đông, tiết trời ở đây ngập trong sương trắng, cái lạnh khiến người tôi run rẩy. Chiếc xe min khờ của chúng tôi chỉ mới chạy đựợc khoảng 15 phút thì thầy giáo Khiêm dừng lại bảo rằng: Quãng đường dễ đi nhất đã kết thúc, bây giờ mới bước vào những chặng đường khó khăn thực sự. Nói rồi thầy giáo xuống xe, phía trước là con đừơng dốc đầy những mẩu đá nhọn, một bên là bờ sông.
Chúng tôi di chuyển chặng tiếp theo bằng thuyền của những người dân. Dòng sông Gấm mùa này nước lên khá cao do nhà máy Thủy điện Na Hang mới xả nước.
Ngồi trên thuyền thầy giáo Khiêm tâm sự : Nói thật hôm nay các nhà báo may mắn lắm mới được đi thuyền đấy. Bình thường nước sông ở đây cạn lắm, thuyền không đi được, các thầy cô giáo trong trường toàn phải lội bộ qua sông, nước men gần đến đầu gối. Mà khổ nhất là những hôm có mưa nhỏ. Vừa mặc áo mưa để khỏi ướt giáo án, vừa phải lội bì bõm dưới nước, khó di chuyển vô cùng.
Hết đoạn đường sông, chúng tôi tiếp tục xắn cao ống quần và gửi nhà dân những đồ nặng không cần thiết để chuẩn bị cho cuộc leo núi vào trường. Với những người ít leo núi như chúng tôi thì để đi hết chặng đường này quả là kì công. Trời không mưa nhưng sương rừng đã làm cho con đường trở nên ướt át và trơn trượt.
Bấm chân vào đất đi đã khó, ấy vậy mà thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp những người ở trên núi dùng trâu kéo gỗ xuống bán. Những lúc như thế chúng tôi đều phải cẩn thận chọn một mô đất cao để đứng lên tránh. Đường vừa trơn, vừa dốc, những khúc gỗ nghiến to gấp mấy lần bắp chân có thể tuột và lăn bất cứ lúc nào nếu bất cẩn. Thầy giáo Khiêm kể có lần không có chỗ nào để đứng lên anh còn phải trèo cả lên cây.
Phụ huynh và thầy cô giáo cùng nhau san đất chuẩn bị dựng lớp học |
Hôm chúng tôi hành quân vào đúng ngày phân hiệu mở thêm 1 lớp học nữa. Mà ở đây, việc mở thêm lớp là vô cùng khó khăn bởi vì việc xây dựng bằng cát và xi măng gần như là không thể. Vì thế lớp chỉ có thể làm đơn sơ bằng gỗ mộc, phiên liếp và mọi thứ đều phải nhờ cậy cả vào phụ huynh học sinh.
Cũng chính vì thế mà trên đường đi thỉnh thoảng lại có một người vác trên vai 1 cây gỗ để đưa lên dựng lớp. Chị Phùng Thị Thành, người dân tộc Dao có 2 con học ở phân hiệu Lũng Giang, vác lên mình cây gỗ to vừa đi vừa tâm sự: vất vả mấy cũng chịu được, chỉ sợ con sẽ không được học hành rồi lại bám lấy nương rẫy như vợ chồng chị thì khổ lắm.
Thầy giáo Khiêm tiếp chuyện, hôm nay làm thêm lớp học nên mới phải nhờ phụ huỵnh giúp đỡ. Bình thường ở lớp có cái gì hỏng hóc như hư mái, cột bị mối mọt thì anh lại phải vác gỗ, khiêng lá…lên thay, cứ như thế lưng “cõng chữ”, vai vác gỗ bám đất mà lên lớp với học sinh.
Phân hiệu ở xa, học sinh ở nhiều thôn bản, mà có em phải đi đến 7km đường núi hiểm trở để đi học cho nên hơn ai hết những thầy cô giáo trong trường như thầy giáo Khiêm hiểu được khát khao được học chữ của các em. Chính vì thế mà mấy năm dạy ở đây thầy vẫn chưa nghỉ một buổi nào.
Sự học nơi bản cao
Sau hơn 1 tiếng đồng hồ đi bộ chúng tôi đến với phân hiệu Lũng Giang. Ở đây chỉ có 2 lớp ghép là lớp 1 với lớp 3; lớp 2 với lớp 5. Một lớp như thế có hơn 10 học sinh. Hôm chúng tôi đến, bởi vì mấy hôm trước trời có mưa nên nhiều học sinh ở các bản trên cao không xuống đi học được. Phải đợi một lúc, khi cảm thấy những số học sinh có thể đi học đều đã đến đông đủ thì anh Khiêm và 1 cô giáo nữa mới bắt đầu dạy.
Ngoài 2 lớp học chính, phân hiệu còn có thêm 1 căn phòng nhỏ để thầy cô có thể nghỉ trưa. Căn phong tuềnh toàng, có kê 2 chiếc giường và bát đũa để nấu ăn. Ở đây chỉ có 2 thầy cô, lại phải dạy 2 buổi cho nên buổi trưa các thầy cô thì tự nấu ăn ngay tại phòng còn học sinh thì mang theo cơm nắm tới lớp.
Con đường nhỏ xen lẫn giữa núi rừng dẫn vào trường |
Thầy giáo Khiêm cho biết: Mùa hè trên này lại không có điện để chạy quạt nên căn phòng nóng như đổ lửa, không thể ngủ được. Vào buổi trưa, học sinh của anh thường hay nghịch ngợm, leo trèo hay tắm suối cho nên nhiều bữa dù rất mệt anh cũng không dám ngủ để trông học trò. Mùa đông, cái rét cứ ùa vào trong khiến nhiều học sinh ăn mặc chiếc áo mỏng tanh cứ co ro cuối lớp, trông rất đáng thương.
Phân hiệu mặc dù chỉ có 2 lớp và 1 phòng nữa nhưng ở quá cao cho nên rất khó để xây dựng cho khang trang. Lớp vẫn chỉ làm bằng gỗ rừng và được thưng tre, mây để làm tường, mái được lợp bằng tôn. Mặc dù lớp học đơn sơ như thế nhưng theo như trưởng bản Lũng Giang – ông Phùng Văn Pét thì thời thanh niên ông đã thấy trẻ con đi học ở đây rồi, mà ông bây giờ đã gần 60 tuổi. Chừng đấy năm mới thấy được công sức, mồ hôi của các thầy cô và những người dân nơi đây đã đổ xuống để đến bây giờ, phân hiệu này vẫn là nơi gieo chữ cho những trẻ em ở đây.
Cũng theo ông Pét cho biết, mặc dù bản Lũng Giang của ông chỉ có 54 hộ dân và có đến hơn 80% thuộc diện đói nghèo nhưng người dân ở đây rất có ý thức trong việc cho con cái đi học. Hơn nữa chính quyền địa phương và các thầy cô trong trường cũng hết sức vận động các hộ gia đình cho nên các hoạt động của trường như xây dựng, đóng góp…vẫn được diễn ra khá suôn sẻ.
Từ phân hiệu Lũng Giang, có 3 em đã vào hoặc tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Hầu hết các em đều tốt nghiệp tiểu học và học cấp 2 ở các trường trong huyện Na Hang. Có những em tham gia và đạt giải trong các kì thi cấp huyện, tỉnh.
Nổi bật là em Đặng Thị Thìn, hiện đang học năm thứ 2 Đại học Nông nghiệp. Mặc dù con số đó chưa phải là nhiều nhưng ở 1 nơi "khó nhiều, khổ lắm" thì đó cũng là một sự cố gắng lớn lao của những thầy cô hết lòng vì học sinh, bám đất bám bản để “cõng” lên đây con chữ.
Câu chuyện của chúng tôi dừng lại khi trời đã trở lạnh. Già làng và các thầy cô giáo bảo, dạy học ở đây còn bớt khó khăn hơn, chứ vào sâu trong bản Lũng Giang, việc học, việc dạy của các thầy cô còn khổ, còn cực hơn nhiều.
Chúng tôi lại ngược rừng, tiếp tục lên đường vào phân hiệu sâu trong Lũng Giang... (còn nữa)
Bài ảnh: Phong Vân - Đức Nhã