Sự gia tăng số lượng lợn và khỉ tác động xấu tới con người

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo Trường Đại học Queensland (Australia), sự bùng nổ quần thể lợn rừng và khỉ macaque ở Đông Nam Á đang đe dọa các khu rừng nguyên sinh.

Khỉ và lợn rừng đang xâm chiếm các khu rừng bị xáo trộn ở Đông Nam Á.
Khỉ và lợn rừng đang xâm chiếm các khu rừng bị xáo trộn ở Đông Nam Á.

Tình trạng này cũng gây bùng phát dịch bệnh ở gia súc và con người. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Biological Reviews.

Tiến sĩ Matthew Luskin, từ Khoa Môi trường, Đại học Queensland cùng đồng nghiệp đã đối chiếu và phân tích dữ liệu về quần thể các loài từ khắp khu vực. Một số dữ liệu được thu thập bằng mạng lưới camera.

Tiến sĩ Luskin cho biết: “Khỉ và lợn rừng đang xâm chiếm các khu rừng bị xáo trộn ở Đông Nam Á. Con người phần lớn đã thay đổi rừng thông qua việc khai thác gỗ cũng như thiết lập các trang trại dầu cọ. Điều đó cung cấp thức ăn và là điều kiện sinh sản lý tưởng cho những loài động vật này”.

Theo ông Luskin, số lượng lợn rừng và khỉ ở các khu rừng gần đồn điền cao hơn 400% so với những môi trường hoang sơ. Những con vật này tận dụng tối đa đất nông nghiệp, tấn công mùa màng và phát triển mạnh nhờ thức ăn giàu calo.

Việc thiết lập và giám sát các bẫy camera đã mang lại cho Tiến sĩ Luskin trải nghiệm cận cảnh về những con số đang bùng nổ. Tiến sĩ Luskin cho biết: “Tôi đã gặp những đàn khỉ khổng lồ ở Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Chúng ở khắp mọi nơi trong bìa rừng, theo dõi và can thiệp vào thiết bị của chúng tôi”.

Tiến sĩ Luskin cho biết, có những rủi ro đáng kể về sức khỏe con người khi quần thể lợn và khỉ gia tăng. “Nguồn gốc từ động vật hoang dã của đại dịch Covid-19 cho thấy, các loài động vật có vú trong hệ sinh thái do con người thay đổi thường chứa lượng mầm bệnh cao. Đồng thời, gây ra rủi ro nghiêm trọng về bệnh lây truyền từ động vật sang người”.

Cũng theo chuyên gia này, cả lợn và khỉ đều được coi là vật mang mầm bệnh có thể truyền sang người. Chúng là loài phổ biến nhất ở khu vực được coi là “điểm nóng” dịch bệnh từ động vật sang người toàn cầu.

Đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư Carlos Peres từ Trường Đại học East Anglia (Anh) cho biết, quần thể các loài động vật hoang dã cao bất thường là ổ chứa dịch bệnh thường xảy ra ở những khu rừng nhiệt đới.

“Nghiên cứu này một lần nữa cho thấy, các khu vực nông thôn có mật độ dân cư đông đúc ở Đông Nam Á có thể là nguồn gốc của dịch bệnh ở người trong tương lai”.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, cả lợn và khỉ đều gây ra các tác động tiêu cực theo tầng trong hệ sinh thái nguyên sơ. Chúng ăn hạt và gây hại cho cây. Những loài vật này cũng ăn cả trứng chim và bò sát.

Chỉ riêng lợn Malaysia đã được phát hiện là làm giảm 62% khả năng tái sinh của cây rừng nhiệt đới. Trong bối cảnh này, các nhà nghiên cứu cho biết, việc đưa ra giải pháp là cần thiết để giảm thiểu sự gia tăng dân số của lợn rừng và khỉ.

Theo Phys

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ