Chương trình do Báo Tiền Phong phối hợp với Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường THPT Trưng Vương tổ chức.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết từ trước đến nay TP không cấm học sinh sử dụng điện thoại di động nói riêng và các thiết bị công nghệ nói chung trong giờ học mà giao quyền và trách nhiệm cho mỗi giáo viên, nhà trường trong việc quản lý sử dụng.
Trước khi Thông tư 32 ra đời, nhiều trường trên địa bàn TP.HCM đã cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học qua sự cho phép và định hướng của giáo viên.
Cụ thể, trong một tiết giảng, giáo viên bộ môn có nhu cầu, tổ chức dạy học có sử dụng trang thiết bị, trong đó có điện thoại thông minh để khai thác tiện ích của nó để phục vụ cho dạy và học, phải có kế hoạch bài giảng trước.
Trong kế hoạch đó phải cho thấy được việc khai thác các thiết bị thông minh đó ra sao, nhiệm vụ học sinh làm gì và thao tác của các em như thế nào thì phải rõ ràng.
Việc khai thác được tiện ích của các thiết bị phục vụ cho dạy học, nâng cao chất lượng chuyên môn rõ ràng là rất hợp lý. Thực tế, không chỉ TP.HCM mà nhiều trường trong cả nước đã thực hiện điều này.
Chính vì vậy, Thông tư 32 ra đời không mới so với thực tế triển khai ở các trường nhưng là một hướng mở, tạo cơ sở pháp lý chính thống cho các trường triển khai và quản lý hiệu quả.
Ông Trọng cũng nhấn mạnh, cần hiểu rõ với tinh thần của thông tư 32, các em được sử dụng trong giờ học, chứ không được sử dụng tùy tiện, thích làm gì thì làm, lấy điện thoại ra dùng thoải mái mà phải có sự cho phép của giáo viên bộ môn và sự cho phép này phải phục vụ cho dạy học. Và việc triển khai này phải có kế hoạch cụ thể của giáo viên.
Cô Lê Thị Phượng, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn An Ninh (Quận 10) bày tỏ, hiện tại, nhà trường cấm học sinh sử dụng điện thoại nhưng cũng có ngoại lệ như tiết học tiếng Anh thì cho học sinh dùng.
Trao đổi về quản lý việc có hay không để cho học sinh dử dụng điện thoại, cô Phượng cho rằng để sử dụng điện thoại hiệu quả thì quan trọng tính tự giác của học sinh, sau đó mới tới quản lý của giáo viên. Ngoài ra, giáo viên cũng cần phải nâng cao trình độ, tự trau dồi để thích nghi.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương, Trưởng bộ môn Luật, Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho biết, không nên hiểu quy định theo Thông tư 32 về Điều lệ trường THCS, THPT do Bộ GD-ĐT ban hành là cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động một cách thoải mái trong giờ học.
Thay vào đó, quy định mới trao quyền chủ động cho giáo viên trong việc quản lý và định hướng học sinh sử dụng điện thoại hiệu quả, đúng mục đích.
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương đề xuất các trường có thể triển khai thí điểm trong phạm vi một lớp học, một bộ môn, từ đó nhân rộng ra toàn trường chứ không nên thực hiện đồng loạt.
Thầy Lê Quang Huy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương chia sẻ, "trong thời đại số 4.0, thiết bị số đã giúp chúng ta tiếp cận với tri thức thế giới nhanh hơn, gần hơn. Tuy nhiên, làm sao để chúng ta kiểm soát được là vấn đề quan trọng.
Do đó, con người muốn sử dụng thiết bị thông minh thì mình phải thông minh hơn nó, làm chủ được nó chứ không để điện thoại làm chủ mình. Với tâm lý của học sinh, các em dễ bị lôi cuốn lắm. Nhiều người trưởng thành vẫn bị lôi cuối vào game, Facebook… “- ông Huy nói.
Thầy Huy cũng nhấn mạnh, thiết bị thông minh không phải là để tra cứu kiến thức cơ bản mà nên làm việc nhóm, làm dự án, tra cứu kiến thức thế giới… Về phía nhà trường, chúng tôi ủng hộ việc sử dụng thiết bị thông minh trong việc dạy và học.
Liên quan đến chủ đề buổi tọa đàm, PGS. TS Trần Mạnh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho rằng, ứng dụng Công nghệ thông tin vào các lĩnh vực trong đời sống, giáo dục là không thể ngăn cản. Việc sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học nên được xem là thiết bị hỗ trợ học tập cho học sinh.