Sử dụng chứng chỉ cho miễn thi ngoại ngữ: Hiểu rõ để quyết định đúng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm 2024, thí sinh tiếp tục được sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để miễn thi tốt nghiệp THPT môn học này theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Học sinh Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) trong giờ học ngoại ngữ. Ảnh: Cô Trần Minh Trang cung cấp
Học sinh Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) trong giờ học ngoại ngữ. Ảnh: Cô Trần Minh Trang cung cấp

Học sinh cần hiểu rõ mục đích sử dụng của điểm quy đổi, mục tiêu của bản thân để có quyết định phù hợp.

Ít trường hợp thi chứng chỉ để xét tốt nghiệp

Cô Nguyễn Thị Thu - giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa) cho rằng: Quy định chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi tốt nghiệp THPT môn này và quy thành điểm 10 với thí sinh đạt TOFEL ITP 450, TOEFL iBT 45, IELTS 4.0… góp phần thúc đẩy tinh thần học tập, cải thiện kỹ năng ngoại ngữ của học sinh.

Đặc biệt, nhóm học sinh có nguyện vọng thi đại học, du học nên phấn đấu đạt điểm cao chứng chỉ ngoại ngữ; không chỉ sử dụng để miễn thi mà quan trọng là phát triển kỹ năng toàn diện, thêm nhiều lợi thế trong xét tuyển và học đại học, tăng cơ hội việc làm tốt sau này.

“Quy đổi chứng chỉ IELTS 4.0 thành điểm 10 môn Ngoại ngữ dùng để xét tốt nghiệp THPT là phù hợp. Tuy nhiên, học sinh khu vực miền núi, việc đạt IELTS 4.0 không dễ dàng bởi điều kiện học tập khó khăn, kinh phí bỏ ra không nhỏ.

Tại Trường THPT Quan Sơn, phần đông học sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp, sau đó đi làm ổn định cuộc sống; do vậy, sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để miễn thi rất ít. Hy vọng thời gian tới, các nhà trường, phụ huynh và học sinh sẽ nhận thức được tầm quan trọng của học ngoại ngữ, từ đó quan tâm nhiều hơn đến môn này. Phấn đấu học tập để có được chứng chỉ ngoại ngữ không chỉ phục vụ thi cử, mà chính là công cụ đắc lực cho công việc, nghề nghiệp tương lai của các em”, cô Nguyễn Thị Thu bày tỏ.

Theo cô Hà Lan Hương - Tổ trưởng tổ Tiếng Anh, Trường THPT Bình Minh (Hoài Đức, Hà Nội), quy định về quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ là cần thiết. Học chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế giúp học sinh phát triển 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết; là bước đệm quan trọng giúp tìm kiếm cơ hội học tập và làm việc khác nhau.

“Trường tôi không có nhiều học sinh thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, số đạt điểm cao càng ít. Các em thi chứng chỉ đều với mục đích chính là xét tuyển đại học”, cô Hà Lan Hương cho hay.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Tập trung mục tiêu thiết thực

Học và thi để đạt chứng chỉ ngoại ngữ tốt đòi hỏi học sinh phải đầu tư cả thời gian và tiền bạc, có kế hoạch học tập cụ thể, rõ ràng. Với kinh nghiệm của mình, cô Hà Lan Hương khuyên học sinh cần cân nhắc, có điểm chứng chỉ vẫn nên thi tốt nghiệp THPT nếu muốn có nhiều cơ hội hơn trong xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Là giáo viên, đồng thời có 2 con đang học đại học và lớp 12, cô Lê Phương Lan - Trường THPT Sơn Tây (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cho biết vẫn cho con đăng ký thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ dù đã đạt IELTS 6.5. Lý do, điểm thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ sẽ giúp con có nhiều cơ hội hơn trong xét tuyển đại học. Hiện, nhiều trường ưu tiên xét tuyển thí sinh điểm cao IELTS và một số chứng chỉ ngoại ngữ khác; tuy nhiên, vẫn có trường chỉ lấy điểm ngoại ngữ từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

“Không lo mất công bằng khi quy đổi điểm 10 môn Ngoại ngữ với chứng chỉ TOFEL ITP 450, TOEFL iBT 45, IELTS 4.0. Lý do, trên thực tế, điểm 10 này chỉ có ý nghĩa duy nhất xét công nhận tốt nghiệp THPT; không ghi vào học bạ và càng không sử dụng được trong xét tuyển đại học, cao đẳng”, cô Lê Phương Lan cho biết thêm.

Đánh giá học sinh đạt IELTS 4.0 được miễn bài thi ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT là phù hợp, nhưng ThS Trần Thị Thu Giang - nguyên Trưởng khoa Ngoại ngữ Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng khẳng định sẽ không bỏ kinh phí cho con luyện thi IELTS chỉ để lấy 4.0, tương đương điểm 10 dùng xét tốt nghiệp THPT. Lý do, điểm 10 này không dùng để xét tuyển đại học, mà IELTS 4.0 cũng khó có thể dùng được vào mục đích khác. Vì vậy, phụ huynh, thí sinh cần tập trung vào mục tiêu thiết thực.

Đưa lời khuyên, cô Nguyễn Thị Thu Hiền - giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Tân Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ) lưu ý học sinh lựa chọn chứng chỉ phù hợp yêu cầu của trường đại học mong muốn xét tuyển và đặt ra mục tiêu điểm số. Hãy đặt lịch thi ngay khi đã chuẩn bị đủ, tránh tình trạng hết chỗ hoặc lịch hẹn không phù hợp.

Việc chuẩn bị kỹ lưỡng với tài liệu ôn thi chính thức và thực hành nhiều bài kiểm tra mô phỏng là cần thiết nhằm làm quen với định dạng bài thi và cải thiện khả năng làm bài. Nếu có thể, các em nên tham gia các khóa học ôn tập hoặc lớp học chuyên sâu để nâng cao kỹ năng ngôn ngữ. Nên tập trung thêm để cải thiện kỹ năng còn yếu, điểm số tổng thể và dành thời gian mỗi ngày thực hành (có thể qua đọc sách, xem phim, nghe nhạc và tham gia các hoạt động giao tiếp làm quen ngôn ngữ).

“Các em cũng nên quan tâm đọc các bài thi mẫu và phản hồi để hiểu rõ hơn về cách chấm điểm, yêu cầu của kỳ thi. Luyện tập làm bài trong thời gian giới hạn để có thể quản lý thời gian hiệu quả trong kỳ thi thực tế. Đừng quá lo lắng, hãy giữ tinh thần tích cực và tin tưởng vào khả năng bản thân; cố gắng duy trì sự kiên nhẫn, kiên trì trong quá trình ôn tập”, cô Nguyễn Thị Thu Hiền lưu ý.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT đưa chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ bậc 6 dùng cho Việt Nam vào danh mục chứng chỉ áp dụng miễn thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Việc mở rộng đối tượng được miễn bài thi ngoại ngữ, đặc biệt bổ sung “chứng chỉ nội” là phù hợp, đem lại nhiều lợi ích cho thí sinh. Chi phí thi “chứng chỉ nội” thấp hơn so với chứng chỉ quốc tế; số lượng đơn vị tổ chức thi cấp chứng chỉ nhiều hơn, giúp học sinh tiếp cận dễ dàng hơn. Nhiều trường đại học Việt Nam đã sử dụng “chứng chỉ nội” trong phương án xét tuyển. - Cô Trần Minh Trang (Trường THPT Ban Mai, Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ