(GD&TĐ) - Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của các đại học trên thế giới, phân tầng đại học đã trở thành một quy luật khách quan. Do mục tiêu, hiệu quả xây dựng và phát triển của các trường khác nhau, tạo nên hệ thống các trường đại học với “phổ” rất rộng về chất lượng, về năng lực quản trị, về sự lựa chọn của người học... Bên cạnh đó, các trường đại học có sứ mạng khác nhau nên trong quá trình phát triển các trường đại học sẽ được định vị ở những ‘tầng” khác nhau về chức năng, nhiệm vụ và vị thế/địa vị pháp lý. Hơn thế nữa, với chính sách phát triển dựa vào đại học, hiện nay phân tầng các đại học còn được hoạch định bằng chính sách của quốc gia. Việc hoạch định nhằm mục đích tạo ra một tầng lớp các đại học xuất sắc, các đại học hàng đầu, có sứ mạng dẫn dắt và làm trụ cột cho giáo dục đại học (GDĐH) và biểu tượng của quốc gia giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho đất nước.
Các đại học trên thế giới có thể xác định sứ mạng chủ đạo theo một trong ba chức năng chính của GDĐH: giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Chính vì vậy, ở mỗi quốc gia có thể hình thành hệ thống các trường đại học định hướng nghiên cứu, hoặc đại học nghiên cứu, hệ thống các trường định hướng giảng dạy, đào tạo nghề và các trường đại học định hướng phổ biến kiến thức, phục vụ cộng đồng. Nhiều quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Liên bang Nga, Australia, Philippines... có chiến lược đón bắt xu thế phân tầng tự nhiên của các cơ sở GDĐH, xác định các đại học tiềm năng đề đầu tư đặc biệt nhằm phát triển chúng thành các đại học hoa tiêu dẫn dắt nền khoa học, đào tạo của quốc gia, xây dựng các đại học này thành biểu tượng của trí tuệ đất nước.
Bên cạnh đó, chính sách phát triển dựa vào đại học của các quốc gia trên thế giới đang tạo ra nhu cầu, cơ hội và điều kiện để phát triển GDĐH cả về quy mô và chất lượng. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi các quốc gia đang phát triển phải sớm hiện đại hóa và quốc tế hóa GDĐH theo hướng xây dựng các đại học có khả năng làm nòng cốt, có đặc trưng cốt lõi, có thứ hạng cao trên thế giới và có sức cạnh tranh, từ đó có khả năng sáng tạo ra các yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế tri thức của quốc gia.
Ở Việt Nam, sự phân tầng đại học cũng đã diễn ra một cách tự nhiên cũng như theo hoạch định. Các trường đại học tổng hợp trước đây với định hướng nghiên cứu và các trường đại học đơn ngành với định hướng đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp và nay là các Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học vùng (Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng). Tuy nhiên, cho đến nay, về mặt pháp lý, tổ chức và hoạt động của Đại học quốc gia cũng như Đại học vùng chưa được luật hóa mà chỉ được điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật. Chính vì thế, hiện đang có nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ phân tầng cơ sở GDĐH để có chính sách đầu tư hợp lý. Như ý kiến của ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị khi phân tầng cần nêu rõ tên gọi của từng tầng. GS. Phạm Phụ đề nghị dự thảo luật cần làm rõ hơn các tầng trong giáo dục đại học, đó là các đại học nghiên cứu, các đại học và cao đẳng huấn luyện nghề nghiệp. GS.TS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UBVHGDTNTNNĐ cho rằng cần làm rõ hơn khái niệm về đại học nghiên cứu và đại học theo hướng đào tạo, xác lập các tiêu chuẩn tối thiểu và chuẩn quốc gia về chất lượng đại học. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc phân tầng sẽ giúp cho công tác quy hoạch phát triển những đại học hàng đầu, có sứ mạng dẫn dắt, là động lực, trụ cột cho cả nền đại học, để Nhà nước có chính sách đầu tư trọng điểm, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước. Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng ủng hộ phân tầng đại học khi nhận định “chưa có trong luật thì trong thực tiễn cuộc sống, phụ huynh và học sinh đều dựa vào sự phân tầng này để lựa chọn trường, các cơ sở tuyển dụng cũng nhìn vào vị thế của các trường để đánh giá sinh viên”.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội và của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý trong dự thảo 3 của Luật Giáo dục Đại học đã bổ sung các điều khoản và làm rõ phân tầng cơ sở giáo dục đại học. Điều 9 của dự thảo Luật nêu các cơ sở GDĐH được phân tầng thành các đại học nghiên cứu, các đại học ứng dụng và các trường cao đẳng huẩn luyện nghề nghiệp. Điều 12 của dự thảo Luật nêu rõ phân tầng cơ sở GDĐH theo chất lượng đào tạo và kết quả nghiên cứu khoa học để có chính sách đầu tư, giao nhiệm vụ và thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm phù hợp với vị trí, vai trò, năng lực bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH. Theo đó Nhà nước đầu tư ngân sách có trọng điểm để hình thành một số cơ sở GDĐH chất lượng cao theo định hướng nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học xã hội, các ngành khoa học và công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.
Dự thảo Luật qui định rõ các cơ sở giáo dục đại học có nhiệm vụ thực hiện nghiên cứu khoa học, gắn đào tạo với nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở GDĐH với cơ sở nghiên cứu khoa học và với doanh nghiệp đểtạo ra tri thức, công nghệ, giải pháp mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; Chính phủ ưu tiên đầu tư cho các cơ sở GDĐH có tiềm lực mạnh về nhân lực nghiên cứu và triển khai ứng dụng.
Có thể nói, như vậy việc phân tầng đại học đã được quy định trong dự thảo Luật theo hướng củng cố chất lượng đào tạo của các trường đại học theo định hướng ứng dụng và các trường cao đẳng đào tạo kỹ thuật viên đồng thời tập trung đầu tư phát triển các trường đại học theo định hướng nghiên cứu. Các đại học nghiên cứu này có vai trò đặc biệt quan trọng để chuẩn bị nhân lực cho nền kinh tế tri thức khi nước ta hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thiết nghĩ như vậy là phần nào định hình được đặc thù của các đại học, nên sớm được Luật hóa để các trường dựa vào đó mà hoạt động và phát triển.
PGS.TS Trần Văn Nam
(Giám đốc Đại học Đà Nẵng)