Cùng với sự phát triển của công nghệ nói chung, ngành công nghệ chăm sóc sức khỏe phụ nữ (Femtech) cũng đang ngày càng phát triển và đáp ứng nhu cầu chăm sóc của phụ nữ ở mọi độ tuổi trong thời công nghiệp 4.0.
Theo Liên Hợp Quốc, tình trạng thiếu thốn sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe ước tính ảnh hưởng đến 1/10 trẻ em gái và phụ nữ trên toàn thế giới. Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay là ngày thứ 67 trong năm 2022. Con số 67 này nhiều hơn 7 ngày so với số ngày trung bình mỗi năm mà một nữ sinh ở Lào không thể đi học do không tiếp cận được các sản phẩm chăm sóc sức khỏe phụ nữ.
Theo Liên Hợp Quốc, tình trạng như ở Lào cũng phổ biến ở nhiều nơi khác. Các chuyên gia bình đẳng giới đánh giá, việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ còn ít được quan tâm hơn ngay cả trong lĩnh vực y tế.
Nhiều cuộc thử nghiệm thuốc thậm chí còn không thử nghiệm trên đối tượng nữ, do đó nhiều phụ nữ hoàn toàn có khả năng bị quá liều. Tạp chí Dược lâm sàng Anh năm 2018 cho biết chỉ có khoảng 22% đối tượng trong thử nghiệm thuốc giai đoạn 1 là nữ.
Trong bối cảnh thiếu thốn sự hiện diện của các sản phẩm chăm sóc phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nói chung, các doanh nghiệp châu Á đang chuyển sang sử dụng một nguồn lực mới để giải quyết nhu cầu chăm sóc sức khỏe chính đáng cho phụ nữ, đó là Femtech (công nghệ chăm sóc sức khỏe phụ nữ).
Xuất hiện tại Mỹ từ năm 2016, Femtech là thuật ngữ dùng để chỉ bất kỳ phần mềm, sản phẩm hoặc dịch vụ nào sử dụng công nghệ để cải thiện sức khỏe phụ nữ. Ban đầu, Femtech chỉ xuất hiện dưới dạng các sản phẩm vệ sinh bền vững nhằm giải quyết tình trạng thiếu thốn sản phẩm vệ sinh.
Nhưng khi công nghệ nói chung phát triển, Femtech cũng theo đó bùng nổ. Năm 2018, một công ty Femtech được biết đến rộng rãi là RealRelief của Đan Mạch đã giành được giải thưởng lớn cho sản phẩm Safepad, một loại khăn vệ sinh có thể tái sử dụng.
Loại khăn này được làm bằng vải kháng khuẩn giúp tiêu diệt mọi vi khuẩn trong vòng 30 giây, kể cả khi được giặt trong nước sông bẩn. Công nghệ kháng khuẩn này rất cần thiết do nhiều trẻ em gái tại các khu vực nghèo của châu Á không có điều kiện sử dụng nước sạch.
Những năm gần đây, những startup Femtech như RealRelief cũng chứng kiến sự bùng nổ đầu tư ở khu vực châu Á. Theo thống kê của cơ quan thông tin phân tích FemTech Analytics, trên thế giới có tổng cộng 1.323 công ty startup đang tập trung vào Femtech, trong đó ở Đông Nam Á có 41 công ty và 1.292 nhà đầu tư.
Chính bối cảnh Covid-19 đã tạo động lực cho việc số hóa trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe phụ nữ, tạo đà cho ngành công nghiệp Femtech phát triển, dẫn đến ngày càng có nhiều công nghệ cải thiện sức khỏe cho phụ nữ xuất hiện.
FemTech Analytics dự đoán tới năm 2026, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng ứng dụng chăm sóc sức khỏe phụ nữ nhanh nhất thế giới.
Đặc biệt, theo thống kê trong thời gian đại dịch hoành hành, nhu cầu sản phẩm dịch vụ liên quan đến sức khỏe sinh sản tăng vọt và chiếm tới 38% thị phần thị trường Femtech.
Nhưng do số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh, các bệnh viện buộc phải chuyển hướng nguồn lực và khu vực chăm sóc phụ nữ cùng sức khỏe sinh sản sẽ là những dịch vụ đầu tiên bị cắt giảm.
Đây chính là điều kiện cho các ứng dụng Femtech phát triển bùng nổ khi các nhà đầu tư ngày càng quan tâm tới lĩnh vực hấp dẫn này hơn. Bối cảnh này giúp ngành Femtech có một tương lai tươi sáng không chỉ ở châu Á và mà trên quy mô toàn cầu giai đoạn hậu đại dịch Covid-19.