Sự biến mất bí ẩn của loài chó châu Mỹ

GD&TĐ - Trong hàng nghìn năm, chó đã cùng sống với những cư dân Mỹ đầu tiên. Mối quan hệ gắn bó giữa người và loài động vật này đã được chứng minh qua những mẫu xương còn sót lại. Dấu tích của những chú chó đầu tiên phát hiện được ở Bắc Mỹ đã được chôn cách đây gần 10.000 năm ở vùng đất bang Illinois ngày nay. 

Một nghiên cứu mới có quy mô lớn về DNA chó cổ đại và chó ngày nay khẳng định rằng những chú chó ở Mỹ không có nguồn gốc từ chó sói Bắc Mỹ
Một nghiên cứu mới có quy mô lớn về DNA chó cổ đại và chó ngày nay khẳng định rằng những chú chó ở Mỹ không có nguồn gốc từ chó sói Bắc Mỹ

Bệnh tật là thủ phạm chính?

Khoảng 7.000 năm trước đây, chó sinh sống ở khắp nơi, chúng ta biết được điều đó qua những mẫu xương được tìm thấy, Angela Perri, một nhà khảo cổ chuyên về động vật ở Đại học Durham, Vương quốc Anh cho biết.

Nhưng sau thế kỷ 15, theo nghiên cứu lớn nhất từ trước đến nay về DNA của chó cổ đại và hiện đại ở Bắc Mỹ và Siberia, những chú chó đầu tiên này cũng như mẫu gene của chúng đã biến mất hoàn toàn khỏi Trái đất kể từ khi thực dân châu Âu xuất hiện cùng với giống chó mà họ mang theo.

“Kết quả nghiên cứu cho thấy, rõ ràng là những chú chó cổ đại Mỹ dường như đã biến mất hoàn toàn một cách không thể giải thích nổi” Elinor Karlsson, giáo sư trường Đại học Massachusetts, người đã nghiên cứu về sự di truyền ở chó thốt lên một cách ngạc nhiên: “Điều đó giống như một phần lớn lịch sử đã bị đánh cắp!”.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích các mẫu gene của 71 chú chó cổ đại có độ tuổi khoảng 9.000 năm với DNA của 145 giống chó ngày nay và phát hiện ra rằng chỉ 5 trong số các mẫu DNA này có một chút (nhiều nhất là 4%) quan hệ với chó cổ đại.

Perri, phụ trách nhóm nghiên cứu, cho biết, nghiên cứu đã phủ nhận hoàn toàn quan điểm cho rằng, chó cổ đại Mỹ có nguồn gốc từ chó sói Bắc Mỹ. Ngược lại, các phân tích đã khẳng định những chú chó đầu tiên ở Mỹ có quan hệ họ hàng gần gũi với giống chó cổ đại miền đông Siberia. Chúng theo những người di cư từ châu Á đến Mỹ cách có lẽ hàng vài nghìn năm, thậm chí trước cả khi con người lần đầu tiên xuất hiện cách đây 15.000 năm.

Những chú chó thuần chủng này tồn tại trong một thời gian khá dài cho đến tận khi người Thule mang giống chó Bắc Cực đến cách đây 1.000 năm và làm xuất hiện thêm các giống chó mới chẳng hạn như chó Alaskan malamute. Vài thế kỷ sau, người châu Âu đến cùng với giống chó đã được thuần hóa. Tiếp theo, vào thế kỷ thứ 19, lại xuất hiện thêm giống chó Huskies gốc Siberia được mua về để làm chó kéo xe phục vụ công cuộc khai thác vàng ở Alaska

Nhưng chính làn sóng người nhập cư châu Âu mới là nguyên nhân cho sự biến mất của chó cổ đại Mỹ. Nhiều giả thuyết dựa trên các sự kiện lịch sử đã được đưa ra về nguyên nhân của sự biến mất này. Thực dân có thể đã giết chó bản địa vì họ xem chúng là những con vật gây hại, hoặc để ngăn chúng làm lai tạp giống chó thuần chủng của họ, giống chó họ dùng để chăn thả, săn bắn và bảo vệ mình. Chúng cũng có thể đã được dùng làm thức ăn cho những người định cư đang chết đói. Tuy nhiên, Perri cho hay, bệnh tật có lẽ mới là thủ phạm chính và Karlsson đồng tình.

“Nếu có hàng triệu hàng triệu con chó trên khắp lục địa này, và một số lượng nhỏ chó châu Âu đến, sẽ có nhiều thời gian cho chúng làm những gì chó thường làm, tức là giao phối với nhau và để lại DNA” - Karlsson nói - “Thời điểm đó, thực ra có một thứ gây chết chóc cho tất cả mọi người – đó là bệnh truyền nhiễm. Và theo tôi, đó mới là lời giải thích hợp lý”.

Không còn dấu tích DNA

Sự vắng mặt của DNA giống chó cổ đại trong các chú chó ngày nay cho thấy, các giống chó thường được chào hàng là loài lâu đời nhất ở Mỹ, chẳng hạn như Chihuahua, thực ra là có gốc Á - Âu, Perri nói. Những ai tha thiết muốn sở hữu một giống chó Mỹ cổ vì vậy nên tìm giống malamute hoặc huskies, chứa gene có độ tuổi hàng nghìn năm hoặc tương đương.

“Trong mỗi chúng ta, vẫn còn một chút gốc gác của người Neanderthal cổ đại” - Perri nói - “Nhưng trong những chú chó ngày này, dấu tích DNA của chó cổ đại Mỹ đã hoàn toàn biến mất”.

Mặc dù đã bị hủy diệt hoàn toàn, nhưng đúng như những gì Perri và đồng nghiệp của mình nói đùa, kết quả nghiên cứu đã cho thấy điều giống như là “sự trả thù của giống chó Mỹ thuần chủng này”. Trong khi đang tiến hành phân tích, các nhà nghiên cứu tình cờ phát hiện gene của một trong những con chó cổ đại đã bị mắc ung thư từ con chó khác qua giao phối. Các tế bào ung thư, vẫn còn lây lan từ chó sang chó đến tận ngày nay, là những tế bào đột biến có nguồn gốc từ một con chó cổ đại, hay còn gọi là vật chủ, sống cách đây 8.225 năm.

Karlsson cho biết, trong tương lai dấu tích gene của chó cổ đại, hay các phát hiện bất ngờ khác, có thể sẽ được tìm thấy trong chó hiện tại. “Dữ liệu thu được rất tuyệt, nhưng DNA cổ là một lĩnh vực đang phát triển. Họ đang tiếp tục đào bới và giải mã mẫu xương thu được trên khắp châu Mỹ” - Karlsson nói - “Và cơ hội để chúng ta phát hiện ra các bí mật khác là hoàn toàn có thể xảy ra”.

Perri cũng không phủ nhận khả năng đó. Theo bà, việc đào bới diễn ra ở khu vực nơi con người lần đầu vượt qua để đến Mỹ có thể sẽ phát hiện được bằng chứng về sự tồn tại của giống chó trước đó 10.000 năm. Một vài mẫu vật khai quật được cách đây nhiều thập kỷ và được cho là của sói thường hoặc sói Bắc Mỹ có thể là của chó thường hoặc chó lai và việc phân tích DNA sẽ cho câu trả lời chính xác.

“Chúng tôi chỉ không ngừng hy vọng rằng, một ngày nào đó chúng tôi sẽ nhận được một cuộc gọi thông báo là họ phát hiện ra dấu vết của giống chó nào đó” - Perri nói về việc khai quật đang tiếp diễn. Nếu điều đó xảy ra, bà nói thêm, các nhà nghiên cứu sẽ giúp giải mã thêm các bí mật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.