Những phân tích dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu những nguyên nhân, tác động đã khiến Sharp liên tục thua lỗ và đứng trước nguy cơ phải kêu gọi tiền bảo trợ của chính phủ Nhật Bản để tìm lấy con đường sống.
Câu chuyện TV
Giống như nhiều câu chuyện về sự sụp đổ của các doanh nghiệp khác, Sharp nói riêng và các công ty công nghệ Nhật Bản nói chung đã thất bại trong việc nắm bắt thời cuộc, đáp ứng nhu cầu của các xu hướng mới, để rồi bị qua mặt bởi các đối thủ nước ngoài.
Câu chuyện về TV là một ví dụ. Sony, Sharp, và hàng loạt công ty Nhật Bản khác có thể là những kẻ thống trị ở mảng kinh doanh TV khi những chiếc TV màn hình CRT dày và cục mịch thống trị thị trường cách đây 3, 4 thập kỷ.
Tuy nhiên, khi người dùng chuyển sang sử dụng loại TV màn hình phẳng, sự chậm chạp của các công ty Nhật được thể hiện. LG và Samsung bắt đầu lấy mất thị trường của Sharp hay những công ty Nhật Bản khác như JVC, Hitachi, Fujitsu...
Những cái tên như Hitachi, Pioneer thậm chí đã phải tự nhận phần thua và rút khỏi thị trường.
Các công ty Nhật Bản đặc biệt để mất rất nhiều thị trường vào tay Samsung, công ty tỏ ra nhanh nhạy khi tập trung vào sản xuất các mẫu TV màn hình phẳng chất lượng cao, trang bị cho sản phẩm hàng loạt tính năng, rồi đem bán ở mức giá rất cạnh tranh (giá TV LCD 40 inch từ mức gần 3000 USD hồi 2004 giảm xuống còn 250 USD năm 2012) .
Theo thời gian, TV Samsung đã bỏ xa các đối thủ Nhật Bản cả về mặt tính năng và thiết kế. Thị phần TV của Samsung vì thế cứ thế từ từ tăng trưởng. Năm 2004, TV Samsung chỉ chiếm 10% thị trường, nhưng đến 2012, thị phần của họ đã tăng lên 29%.
Những con số thống kê mới nhất cho thấy dù lượng TV bán được bị tụt giảm do sự đi xuống của nhu cầu chung, nhưng Samsung hiện đang chệm trễ ở vị trí nhà sản xuất TV lớn nhất thế giới.
Câu chuyện TV còn phải kể tới những đối thủ đến từ Trung Quốc. Thời điểm những năm 2002, các công ty Trung Quốc dù vẫn có khả năng sản xuất màn hình CRT, nhưng họ không phải đối thủ của người Nhật.
Tuy nhiên, khi chuyển sang TV LCD và plasma - những công nghệ TV của tương lai, câu chuyện đã hoàn toàn khác. TCL với những mẫu TV LCD có giá thành hợp lý đã chiếm lĩnh thị phần của Sharp cũng như các gã khổng lồ Nhật Bản tại Trung Quốc, thị trường chiếm tới hơn 20% số TV xuất xưởng trên toàn cầu (thống kê của DisplaySearch).
Chậm chân trong mobile
Sự sa sút của những gã khổng lồ điện tử tiêu dùng Nhật Bản, trong đó có Sharp, có phần nguyên nhân rất lớn từ việc không nắm bắt được xu hướng mobile, thị trường mà cho đến thời điểm hiện tại vẫn đang phát triển rất bùng nổ.
Khi Apple ra mắt iPhone năm 2007, rồi không lâu sau đó Google ra mắt Android, Sharp và các công ty Nhật Bản khác bị hụt hơi và không thể cạnh tranh được với Apple cũng như các nhà sản xuất Android nhanh nhạy như Samsung hay HTC.
Sharp cũng có ra mắt một số mẫu smartphone ở thời điểm này, nhưng hầu như không ai biết đến chúng do sản phẩm không được đầu tư về martketing, quảng cáo.
Sharp sở hữu những công nghệ màn hình tiên tiến cho smartphone, điển hình như công nghệ IGZO có khả năng tiết kiệm điện và cho độ phân giải rất cao...Thế rồi, như đã nói, sự bảo thủ, chậm chạp đã khiến những chiếc smartphone màn hình IGZO vẫn chỉ xuất hiện ở các triển lãm công nghệ, hay loanh quanh ở quê nhà Nhật Bản của Sharp.
Phải mãi đến 2013, khi tình hình thua lỗ vốn đã triền miên trong thời gian quá dài, công ty mới có kế hoạch chuyển nguồn lực tại các nhà máy sản xuất màn hình TV sang sản xuất màn hình IGZO cho smartphone với số lượng lớn. Dù vậy, cho tới nay những sự thay đổi vẫn chưa mang lại tín hiệu tích cực nào.
Sự chậm trễ và bảo thủ của các công ty Nhật Bản là một trong những nguyên nhân chính khiến họ dần đánh mất vị thế của mình. Trong thế giới hiện đại, người dùng không còn quá chú trọng vào chất lượng phần cứng - điều mà Sharp, Sony...làm rất tốt.
Thay vào đó, sự quan tâm chuyển sang phần mềm, ứng dụng, nội dung, cũng như sự thân thiện trong giao diện sử dụng. "Sự cách tân của các công ty Nhật Bản chủ yếu nằm ở mảng phần cứng và thiết bị; và họ đã làm cực tốt ở mảng đó.
Vấn đề nằm ở chỗ, yếu tố chủ chốt cho sự đổi mới trên thế giới đã chuyển dịch từ phần cứng sang phần mềm" - Peter Kenevan, Giám đốc của McKinsey Japan, nhận định.
Sự thay đổi của thời thế còn nằm ở những khía cạnh khác, từ vĩ mô đến vi mô, và đều đánh vào những "tử huyệt" của các công ty đến từ đất nước mọc trời mọc.
Khi công nghệ ngày càng phát triển, những thiết bị mà Sharp kinh doanh như đầu DVD... đều không còn nhiều đất sống. Ngay cả thị trườngTV, "miếng bánh" vốn đã bị cạnh tranh gay gắt từ các công ty Hàn Quốc và Trung Quốc, cũng đang dần bị thu hẹp khi người dùng chuyển sang xem nội dung từ các thiết bị di động như laptop, máy tính bảng.
Thay đổi hay là chết?
"Người Nhật không thiếu khả năng kỹ thuật, óc sáng tạo, hay sự cách tân. Nhưng để phát triển một cách mạnh mẽ, các doanh nghiệp Nhật Bản cần thực hiện tái cơ cấu và chuyển sang mô hình kinh doanh mới" - Chuyên gia tư vấn công nghệ Gerhard Fasol tại Tokyo nhận định.
Sharp cũng đang nỗ lực cứu mình bằng việc tái cơ cấu: mảng sản xuất màn hình LCD dành cho smartphone dự kiến sẽ được tách thành bộ phận riêng. Đây có thể là một tiền đề để Sharp tiến sâu hơn vào thị trường di động - dù chỉ là ở vai trò nhà cung cấp linh kiện.
Sharp là một trong những nhà cung cấp màn hình để Apple dùng trên iPhone, và nếu có sự đầu tư đúng đắn về công nghệ cũng như đưa ra giá thành hợp lý, Sharp có thể sẽ được Apple ưu tiên chọn làm đối tác.
iPhone là chiếc smartphone hàng đầu hiện nay, với doanh số mỗi quý lên tới hàng chục triệu máy. Nếu Sharp thành công trong việc thuyết phục Apple chọn mình làm đối tác, con đường trong tương lai của họ sẽ sáng sủa hơn.
Sharp cũng có thể nhìn sang và "học hỏi" Sony vốn rất mạnh tay trong việc tái cấu trúc thời gian gần đây. Sony đã bán mảng kinh doanh PC Vaio, đang cân nhắc bán luôn cả mảng di động để tập trung vào những mảng đang có thu nhập tốt như cảm biến hình ảnh.
Tương tự như Sharp với màn hình, Sony cũng là nhà cung cấp camera cho Apple dùng trên iPhone; nhưng liệu Sharp có dám mạnh tay loại bỏ những mảng kinh doanh yếu kém đi hay không, chúng ta sẽ phải chờ đợi những công bố chính thức của công ty về đợt tái cơ cấu của mình.