Hình ảnh được đăng tải bởi tờ War Zone cho thấy, chiếc tiêm kích Su-33 đang nổi trên mặt nước ngay sát mạn trái của tàu Kuznetsov khi di chuyển trên Địa Trung Hải.
Cùng với đó, một chiếc trực thăng đã giải cứu viên phi công. Tuy nhiên, có vẻ người này đã bị dây của chiếc dù cuốn vào người.
Bộ Quốc phòng Nga, nguyên nhân vụ tai nạn là cáp hãm bị đứt, không thể dừng máy bay ở khoảng cách quy định. Chiếc máy bay bị quá đà và lao xuống biển. Phi công thoát hiểm thành công và được cứu hộ ngay sau đó.
Đây là tiêm kích thứ hai bị rơi trong nhiệm vụ tác chiến tại Địa Trung Hải của biên đội tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga trong nhiệm vụ chống khủng bố tại Syria năm 2016.
Trước đó, một chiếc MiG-29K đã không thể hạ cánh do cáp hãm đà bị hỏng. Thủy thủ đoàn không thể sửa bộ cáp trước khi máy bay hết nhiên liệu, phi công buộc phải bỏ chiếc MiG-29K và nhảy dù.
Vụ việc này từng xảy ra trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov vào năm 2005. Khi đó, chiếc Su-33 đã gần dừng lại, nhưng sợi cáp hãm bị đứt khiến máy bay lăn xuống biển.
Hải quân Nga sau đó không thể trục vớt máy bay, buộc phải dùng bom chìm để phá hủy các trang thiết bị tối mật trên chiếc Su-33.
Chiến dịch không kích khủng bố tại Syria là nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên của Đô đốc Kuznetsov kể từ khi được biên chế vào cuối năm 1990. Đây là tàu sân bay duy nhất của Hải quân Nga.
Sức mạnh lão tướng
Tạp chí Mỹ National Interest của Mỹ mới đây đã xếp Su-27 và biến thể Su-33 là một trong 5 loại máy bay đáng sợ của Nga.
Theo báo Mỹ, trong số 4 loại máy bay phục vụ hải quân, chiếc tiêm kích Su-33 là nổi tiếng nhất vì chế tạo từ dòng Su-27 lừng danh.
Su-33 là máy bay chiến đấu có kích cỡ lớn nhưng cất cánh được từ đường băng cực ngắn. Dòng tiêm kích hạm này còn có hai cánh phụ nhỏ gần buồng lái, hỗ trợ tốt khi cất và hạ cánh.
Chiến đấu cơ Su-33 có thể mang đến 6,5 tấn vũ khí cùng 12 giá treo gắn bom, tên lửa, 1 pháo 30 mm với tốc độ bắn 1.800 viên/phút. Máy bay có tốc độ 2.300 km/h, bay cao 17 km, vượt xa các máy bay trên hạm của Mỹ và phương Tây.
Để tăng cường tuổi thọ cho phần khung vỏ khỏi sự ăn mòn từ môi trường biển, Su-33 được phủ một lớp sơn đặc biệt.
Chiếc tiêm kích này có thể tuần tiễu liên tục 2 giờ, nếu được tiếp dầu thì thời gian tuần tiễu còn gia tăng. Thậm chí Su-33 còn có thể tiếp dầu cho nhau.
Su-33 có thể tự động phát hiện đến 10 mục tiêu nguy hiểm trên không và trên biển, tự động xác định mục tiêu nguy hiểm nhất. Nó có thể đánh chặn được tên lửa hành trình diệt hạm vốn là mối nguy nhất với các hàng không mẫu hạm.
Tuy nhiên, khi tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov phát sinh loạt sự cố và phải sửa chữa sau lần triển khai đến Địa Trung Hải năm 2016, tiêm kích Su-33 rất ít khi được nhắc đến.
Clip tiêm kích Su-33 nổi trên mặt biển. |