Trở thành “siêu kỳ lân” sau 9 năm khởi nghiệp
Thành lập từ năm 2010 với quy mô chỉ khoảng 10 nhân sự, WeWork được định giá hơn 48 tỷ USD sau 9 năm khởi nghiệp, chính thức trở thành một startup “siêu kỳ lân”, với giá trị gấp ba lần Tập đoàn Vingroup đứng đầu thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hai doanh nhân sáng lập WeWork là Adam Neumann (gốc Do Thái) và Miguel Mckelvey bắt đầu sự nghiệp bằng việc thuê các văn phòng giá rẻ, sau đó tiến hành tân trang và cho các cá nhân lẫn công ty thuê lại với rất nhiều lựa chọn: thuê theo giờ, theo buổi, ngày, tuần hoặc tháng hay thuê dài hạn. Họ nhắm đến những đối tượng muốn tìm kiếm không gian văn phòng làm việc nhưng ngại tiếp xúc với những vấn đề pháp lý, thủ tục và hợp đồng ràng buộc chặt chẽ.
WeWork bước chân vào Việt Nam vào cuối năm 2018 và giới thiệu văn phòng của họ sẽ là không gian làm việc chung lớn nhất tại Việt Nam với diện tích lên đến 5.000m2. Đối tượng khách hàng tiềm năng là văn phòng đại diện của các tập đoàn đa quốc gia. WeWork tin rằng Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Có 35% dân số Việt Nam là thế hệ Millennials - chỉ những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000. Việt Nam đang thực sự hướng đến kỷ nguyên có sự thay đổi trong lực lượng lao động.
Những khoản đầu tư tỉ USD trước khi lên sàn
Từ khi “tiền tươi” đổ về, WeWork mở rộng mạng lưới kinh doanh của mình đến các lĩnh vực mới và tạo ra một hệ sinh thái của riêng họ, bao gồm WeLive (không gian sống chung), WeRise (sức khỏe và cân đối), WeGrow (giáo dục) với tổng số thành viên của hệ sinh thái đạt hơn 480.000 người năm 2018, tăng mạnh so với 186.000 thành viên năm 2017.
WeWork thông báo đạt doanh thu 1,8 tỷ USD vào năm 2018 nhưng khoản lỗ kế hoạch lại lên đến 1,9 tỷ USD. Tuy nhiên, “siêu kỳ lân” WeWork vẫn tự tin thực hiện thủ tục chào sàn nhờ khoản đầu tư trị giá hơn 10,5 tỷ USD của ngân hàng SoftBank, liên định chế tài chính lớn nhất tại Nhật Bản. Đấy là chưa kể những khoản đầu tư khác mà WeWork không tiết lộ.
Tỉ phú Masayoshi Son - CEO của SoftBank nói về khoản đầu tư này với tờ New York Times như sau: “Chúng tôi cho rằng WeWork sẽ sớm trở thành một đế chế kinh doanh như Alibaba”. Trên thực tế, WeWork phụ thuộc rất nhiều vào những khoản đầu tư bên ngoài để có thể sống sót tại những thị trường bất động sản đắt đỏ và đông đúc nhất thế giới. Bằng động thái tuyên bố chuẩn bị niêm yết, WeWork đã chính thức gia nhập vào đội “kỳ lân” trên phố Wall, điển hình như hãng taxi công nghệ Lyft, mạng xã hội ảnh Pinterest và Zoom. Bên cạnh đó, startup này vẫn chưa tiết lộ các chỉ số tài chính trong hồ sơ S-1 đã điều chỉnh gửi đến Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) để đăng ký lên sàn.
Trong thư gửi toàn thể nhân viên vào ngày 29/4/2019, nhà sáng lập Adam Neumann khẳng định vị thế tương lai của WeWork: “Bởi công nghệ và thời đại chúng ta đang sống, thế giới chưa bao giờ trở nên nhỏ như vậy. Với tư cách là một trong những mạng lưới lớn nhất thế giới, trách nhiệm của chúng ta là dẫn đầu và tạo nên hình mẫu mới cho nhân loại”.
Hoạt động bên trong không gian làm việc chung của WeWork |
Thị trường Việt Nam sẽ giúp startup vượt qua thách thức
Quy mô coworking-space (không gian làm việc chung) tại Việt Nam đang tăng chóng mặt. Nếu như cách đây 1 năm, coworking-space Việt Nam chỉ có 17 đơn vị kinh doanh với 22 điểm, tổng diện tích là 14.500m2, thì đến hết năm 2018, thị trường coworking-space ở Việt Nam đã tăng trưởng mạnh cả về số lượng lẫn quy mô. Tổng diện tích coworking-space cuối năm 2018 tăng trên 90.000m2. Hiện nay, diện tích trung bình của mỗi coworking-space ở Việt Nam chỉ khoảng 1.000m2, không đủ không gian, diện tích đạt chuẩn một coworking-space đúng nghĩa, bất chấp tốc độ tăng trưởng là 50%. Trong khi trên thế giới, quy mô diện tích coworking-space phải từ 2.000 - 5.000m2.
Ngoài Việt Nam, thị trường coworking-space ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán cũng tăng trưởng nhanh chóng. Trong năm 2018, Bangalore, Singapore, Melbourne và Hong Kong là những thị trường tăng trưởng nhanh nhất với chỉ số tăng trưởng là 19% (báo cáo của Instant Offices). Theo nghiên cứu của JLL Investor, thị phần văn phòng hoạt động với hình thức coworking-space ở châu Âu và Bắc Mỹ chỉ mới đạt khoảng 1-5% trong những năm gần đây, tuy nhiên nhu cầu vẫn rất lớn.