Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh dễ nhầm với bệnh khác

GD&TĐ - Theo các bác sĩ, sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh hiếm gặp trên thế giới.

Trẻ sơ sinh mắc SXH có thể xuất hiện dấu hiệu xuất huyết dưới da, bụng, tay, chân, cổ, hay mí mắt. Ảnh minh họa.
Trẻ sơ sinh mắc SXH có thể xuất hiện dấu hiệu xuất huyết dưới da, bụng, tay, chân, cổ, hay mí mắt. Ảnh minh họa.

Do đó, đặc điểm bệnh ít được biết đến, triệu chứng lâm sàng không đặc trưng, dễ dẫn đến nhầm và bỏ sót.

Biểu hiện tương tự nhóm trẻ lớn

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết, vừa tiếp nhận ba bệnh nhi gồm bé trai 16 ngày tuổi, hai bé gái 4 ngày tuổi và 7 ngày tuổi nhập viện do mắc sốt xuất huyết (SXH).

Bác sĩ Vũ Thị Thu Nga - Trưởng khoa Sơ sinh bệnh viện, cho biết, đây là lần đầu tiên đơn vị ghi nhận trường hợp trẻ sơ sinh mắc SXH.

Theo bác sĩ Nga, SXH ở trẻ sơ sinh hiếm gặp trên thế giới. Do đó, đặc điểm bệnh ít được biết đến, triệu chứng lâm sàng không đặc trưng, dễ dẫn đến nhầm và bỏ sót.

“Ba ca ghi nhận tại viện chưa cung cấp đủ bằng chứng để bác sĩ rút ra những kết luận về diễn biến bệnh trên trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, với các ca bệnh đã điều trị, biểu hiện ở nhóm trẻ này tương tự với nhóm lớn hơn như sốt hoặc hạ nhiệt độ, sốt kéo dài 3 - 4 ngày. Trẻ có thể bị da tái, phát ban, xuất huyết rải rác hoặc vàng da sớm”, bác sĩ Nga cho biết.

Theo bác sĩ Nga, biểu hiện thường gặp khi trẻ sơ sinh mắc SXH là bỏ bú, bụng trướng, nôn, gan to, tiêu chảy, giảm tiểu cầu, men gan tăng, sốt và bú kém. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh có thể đồng nhiễm SXH và bệnh khác, như adenovirus, viêm phế quản phổi, cúm... Khi đó, trẻ dễ trở nặng. Vì vậy, trẻ bị SXH cần được nhập viện, không tự theo dõi, điều trị tại nhà.

TP Hà Nội đang vào đỉnh dịch SXH, ba tuần liên tiếp đều ghi nhận hơn 1.000 ca mắc mới/tuần. Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận hơn 13.437ca, gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 16 ca tử vong.

Sở Y tế Hà Nội nhận định, dịch bệnh SXH vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới với điều kiện khí hậu phù hợp cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh. Dịch bệnh SXH có thể đạt đỉnh vào tháng 11, 12.

Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị các bệnh viện sẵn sàng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh kịp thời, an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Bảo đảm cung ứng thuốc, máu và chế phẩm của máu, trang thiết bị, nhân lực cho công tác cấp cứu, điều trị người bệnh SXH.

Dấu hiệu ở trẻ sơ sinh

Bác sĩ Vũ Thị Thu Nga cho biết, SXH là bệnh do muỗi truyền, một số trường hợp rất hiếm lây từ mẹ sang con và vẫn cần theo dõi thêm để nghiên cứu sâu hơn. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, bọ gậy.

Người dân phòng chống muỗi đốt bằng cách đậy kín tất cả vật dụng chứa nước, thay rửa nơi chứa nước hàng tuần, vệ sinh định kỳ môi trường sống xung quanh. Mẹ và bé cần mặc quần áo dài tay, ngủ màn cả ngày và đêm, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi nguồn gốc tự nhiên.

Khi trẻ sơ sinh bị sốt trong cao điểm dịch, cơ sở y tế nên nghĩ tới SXH để làm xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị kịp thời.

ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng - Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, SXH ở trẻ sơ sinh đôi khi có những dấu hiệu không điển hình như: Hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ đến vừa, tiêu chảy, nôn ói… Những dấu hiệu này rất dễ chẩn đoán sai do lầm tưởng với các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa hay nhiễm trùng. Bệnh có thể chuyển biến nhanh, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

Sau khoảng 4 - 6 ngày kể từ khi trẻ bị nhiễm virus SXH, trẻ sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như: Sốt cao đột ngột và liên tục (có thể lên đến 40 độ C); đau mắt; nhức mỏi các khớp, cơ; đau đầu dữ dội; phát ban khắp cơ thể, thường xuất hiện sau khi trẻ đã phát sốt.

Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị chảy máu bất thường ở mũi, nướu, răng, da dễ xuất hiện các vết bầm, chán ăn, buồn nôn, nôn. Một số dấu hiệu khác gồm: Mệt mỏi, khó chịu; thân nhiệt hạ thấp 36 độ C; tiểu cầu giảm nhanh; ho khan; chảy nước mũi (rất ít).

“Các triệu chứng SXH ở trẻ sơ sinh dễ bị nhầm lẫn với các bệnh nhiễm trùng khác. Tuy nhiên, tình trạng và cơn đau có thể dữ dội hơn rất nhiều lần. Do đó, khi trẻ có các triệu chứng trên, cha mẹ nên cho bé đến bệnh viện để được kiểm tra và có phương pháp điều trị phù hợp, đúng cách”, ThS.BS Duy Tùng khuyến cáo.

Cũng theo bác sĩ Tùng, trong một số trường hợp bất thường, bệnh chuyển biến nhanh và trở nên nghiêm trọng hơn sau khi cơn sốt dịu đi. Tình trạng này gọi là sốc SXH Dengue hoặc Hội chứng sốc Dengue và nếu kéo dài có thể gây tử vong cho trẻ.

Lúc này, trẻ sẽ có thể xuất hiện các triệu chứng như: Xuất huyết nghiêm trọng; đau bụng dữ dội, thường xuyên cảm thấy buồn nôn và nôn; khó thở; tụt huyết áp; mất nước; suy nội tạng…

Thông thường, phụ huynh có thể nhận biết trẻ đang bị SXH qua các triệu chứng xuất hiện trong 3 ngày đầu tiên kể từ khi sốt. Ngày 1, trẻ thường sốt cao đột ngột, mặt và cổ họng đỏ ửng nhưng không đau.

Đến ngày 2, trẻ vẫn sốt cao và có thể xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết dưới da, bụng, tay, chân, cổ, hay mí mắt. Ở ngày 3, các triệu chứng SXH ngày càng rõ hơn, biện pháp hạ sốt không có hiệu quả. Trẻ có thể chảy máu mũi, răng. Khi đó, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ điều trị gấp.

“Bác sĩ sẽ dựa vào các yếu tố dịch tễ, các biểu hiện lâm sàng của bệnh. Đồng thời, chỉ định xét nghiệm cơ bản đo số lượng bạch cầu, tiểu cầu và và hematocrit để biết có phải trẻ bị SXH hay không.

Do đó, bác sĩ sẽ cần mẹ cung cấp đầy đủ các triệu chứng đã xuất hiện ở trẻ và nguy cơ gây bệnh cho bé. Từ đó, xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh và có phương hướng điều trị phù hợp nhất”, ThS.BS Duy Tùng chia sẻ.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.