“Sống trên mây” không tuyệt như trong mơ

GD&TĐ - Hầu hết, các tòa nhà siêu cao đều dành những tầng trên cùng thiết kế “phòng ốc trên mây”, chỉ phục vụ những người giàu có nhất.

Nhiều tòa nhà trên thế giới cao vượt mây, cung cấp nơi sống “trên mây” theo mọi nghĩa.
Nhiều tòa nhà trên thế giới cao vượt mây, cung cấp nơi sống “trên mây” theo mọi nghĩa.

Riêng tại New York (Mỹ) cũng đã có 7 tòa nhà cao từ 250m trở lên. Phần lớn các căn hộ thuộc tầng cao nhất đều được bán với giá từ hàng chục đến hàng trăm triệu USD.

Nơi ở của giới thượng lưu

Từ lâu, nhà chọc trời được xem như biểu tượng của giới siêu giàu. Chỉ có họ mới đủ khả năng tài chính sở hữu những “căn hộ trên mây”, tận hưởng vị trí cư trú cao và tầm nhìn xa rộng nhất.

Năm 2016, Mỹ khánh thành 432 Park Avenue, tòa nhà cao thứ 3 tại Manhattan. Đó là khối kiến trúc hình chữ nhật cao 425,5m, trị giá 1,25 tỷ USD.

Chỉ tính giá trung bình, mỗi căn hộ của 432 Park Avenue vào năm này cũng được bán với giá 18,4 triệu USD (hơn 416 tỷ đồng). Người sở hữu tầng cao nhất của nó là tỷ phú Fawaz Alhokair (Ả-rập Xê-út). Ông mua với giá 88 triệu USD (gần 2.000 tỷ đồng), sau đó bán đi vào tháng 6/2021 với giá 169 triệu USD (hơn 3.800 tỷ đồng), lời gần gấp đôi.

Ngoài thể hiện “địa vị thượng lưu”, các “căn hộ trên mây” còn hứa hẹn bảo đảm trị an. Độ cao ấn tượng cùng hệ thống công nghệ hàng đầu của nó loại bỏ các nguy cơ bị tấn công, trộm cắp…

Khi ở trên cao hàng trăm mét so với mặt đất, các “cư dân trên mây” cũng không bị phiền nhiễu bởi tiếng ồn và mọi sự đang diễn ra bên dưới. Họ như thể tách biệt với đời thực, thoải mái tận hưởng cảm giác tự tại.

Thiên đường… gió lắc

432 Park Avenue với tỷ lệ chiều cao trên chiều rộng 15:1, rung lắc ngay cả trong gió nhẹ.
432 Park Avenue với tỷ lệ chiều cao trên chiều rộng 15:1, rung lắc ngay cả trong gió nhẹ.

Từ lâu, chúng ta đã ngưỡng mộ và ghen tỵ với những người “sống trên mây”. Thực tế, trên cao chỉ… nhiều gió.

Theo nghiên cứu từ giới xây dựng, mọi công trình cao trên 100m đều bị gió gây rung lắc. Lấy ví dụ tòa nhà cao 300m, dù chỉ ở mức gió thổi bình thường, nó cũng đã lắc lư 5 - 10cm. Nếu gió giật 50mph, nó nghiêng ngả 15cm. Nếu gió giật đến 100mph, nó có khả năng nghiêng hẳn 60cm.

Trong khi đó, các tòa nhà chọc trời thường chỉ được thiết kế để chịu rung lắc thấp hơn. Tại New York, tòa nhà Empire State (381m) được thiết kế chịu chao đảo 2,54cm trong gió mạnh. Kết quả là mỗi khi gió mạnh, đỉnh Empire State “lệch” trung tâm đến 15cm, gấp đôi tiêu chuẩn an toàn.

Nguyên nhân khiến độ rung lắc thực tế vượt ra ngoài tính toán có lẽ nằm ở chiều rộng của các tòa nhà chọc trời. Chúng thường quá ngắn so với chiều cao, khiến các kiến trúc không khác gì cây bút khổng lồ siêu dài.

Chiều rộng của 432 Park Avenue chỉ 28m, bằng 1/15 chiều cao. Chiều rộng Empire State tuy dài 130m, nhưng cũng chỉ bằng 1/3 chiều cao.

Lợi bất cập hại

Xét ra, “sống trên mây” chỉ được mỗi cái “view” tuyệt diệu khi trời đẹp.
Xét ra, “sống trên mây” chỉ được mỗi cái “view” tuyệt diệu khi trời đẹp.

Mới năm thứ 2, 432 Park Avenue đã gặp sự cố. Ngày 22/11/2018, đường ống nước áp suất cao của nó bị bung mối nối ở tầng 60, khiến tòa nhà “ngập lụt”. Ngày 26/11, đường ống tầng 74 bị vỡ, nước tràn vào trục thang máy, làm 2/4 chiếc “chết ngắc” suốt nhiều tuần.

Theo chủ nhân giấu tên của căn 84B, đường nước áp suất cao của 432 Park Avenue còn từng gây ra “lũ lụt thảm khốc” cho tầng 83 – 86 ngay từ năm 2016. Vì giữa người mua và chủ bán đã đạt thỏa thuận ngầm, nên sự việc được giấu kín.

Các tòa nhà chọc trời khác chưa có báo cáo bể ống dẫn nước, nhưng đều từng “chết” thang máy vì gió. Càng ở trên cao, trục thang máy càng bị ảnh hưởng bởi gió giật, dẫn đến lệch dây cáp hoặc tự động ngắt điện. Có vài trường hợp, “cư dân trên mây” bị nhốt trong thang máy hàng giờ liền.

Điều gây phiền nhiễu nhất là… tiếng ồn. Tuy tránh được âm thanh dưới mặt đất, “cư dân trên mây” bị âm thanh từ chính các bức tường của mình hành hạ. Chúng bao gồm tiếng nghiến của các vách ngăn bằng kim loại, phát ra khi tòa nhà bị gió rung lắc; và tiếng rít, hú rợn người, phát ra khi gió thốc vào cửa sổ, hành lang…

Khi ở trên cao, ngay cả tiếng động nhỏ xíu từ căn hộ đối diện cũng thành to tướng. Chỉ riêng tiếng ném rác vào thùng cũng tựa như “bom nổ”.

Trong 432 Park Avenue, các dịch vụ tăng phí như “tên bay, đạn bắn”. Chỉ từ năm 2018 – 2020, phí bảo hiểm tòa nhà tăng 300%. Phí dịch vụ nhà hàng thì tăng gấp 12,5 lần, từ 1.200 USD/năm (khoảng 27 triệu đồng) lên 15.000 USD (340 triệu đồng).

“Ở đây, mọi người đều chán ghét lẫn nhau” - Sarina Abramovich, một trong các chủ căn hộ đầu tiên của 432 Park Avenue, cho biết - “Vì danh tiếng người thuộc giới thượng lưu, chúng tôi cố kìm nén để không bị công chúng phát hiện, chứ căng thẳng giữa các căn hộ với nhau thì đã âm ỉ suốt nhiều năm rồi”.

“Mọi thứ tốt đẹp chỉ là thổi phồng mà thôi” - Abramovich cay đắng - “Nếu biết trước sống trên mây là như thế này, tôi không đời nào bỏ tiền ra mua căn hộ”.

Theo báo cáo từ năm 2007 của Giáo sư Robert Gifford (Mỹ), sống trong các tòa nhà siêu cao đã hại nhiều hơn lợi. Chiều cao của nơi sống tác động trực tiếp lên sức khỏe tâm thần, dễ gây lo âu và trầm cảm. Sự thiếu tương tác cũng khiến tâm lý chịu tác động xấu, đặc biệt không tốt cho nuôi dạy trẻ con.

Theo Pehalnews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ