Sẽ còn tiếp tục sụt lún
Theo khảo sát của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, dọc tuyến đường và tuyến ngang đường, địa chất khu vực xảy ra sự cố biến đổi phức tạp. Địa chất có những biến đổi dị thường như xen kẹt lớp bùn bồi tích, túi bùn, túi khí, hang caster…
Đánh giá sơ bộ về nguyên nhân sụt lún, theo kết quả đo địa vật lý cùng với hiện trạng công trình, quan trắc bằng mắt thường cho thấy hố sụt lún tạo ra do khoan vào túi khí làm bục thành, tạo ra hố sụt.
Ngày 18/4, “hố tử thần” tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã được tiến hành san lấp. Theo UBND huyện Chương Mỹ, toàn bộ quá trình san lấp sẽ được thực hiện theo quy trình mà các nhà khoa học đưa ra. Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đề xuất phương án khắc phục gồm 6 bước.
Cụ thể: Bước 1, dọn dẹp mặt bằng khu sụt lún; Bước 2, lấp đầy hố sụt bằng các vật liệu phù hợp, dự kiến dưới cùng lót lớp đá hộc dày 1m; Bước 3, khoan tạo lỗ để khoan phụt vữa, xi măng - bentonite hàm lượng 200kg xi măng + 50 kg bentonite để lấp đầy các lỗ rỗng xung quanh khu vực lún sụt, cứng hóa khu vực lún sụt; Bước 4, trải vải địa kỹ thuật gia cố 2 lớp tăng cường phía trên vật liệu lấp đầy hố sụt với cường độ dự kiến 150kN/m, tiến hành neo đầu vải như quy định; Bước 5, hoàn trả rãnh thoát nước và các lớp mặt đường như ban đầu; Bước 6, tiến hành thử tải và quan trắc sau xử lý.
Quá trình san lấp “hố tử thần” ở xã Quảng Bị dự kiến kéo dài gần hai tuần, hoàn thành trước 30/4; kinh phí từ ngân sách của UBND huyện Chương Mỹ.
Nhận diện dấu hiệu sụt
TS Trần Tân Văn cho biết, ở các vùng như Chương Mỹ luôn luôn có những chỗ mà đá vôi chìm dưới lớp đất phủ. Tính chất đặc biệt của đá vôi (và một số loại đá có thành phần vôi, hoặc các loại đá muối) là dễ bị dòng nước hòa tan, rửa lũa, tạo nên hang hốc.
Những hang hốc này rộng lớn dần và sập đổ cơ học ngày càng chiếm ưu thế so với hòa tan, rửa lũa, càng làm hang hốc rộng lớn thêm. Quá trình hòa tan, rửa lũa, sau kết hợp với sập đổ cơ học tạo thành hang hốc, gọi chung là quá trình karst. Những nơi đá vôi bị lớp đất phủ che lấp có thể xảy ra quá trình karst ngầm.
Đến một lúc nào đó thì khoảng trống bên dưới lớp đất phủ có thể trở thành quá lớn, trần hang có thể trở thành quá mỏng để đỡ được lớp đất phủ bên trên và có thể xảy ra sụt sập một cách tự nhiên hoặc khi có một yếu tố kích hoạt tự nhiên (thí dụ do hạ mực nước ngầm đột ngột) hoặc nhân sinh (thí dụ do khoan khai thác nước) nào đó.
Các hố sụt karst có vô số ở những vùng đá vôi, đặc biệt hay tạo thành dải những hố sụt tròn, đường kính và độ sâu thay đổi từ một vài mét cho đến một vài chục, thậm chí một vài trăm mét, bên trên các dòng chảy ngầm.
TS Trần Tân Văn cho biết, hố tử thần thường xảy ra bất chợt, khó ngờ. Nhưng trước đó có một số dấu hiệu như từ những sụt nhỏ có dấu hiệu loang ra lớn dần. Tường nhà bị nứt vỡ, mái nhà bị cong vênh.
Lúc sắp xảy ra sập sụt thì hay có tiếng động ở trong lòng đất… Nếu trường hợp buộc phải sinh sống trên khu vực đó thì cần đặc biệt để tâm đến các dấu hiệu này. Khi xuất hiện thì phải chuẩn bị sơ tán trước khi sập sụt xảy ra.
Việc lấp hố tử thần từ trước đến nay chỉ được một thời gian ngắn, ở các vùng caster có các hố sụt như vậy đều có diễn tiến giống nhau. Chính quyền cần thực hiện ngay điều tra khảo sát, đánh giá quy mô hố sụt lớn hay nhỏ, nông hay sâu, từ đó có biện pháp phòng tránh.
Còn nếu lấp lại rồi lại tiếp tục sinh sống trên hố tử thần là không ổn vì nguy cơ vẫn còn. Hiện, có nhiều công nghệ có thể biết được quy mô của hố sụt như thế nào như đo địa vật lý hay dùng radar xuyên đất.
Qua đó biết cấu trúc lượng đất bên dưới thế nào. Khảo sát địa chất xem xung quanh có chỗ nào có điểm lộ hang đá vôi hay không. Các cơ quan địa chất sẽ có phương pháp nghiên cứu cho từng địa điểm cụ thể.
TS Trần Tân Văn cũng bác bỏ khả năng khoan phải túi khí ở khu vực xảy ra hố tử thần. Nguyên nhân túi khí chỉ có khi địa chất trước đây có nhiều các thành phần hữu cơ như khúc sông cổ ứ đọng sình lầy thì mới hình thành khí.
Còn tại Chương Mỹ là do hoạt động caster ngầm, vị trí này đã nằm trong bản đồ cảnh báo sạt trượt mà Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã xây dựng và cảnh báo.