“Sóng thần” Covid-19 bủa vây Nam Mỹ

GD&TĐ - Hơn 100 ngày kể từ khi các nước Mỹ Latinh triển khai tiêm mũi vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên, đại dịch vẫn tiếp tục đeo bám nguy hiểm.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đây là cuộc chiến không cân sức giữa những nước đi đầu tiêm vắc-xin và các nước loay hoay giữa làn sóng virus mới.

Tính đến thời điểm hiện tại, Brazil là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực. Biến thể nCoV mới tên P.1 được phát hiện tại Brazil có tốc độ lây nhiễm, khả năng gây bệnh nặng. Chỉ riêng tháng 3, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận hơn 66.000 ca tử vong vì Covid-19, mức kỷ lục từ khi đại dịch xuất hiện.

Khủng hoảng Covid-19 ở Brazil chưa bao giờ nghiêm trọng đến thế. Bệnh viện tại hầu hết các bang đều hoạt động với công suất trên 80%. Khu điều trị tích cực tại 16 trên 26 bang đã kín trên 90% chỗ, đẩy hệ thống y tế đến nguy cơ sụp đổ.

Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin tại Brazil đang diễn ra với tốc độ chậm. Theo dữ liệu từ sở y tế các bang, ít hơn 10% dân số quốc gia này đã được tiêm vắc-xin mũi đầu.

Chung hoàn cảnh với Brazil, Chính phủ Peru đã kêu gọi phong tỏa vào tuần trước. Mỗi gia đình chỉ có một thành viên được phép rời nhà trong trường hợp đặc biệt nhằm hạn chế tác động của làn sóng virus thứ ba. Quốc gia này đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 8 tỉnh do lượng bệnh nhân Covid-19 tăng đột biến.

Theo phân tích của Trường Đại học John Hopkins, Peru có tỷ lệ người tử vong vì Covid-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mexico. Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin quá chậm với vài nghìn liều được tiêm mỗi ngày. Nếu giữ tốc độ như hiện tại, Peru sẽ mất hơn một thập kỷ để đạt miễn dịch cộng đồng.

Trái ngược với Brazil và Peru, Chile là quốc gia đi đầu trong chiến dịch tiêm chủng vắc-xin trên thế giới. Quốc gia này bắt đầu tiêm chủng tương đối sớm, vào khoảng tháng 12, và tăng nhanh nhờ nguồn cung dồi dào từ Trung Quốc. Hiện tại, Chile đứng thứ ba thế giới về tỷ lệ tiêm chủng cho người dân, sau Israel, Anh nhưng trên Mỹ, Pháp.

Bất chấp thành công này, trong bảy ngày qua, Chile ghi nhận mức tăng kỷ lục ca nhiễm nCoV. Ngày 30/3, Chile phải ban hành lệnh phong tỏa thủ đô Santigao và gần 200 thành phố khác do lo ngại làn sóng Covid-19 thứ hai. Khoa hồi sức cấp cứu tại các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải.

Nguy hiểm hơn, Chile và nước láng giềng như Argentina, Uruguay sắp bước vào những tháng lạnh trong khi virus đặc biệt dễ lây lan ở nhiệt độ thấp.

Từ đầu chiến dịch, Chile sử dụng hai loại vắc-xin là CoronaVac (Trung Quốc) và Pfizer/BioNTech, trong đó phần lớn là CoronaVac. Nhiều chuyên gia di truyền học nhận xét hiệu quả của vắc-xin CoronaVac là chưa cao và phải đợi thêm thời gian để đánh giá thành công của chiến dịch tiêm chủng.

Không chỉ bận rộn với kế hoạch tiêm chủng trong nước, nhiều quốc gia Mỹ Latinh đang tạo nên “bức tường vắc-xin” ở khu vực biên giới để hạn chế sự lây nhiễm từ chủng virus mới tại Brazil. Uruguay, nước láng giềng với Brazil, đã ưu tiên tiêm vắc-xin cho người dân sống gần khu vực biên giới. Nhiều quốc gia khác như Bolivia, Chile, Ecuador, đã đóng cửa biên giới với Brazil.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.