Sống sót hai lần trong một vụ rơi máy bay

GD&TĐ - Chẳng những sống sót sau vụ máy bay vỡ tung trên bầu trời, mà một cô gái còn vượt qua những hiểm nguy trong khu rừng rậm suốt 11 ngày đêm. Cô được xem là người may mắn đến hai lần.

Trở lại địa điểm máy bay rơi nhiều năm sau, Juliane tìm thấy cửa của chiếc máy bay xấu số.
Trở lại địa điểm máy bay rơi nhiều năm sau, Juliane tìm thấy cửa của chiếc máy bay xấu số.

Vụ rơi máy bay thảm khốc

Vào đêm trước Giáng sinh năm 1971, một chiếc máy bay khởi hành từ Lima, Peru, bị sét đánh vỡ ra từng mảnh trên không trung. Tai nạn thảm khốc đã khiến hành khách trên máy bay đều chết, trừ một cô bé tuổi teen tên là Juliane Koepcke.

Đây quả là điều kỳ diệu trong một vụ rơi máy bay, nhưng còn kỳ diệu hơn nữa là cô tiếp tục sống sót một thân một mình trong rừng rậm Amazon đầy hiểm nguy rình rập. Sau 11 ngày trong rừng và vượt qua những điều kiện khủng khiếp, Koepcke mới gặp được người cứu.

Không phải ai cũng từng gặp sự kỳ diệu trong cuộc đời, nhưng trong thời gian ngắn 1 tuần rưỡi của năm 1971, Koepcke đã trải qua hai điều kỳ diệu, mang lại cho cô sự sống trong hoàn cảnh hiểm nguy.  

Mặc dù Juliane Koepcke sinh ra ở Lima, Peru vào ngày 10/10/1954, nhưng cô lại là một công dân Đức. Cha mẹ của cô là những chuyên gia về động vật học, thường xuyên thực hiện các cuộc nghiên cứu ở Nam Mỹ. Bố của cô, Hans-Wilhelm Koepcke là một nhà sinh vật học, còn mẹ là Maria Koepcke, nhà điểu học.   

Vào ngày 24/12/1971, đang là một học sinh trung học 17 tuổi, Juliane đi cùng mẹ trên chuyến bay từ Lima. Cả hai dự định gặp bố của Juliane ở Pucallpa, miền Đông Peru. Thành phố này nằm trên bờ sông Ucayali, một trong những phụ lưu chính của sông Amazon. Họ hy vọng sẽ có những ngày nghỉ tuyệt vời cùng nhau tại đây.   

Chiếc máy bay mà Juliane và mẹ đi là chiếc máy bay dân dụng của hãng Lockheed. Được nửa lộ trình, máy bay lạc vào một vùng bão tố nguy hiểm và bị sét đánh trúng.

Ở độ cao trên 3000m, máy bay bị vỡ ra từng mảnh. Hành khách và những mảnh vỡ rơi tung tóe xuống mặt đất. Lúc này Juliane vẫn còn kẹt trong ghế ngồi, rơi xuống khu rừng rậm bên dưới.  

Thật kỳ lạ với bất cứ rơi từ trên cao xuống mà không chết do tác động khi chạm đất. Trong trường hợp của Juliane, các chuyên gia chỉ ra một điều rằng do cô kẹt vào chiếc ghế của máy bay trong qua trình rơi đầy kinh hãi này.

Họ nêu giả thuyết, chiếc ghế ngồi bị cản do không khí, khiến quá trình rơi bị chậm lại, cũng giống như chiếc dù. Chiếc ghế cũng có thể có tác dụng giảm sốc khi tiếp đất. Juliane thực ra cũng bị vỡ xương cổ, mắt phải bị sưng phù và vết cắt sâu nơi cánh tay phải.  

Nhờ còn kẹt trong chiếc ghế máy bay, Juliane Koepcke thoát chết khi rơi xuống đất (Ảnh trong phim tư liệu Wings of Hope).
Nhờ còn kẹt trong chiếc ghế máy bay, Juliane Koepcke thoát chết khi rơi xuống đất (Ảnh trong phim tư liệu Wings of Hope).

Mười một ngày trong rừng thẳm

Phản xạ tự nhiên ban đầu của Juliane là gọi mẹ. Cô cho rằng mẹ mình đang ở gần đây vì cả hai ngồi cạnh nhau trên máy bay. Sau một hồi lục tìm, cô chỉ thấy các mảnh vỡ của máy bay, những chiếc va li và một số thi thể, nhưng không thấy mẹ mình đâu cả. Juliane kinh hãi khi nhận ra chỉ có một mình cô nơi rừng sâu này. Lục trong một chiếc túi, Juliane tìm thấy một gói kẹo. Đây là thực phẩm duy nhất mà cô ăn trong suốt 10 ngày sau đó.  

Với ai chưa quen với rừng mưa Amazon, đây là nơi vô cùng khủng khiếp, đầy rẫy hiểm nguy khó lường, nhưng Juliane lại là trường hợp may mắn.

Khi mới lên 14 tuổi, cô đã trải qua 18 tháng sống với cha mẹ trong một trạm nghiên cứu không xa địa điểm chiếc máy bay gặp nạn. Trong khi sống ở đây, cô gái trẻ được học về mưu sinh thoát hiểm trong rừng rậm và quan trọng hơn, cô học được cách giữ vững tinh thần để vượt qua những hiểm nguy.  

Juliane bị mất một chiếc giày và cặp kính đeo mắt trong vụ máy bay rơi. Cô phải sử dụng chân mang giày để thử bước trên mặt đất trước mặt, đảm bảo không dẫm phải một con rắn độc đang ngụy trang. Sau đó cô tìm đến một suối nước nhỏ. Lần theo dòng suối, cô biết sẽ có lối đi đến những con sông lớn, nơi thường có những khu dân cư.

Ngủ là một vấn đề khó khăn đối với Juliane. Vết thương nơi cánh tay bị nhiễm trùng gây nhức nhối và côn trùng đốt không ngớt. Cô cảm thấy khủng khiếp khi phát hiện có những con giòi sống trong vết thương của mình và nhận ra rằng, dù thế nào vẫn phải tiếp tục đi, nếu muốn được cứu sống. 

Được cứu sống

Sau 9 ngày băng rừng lội suối trong rừng rậm, Juliane bắt gặp một chiếc thuyền máy buộc trên bờ biển gần một túp lều nhỏ. Cô nhớ lại từng thấy bố mình đổ dầu gasoline vào vết thương của con chó để giết loài giòi, vì vậy cô tìm đến bình nhiên liệu của chiếc thuyền và lấy ra một ít để chữa vết thương. Nó hiệu nghiệm ngay.

Những con giòi rời khỏi vết thương để tránh bị dầu gasoline giết chết. Juliane đếm kỹ những con giòi này và kinh hoàng khi phát hiện chúng lên tới 35 con. Cô kiên nhẫn đợi chủ nhân chiếc thuyền trở lại. Ngay cả phải đợi một thời gian dài, cô cũng không tự tiện lấy chiếc xuồng khi chưa được phép.       

Sau khi chờ đợi trong nhiều giờ, Juliane cuối cùng nghe được tiếng người nói, âm thanh mà cô chưa được nghe trong nhiều ngày. Đó là những người thợ rừng. Họ giật mình khi nhìn thấy một cô gái trẻ trong chiếc lều của mình.

Juliane nhanh chóng tự giới thiệu bằng tiếng Tây Ban Nha và giải thích tình huống của mình. Những người này trước tiên chăm sóc vết thương của cô, cho cô thực phẩm để ăn và cô có một giấc ngủ ngon đầu tiên kể từ khi thảm họa xảy ra.

Nhà khoa học Juliane Koepcke thúc giục LHQ có biện pháp bảo vệ các khu rừng mưa trước tình trạng ấm lên toàn cầu.

Nhà khoa học Juliane Koepcke thúc giục LHQ có biện pháp bảo vệ các khu rừng mưa trước tình trạng ấm lên toàn cầu.

Sáng hôm đó, những người thợ rừng đưa Juliane lên thuyền xuôi dòng trong khoảng 7 tiếng đồng hồ để đến vùng đất ở quận Tournavista. Ngay lập tức, một chiếc máy bay nhỏ đưa cô đến bệnh viện ở Pucallpa, nơi đây cô được gặp người cha đang đau khổ của mình.     

Tại bệnh viện, Juliane biết rằng cô là người duy nhất sống sót trong vụ máy bay rơi này. Đội tìm kiếm đã lùng sục khắp khu rừng để tìm mảnh vỡ, họ tình cờ gặp thi thể của Marie Koepcke, mẹ của Juliane. Cô gái đau buồn và cảm thấy giày vò khi biết rằng hình như mẹ cô cũng đã sống sót khi rơi xuống đất, nhưng không chịu nổi do thương tích quá nặng nên đã qua đời vài ngày sau đó. Juliane vẫn cảm thấy có lỗi vì không tìm kiếm kỹ hơn để giúp mẹ mình.   

Sau tai nạn thảm khốc này, Juliane trở về Đức và hồi phục hoàn toàn. Cũng như cha mẹ mình, Juliane học chuyên khoa sinh học và quay trở lại Peru để nghiên cứu sâu hơn về loài dơi.

Câu chuyện sống sót hai lần đáng chú ý của cô đã trở thành đề tài cho nhiều cuốn sách và phim ảnh, trong đó có quyển tự truyện của cô, I Fell From the Sky (Tôi rơi từ trên trời) và bộ phim tài liệu của đạo diễn Werner Herzog có tên Wings of Hope (Đôi cánh hy vọng).

Herzog thích thú câu chuyện của Koepcke bởi vì nó có liên quan đến cá nhân ông. Ông có tên trong danh sách chuyến bay năm 1971 cùng với Juliane nhưng một sự thay đổi vào phút cuối đã khiến ông thoát chết.

Theo Historydaily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.