Sóng sánh 'Mùa trăng'

GD&TĐ - Mỗi dịp Trung thu, nhóm họa sĩ G39 thường đem đến cho công chúng yêu nghệ thuật những tác phẩm quen mà lạ.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Mỗi dịp Trung thu, nhóm họa sĩ G39 thường đem đến cho công chúng yêu nghệ thuật những tác phẩm quen mà lạ. Năm nay, bằng một “Mùa trăng” sóng sánh, vẫn là những trông trăng, rước đèn, múa lân hay tái hiện sắc Thu phủ nơi nơi nhưng cách cảm, cách kể của khối sắc màu lại thêm những chuyển động mới.

Giám tuyển của “Mùa trăng” - họa sĩ Lê Thiết Cương lý giải, trong 12 tháng của năm thì tháng nào cũng có rằm và trăng tròn. Thêm nữa, một năm có nhiều ngày tết, trong đó có Tết Trung thu.

“Nhưng sao chỉ có mỗi tháng Tám mùa Thu mới được gọi là mùa trăng?”, ông đặt câu hỏi rồi lý giải: “Tháng Bảy là chớm Thu, tháng Chín là cuối Thu, tháng Tám là giữa Thu, là tháng âm kim, kim nhất, Thu nhất. Đêm rằm Trung thu, trăng tròn giữa Thu là vậy.

Trăng là thời gian, là ánh sáng, là hy vọng, cá chép ngắm trăng, lưỡng ngư vọng nguyệt, đèn cá, cá chép vượt vũ môn đều là hy vọng, là mơ ước về những điều tốt lành, gửi gắm vào trăng, tròn đầy vẹn toàn”.

Bởi vậy, họa sĩ nhóm G39 luôn tưng bừng với Tết Trung thu bằng các triển lãm mang những cái tên rất ấn tượng như: “Mặt nạ, mặt”, “Mặt”, “Thu 6.0”, “Chơi”…; thậm chí năm 2021 đại dịch Covid-19 hoành hành không thể triển lãm trực tiếp thì sẽ là trực tuyến “Phá cỗ tranh”.

Đến “Mùa trăng” 2024 này đã là năm thứ 9, tiếp tục nhằm vào tháng trăng tròn giữa Thu mà 15 họa sĩ, trong đó có nhiều gương mặt quen như Vương Linh, Đỗ Dũng, Hoàng Phương Liên, Lê Minh Trí, Tào Linh, Nguyễn Quốc Thắng, Nguyễn Quốc Hùng, Trần Gia Tùng, Chu Hồng Tiến, Bình Nhi, Lê Thiết Cương… lại cùng phá cỗ, trông trăng, hoặc bảng lảng với sắc Thu qua hơn 65 tác phẩm.

Nếu năm trước ở “Chơi”, Hoàng Phương Liên đem đến một không khí rước đèn đầy sôi động dưới ánh trăng vàng thì năm nay chị kể chuyện về “Cá mùa trăng” thật tươi tắn, viên mãn, no đủ. Đàn cá mang sắc xanh, tím nối đuôi kết hình sum vầy, đầm ấm.

song sanh mua trang (1).jpg
Đèn tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương

Lê Thiết Cương cũng góp câu chuyện mới được kể ở đèn tranh giấy gió có dáng hình tròn vành vạnh với điểm nhấn sắc vàng đặt trung tâm, tạo thành 2 không gian trên - dưới, trong - ngoài.

Ấn tượng này càng rõ nét hơn khi nổi lên trong vầng trăng vàng ở giữa là bóng chú trâu cúi đầu dường như đang ngó xuống nhìn chủ nhân ngồi bó gối ở vòng ngoài. Kết nối giữa 2 sự vật là sợi dây nhỏ có cái đầu cong như một dấu hỏi.

Hình ảnh ấy gợi cho người xem chút bâng khuâng khi nhớ đến câu ca dao: “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa/ Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời…”; hoặc cũng có thể cảm thương cho bóng dáng cô đơn của con người dưới trần thế khi có ngày chỉ còn lại một mình…

song sanh mua trang (2).jpg
Tác phẩm 'Trông trăng' của họa sĩ Trần Giang Nam

Năm trước, Lê Thiết Cương “Chơi” Trung thu với tranh “Kéo cưa lừa xẻ” – nhắc nhớ về trò chơi của trẻ thơ luôn mang lại bao tiếng cười vui vẻ. Năm nay, đưa tranh vào đèn và chỉ sử dụng 3 sắc màu: Trắng, vàng, đen, anh không chỉ khiến người xem nhớ về ký ức xưa mà còn được thả hồn phiêu theo những nét vẽ tối giản mà gợi nhiều điều.

Cùng là “Trông trăng” nhưng nếu Tào Linh dùng bút pháp trừu tượng chỉ thể hiện mặt đối mặt: Mặt trăng và mặt người; thì Trần Quang Nam lại tả thực một khung cảnh những đứa trẻ miền núi trông trăng qua song gỗ.

Mỗi người mỗi vẻ mỗi sắc thái. Với Tào Linh gợi những suy tư khi mặt trăng được tạo hình không thuần nhất một sắc thái rành mạch chia làm 3 mảng: Nâu, trắng, tím xen hồng còn mặt người mang sắc đỏ rực.

Trong khi đó bức tranh của Trần Quang Nam đem đến cho người xem không ít xao động, bâng khuâng khi ngắm nhìn những vẻ mặt trẻ thơ đong đầy niềm hạnh phúc lúc được thảnh thơi trông trăng dưới bầu trời yên bình. Trăng soi bóng trẻ, trẻ dương cao đèn ông sao, mơ ngày vươn tới vũ trụ cao xa…

Còn ở góc độ sắc Thu, năm nay Chu Hồng Tiến có tranh “Hoa Thu” giản dị từ màu sắc cho đến tạo hình vậy mà người xem vẫn có thể hình dung về một dáng Thu thật dịu dàng, trong trẻo. Dáng ấy toát lên từ bình hoa thanh mảnh với sắc trắng xanh đặt giữa không gian mỏng manh cảm giác như có thể xuyên thấu.

Ngoài ra, “Mùa trăng” năm nay thêm phần lộng lẫy khi có những đèn tranh trên giấy gió của Câu lạc bộ vẽ Sắc Xuân cùng dự phần. Dưới góc nhìn của các em nhỏ, Trung thu luôn rực rỡ sắc màu và hân hoan niềm vui với múa lân, rước đèn.

Còn tranh vẽ của các thầy cô lại là những nhân cách hóa các loài vật như cóc, chuột, cá chép, bọ ngựa… cũng rộn ràng đón trăng. Tất nhiên, từ góc nhìn của người lớn nên thầy cô còn thêm những tạo hình dân gian mang đầy ẩn dụ khá thú vị.

Và những tác phẩm đèn tranh này sẽ được Sắc Xuân cùng nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh (làng mây tre đan Phú Vinh, Hà Nội) sắp đặt thành tháp ánh sáng lung linh giữa không gian triển lãm.

Có thể thấy, mỗi bức tranh là một câu chuyện được kể theo cách riêng của từng nét cọ đầy cá tính. Nhưng khi cùng gặp gỡ trong “Mùa trăng 2024” thì tất cả cùng hòa trong nhịp điệu hân hoan của mùa trăng tròn tháng Tám để rồi gửi vào đó những ước mơ, trông mong một mùa an vui, nhất là niềm vui luôn ở bên trẻ thơ.

Cùng với triển lãm “Mùa trăng” đang trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (Hàng Buồm, Hoàn Kiếm), ở Hà Nội còn có nhiều điểm đón Trung thu ý nghĩa như: Trải nghiệm “Vui Tết Trung thu”, trong đó có hoạt động trưng bày đèn Trung thu cổ tại Hoàng thành Thăng Long. Tại Phường Bách Nghệ (Mỗ Lao, Hà Đông) có triển lãm Trung thu xưa cùng nhiều hoạt động trải nghiệm làm đồ chơi: Đèn ông sao, ông đánh gậy; vẽ ông phỗng, chuồn chuồn tre…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.