Chớ coi thường bệnh nhẹ
Thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, trong hơn tháng qua, rất nhiều bệnh nhi mắc cúm đến khám và có khoảng 100 bé phải nhập viện điều trị. Có trường hợp chị mắc bệnh lây cho em bé ở nhà.
Phần lớn các bệnh nhân mắc cúm đều cho triệu chứng chảy nước mũi, sốt cao và không đáp ứng với thuốc hạ sốt nên dễ dẫn đến co giật. Cũng tại khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương), bệnh nhi từ các tỉnh phía Bắc được chuyển về mắc bệnh mùa đông xuân tương đối nhiều.
Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), số trẻ mắc bệnh đến khám và điều trị cũng tăng vọt. Điều đáng nói, trong số này, có nhiều trẻ mới vài tháng tuổi đã bị biến chứng dẫn đến hôn mê hoặc ảnh hưởng đến tim, phổi.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Điệp (khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí), những bệnh nhân trên đều có điểm chung là bị viêm họng nhưng không được điều trị dứt điểm nên vi khuẩn, virus tấn công vào bộ phận khác trong cơ thể. Điển hình nhất là bé T.A.T (5 tháng tuổi, TP Uông Bí) được xác định viêm phổi, phế quản nặng sau đó tiến triển thành suy hô hấp, viêm cơ tim.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), tùy theo bệnh mà bác sĩ có chỉ định điều trị khác nhau nên điều quan trọng là khi thấy trẻ sốt cao, ho, khó thở, chán ăn cần cho trẻ đi khám để xác định nguyên nhân cũng như phác đồ điều trị. Nếu chỉ mắc cúm thông thường, cho trẻ dùng hạ sốt loại paracetamol, nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ là bệnh sẽ từ khỏi sau 3 - 5 ngày.
Trong thời gian này hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người khác để tránh lây bệnh. Giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng và lau chùi đồ chơi của trẻ thường xuyên. Với bệnh do vi khuẩn cần điều trị kháng sinh, chống viêm và nhiều thuốc khác.
Tùy vào thể trạng, diễn biến bệnh của mỗi bé bác sĩ sẽ có chỉ định khác nhau. Do vậy, không tự chẩn đoán bệnh, không dùng đơn của người khác, không dùng lại đơn của lần khám trước...
Vào viện vì sự chủ quan của người lớn
Càng gần Tết Nguyên đán, lượng bệnh nhi vào viện khám và điều trị nhiều một phần do dịch bệnh tấn công, một phần do đây là khoảng thời gian cha mẹ, ông bà bận nhiều công việc khác nên có phần lơ là việc chăm sóc trẻ. Điều này vô cùng nguy hiểm bởi trẻ vốn nghịch lại thích khám phá nên bất cứ vật gì cũng có thể cho vào mồm, đút vào mũi.
Trong số tai nạn trên, hóc dị vật là tai nạn hay gặp ở trẻ hơn cả. So với người lớn hoặc trẻ lớn tuổi, hóc dị vật ở trẻ nhỏ đặc biệt nguy hiểm bởi trẻ chưa biết nói, chưa biết miêu tả và do còn nhỏ nên trong quá trình di chuyển dị vật có thể gây tổn thương cho miệng, thực quản, dạ dày, ruột.
Nếu dị vật mắc vào khí quản sẽ gây khó thở, khàn tiếng, ho, thở rít do đường thở bị bít tắc. Một số trường hợp dị vật quá lớn sẽ gây ngạt thở và tử vong tức thì.
Tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, trung bình mỗi năm tiếp nhận trên dưới 100 ca mắc dị vật, trong đó bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mới 8 tháng do trong lúc chơi đùa do vô tình nuốt phải chiếc chìa khóa có kích thước 3,5cm. Bên cạnh đó, rất nhiều trường hợp khác bị hóc các dị vật như vỏ kẹo, xương cá, tăm, dây chuyền… phải nhờ đến bác sĩ.
Càng gần Tết, số trẻ hóc dị vật tăng cao. Dị vật có thể là đồ ăn, đồ chơi hay bất cứ thứ gì trẻ nhìn thấy và bỏ vào miệng. Do vậy, dù bận rộn cha mẹ không được phép lơ là trẻ. Không để trẻ tiếp xúc với các dị vật nhỏ, sắc nhọn có thể gây hóc, đối với người lớn cần cẩn trọng trong sinh hoạt tránh các dị vật có thể gây hóc. Nếu không may bị hóc không được chữa mẹo mà cần đến ngay cơ ở y tế gần nhất để được điều trị đúng cách.