Hội nghị diễn ra ngày 8/4, nhằm đánh giá thực trạng, phân tích khó khăn, chia sẻ và đề xuất các giải pháp tổ chức công tác ôn thi tốt nghiệp THPT hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế và thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19.
Tham dự có lãnh đạo Ngành GD&ĐT, các Trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, PTDTNT tại địa phương.
Năm học này, Sơn La sẽ có trên 10.800 học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Đến nay, các trường có học sinh lớp 12 đều đã xây dựng, triển khai, thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng. Mỗi trường đều làm tốt công tác phân loại học sinh theo năng lực, nhất là tổ chức ôn thi, phụ đạo bổ sung kiến thức cho học sinh lớp 12.
100% trường học xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu chất lượng cụ thể từng tổ chuyên môn. Mỗi trường đều có danh sách học sinh yếu, nguy cơ trượt tốt nghiệp. Đồng thời phối hợp với đoàn thể, chính quyền trong công tác ôn thi. Hầu hết các trường đã hoàn thành chương trình cốt lõi đối với lớp 10, 11. Đây là điều kiện thuận lợi cho giáo viên những khối khác tham gia ôn thi, bổ sung kiến thức cho lớp 12.
Tuy nhiên, hội nghị cũng nhìn nhận, trong quá trình triển khai ôn thi tốt nghiệp còn nhiều hạn chế. Có thể kể đến, như: Việc dạy học nội dung cốt lõi, phù hợp với năng lực học sinh của một số môn, tiết chưa hiệu quả. Việc phối hợp, sắp xếp giáo viên tại một số trường còn thiếu, chưa phù hợp. Đa số trung tâm giáo dục thường xuyên thiếu giáo viên ở những môn thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, do dịch bệnh phức tạp, có nơi học sinh phải dừng đến trường dài ngày.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La đề nghị các trường rà soát, đánh giá toàn diện tiến độ và kết quả thực hiện trương trình, nội dung dạy học đối với lớp 12. Cá trường phải có giải pháp linh hoạt phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả. Cùng với đó, phải hoàn thành chương trình năm học đúng tiến độ để đảm bảo cho học sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp THPT trong tháng 7.
PGS. TS Nguyễn Huy Hoàng yêu cầu các trường tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương phân loại học sinh lớp 12 theo năng lực để đối chiếu với yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng. Qua đó, xác định cụ thể về khả năng, mức độ kết quả đạt được của từng em.
Việc tổ chức thi thử ở các môn và cấp trường, cấp tỉnh tổ chức cần chủ động thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Trên cơ sở đó, phân tích kỹ kết quả để điều chỉnh nội dung, phương pháp ôn tập, dạy bổ sung kiến thức cho học sinh phù hợp. Đồng thời, thông báo kết quả đến từng em, gia đình để có sự điều chỉnh phù hợp.