Theo đó, nhiệm vụ đặt ra là tiếp tục đổi mới hoạt động thanh tra giáo dục theo Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ GD&ĐT, chuyển trọng tâm từ thanh tra chuyên môn sang thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.
Rà soát, bổ sung, kiện toàn đội ngũ cán bộ thanh tra sở, đảm bảo số lượng theo vị trí việc làm, chất lượng đáp ứng nhiệm vụ được giao. Xây dựng mạng lưới cộng tác viên thanh tra giáo dục Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thanh tra, cộng tác viên thanh tra giáo dục, đáp ứng yêu cầu của hoạt động thanh tra.
Chuẩn hóa hoạt động thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo theo các quy định hiện hành.
Sở GD&ĐT nhấn mạnh việc rà soát, sắp xếp, bổ sung đảm bảo số lượng theo vị trí việc làm của Thanh tra Sở; xây dựng mạng lưới cộng tác viên thanh tra đủ tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng, cơ cấu theo cấp học, trình độ đào tạo.
Đồng thời, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, nâng cao tính chuyên nghiệp cho cán bộ quản lý giáo dục, công chức, viên chức làm công tác thanh tra; tập huấn công tác kiểm tra nội bộ trường học đối với thủ trưởng cơ sở giáo dục.
Phòng GD&ĐT bố trí một cán bộ phụ trách công tác kiểm tra (có thể giao kiêm thêm nhiệm vụ khác); được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, được cung cấp các điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ; thường trực công tác kiểm tra, giúp trưởng phòng giải quyết khiếu nại, tố cáo và tổ chức tiếp công dân theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân.
Đầu năm học, thủ trưởng các đơn vị lựa chọn cán bộ, giáo viên có năng lực, kinh nghiệm công tác để quyết định thành lập ban kiểm tra nội bộ do hiệu trưởng làm trưởng ban, phân công nhiệm vụ các thành viên trong ban.
Chủ động phối hợp với công đoàn cùng cấp có biện pháp củng cố về tổ chức và chỉ đạo chặt chẽ hoạt động của ban thanh tra nhân dân theo quy định của Luật Thanh tra và Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, tạo điều kiện để ban thanh tra nhân dân hoạt động có hiệu quả.