Theo đó, về kiểm tra đánh giá cuối năm học, Sở GD&ĐT yêu cầu các phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường thực hiện tốt nội dung, chương trình theo kế hoạch quy định. Tổ chức ôn tập, bồi dưỡng và kiểm tra, đánh giá đảm bảo chính xác, khách quan nhằm phản ánh đúng chất lượng dạy và học của các nhà trường.
Đánh giá định kì kết quả học tập cuối năm học bằng bài kiểm tra đối với các môn học: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc.
Hiệu trưởng trường tiểu học chịu trách nhiệm chỉ đạo việc kiểm tra định kì, đề kiểm tra định kì phù hợp với chuẩn kiến thức, kĩ năng và định hướng phát triển năng lực, gồm các câu hỏi và bài tập và được thiết kế theo 4 mức độ được quy định tại điểm c, mục 2, Điều 10 Thông tư số 22.
Về tổ chức ra đề kiểm tra, nghiệm thu bàn giao chất lượng: Hiệu trưởng chỉ đạo tổ chuyên môn ra đề kiểm tra dùng cho cả khối (khối 1, khối 2, khối 3, khối 4, khối 5) đối với các môn học thực hiện kiểm tra định kì. Các tổ chuyên môn, nghiên cứu tài liệu hướng dẫn cách thiết kế đề kiểm tra định kì các môn theo Thông tư số 22 của Bộ GD&ĐT để biên soạn đề kiểm tra phù hợp với thực tiễn.
Đề kiểm tra xây dựng theo ma trận đề, thiết kế đảm bảo 4 mức độ, tùy theo từng trường có thể đưa ra tỷ lệ ở các mức khác nhau phù hợp với yêu cầu đánh giá; đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh.
Nghiệm thu bàn giao chất lượng: Hiệu trưởng chỉ đạo nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 22. Theo đó, để thực hiện bàn giao chất lượng học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học lên lớp 6 đạt hiệu quả, hiệu trưởng các trường tiểu học cần sớm thông báo kế hoạch tổ chức kiểm tra định kì cuối năm học của nhà trường tới trường trung học cơ sở trên cùng địa bàn và phối hợp thực hiện.
Phòng GD&ĐT có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ, chỉ đạo các trường thực hiện đảm bảo theo yêu cầu quy định.