Dự hội nghị có bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La cùng lãnh đạo một số Sở, Ban, Ngành của tỉnh. Hội nghị còn có đại diện các trường: Đại học Tây Bắc, Cao đẳng Sơn La, Cao đẳng Y tế Sơn La tới dự.
Thực hiện Chỉ thị số 33 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho nước CHDCND Lào, tỉnh Sơn La đã xây dựng mối quan hệ hợp tác quốc tế với các tỉnh của Lào trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, công tác đào tạo lưu học sinh Lào là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Sơn La phát biểu tại hội nghị. |
Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Sơn La đã tổ chức đào tạo cho 1.615 lưu học sinh Lào với nhiều loại hình như: Đại học, cao đẳng, trung cấp các chuyên ngành hệ chính quy, bồi dưỡng tiếng Việt... Trong quá trình đào tạo, tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi trong học tập và sinh hoạt, giúp lưu học sinh Lào yên tâm học tập.
5 năm qua, Sơn La đã chi gần 244 tỷ đồng hỗ trợ lưu học sinh Lào theo Nghị quyết số 42, 92 của HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La cũng chỉ đạo các cấp, ngành và cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch tuyển sinh, dự toán ngân sách đào tạo, đáp ứng yêu cầu học tập và sinh hoạt của lưu học sinh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trình bày một số tham luận về: Công tác đào tạo, quản lý, thực hiện chế độ chính sách cho lưu học sinh Lào; nâng cao chất lượng hợp tác đào tạo các chuyên ngành.
Bà Tráng Thị Xuân nhấn mạnh, công tác hợp tác đào tạo giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh của Lào có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc đào tạo du học sinh Lào góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước nói chung, giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh của Lào nói riêng.
|
Bà Tráng Thị Xuân đề nghị các sở, ngành phối hợp, tham mưu UBND trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ lưu học sinh theo hướng tăng mức hỗ trợ, bổ sung một số nội dung hỗ trợ phù hợp.
Các trường đào tạo lưu học sinh Lào cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành. Chú trọng nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt trong học tập, giao tiếp. Cùng với đó, tổ chức cho lưu học sinh đi tham quan các di tích lịch sử ở trong hoặc ngoài tỉnh. Tạo điều kiện để học sinh trải nghiệm Tết cổ truyền của Việt Nam để các em được học tập và hiểu biết nhiều hơn về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam.