Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về công tác triển khai quy hoạch nguồn nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội vừa được tổ chức tại trụ sở Chính phủ chiều ngày 28/9 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân. Hội nghị cũng có sự tham gia của các Bộ, ngành và một số doanh nghiệp lớn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị (Ảnh: VGP/Từ Lương) |
Hiện nay, hầu hết các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố đều đã xây dựng được quy hoạch phát triển nguồn nhân lực theo tinh thần đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu hợp lý, ngành nghề đào tạo, trình độ đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ của ngành, địa phương, trong đó chú trọng đào tạo một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng cao tiếp cận với trình độ các nước trong khu vực và quốc tế. Hoàn thiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo đối với các cơ sở dạy nghề cung ứng một số ngành nghề trọng điểm, đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Các bộ, ngành có vai trò quan trọng như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính... đều đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng cơ chế đặc thù trong đào tạo để thực hiện việc đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực Tây bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ và khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh). Đó là tập trung giải quyết các vấn đề khó khăn trong tuyển sinh, đào tạo, chế độ chính sách đối với người học, đầu tư cho các cơ sở đào tạo, cơ chế đặt hàng của doanh nghiệp… để đáp ứng nhanh chóng số lượng, nâng cao chất lượng, đặc biệt là đảm bảo cân đối giữa các ngành nghề, đáp ứng nhu cầu về nhân lực của các khu vực trên.
Điểm đặc biệt trong cơ chế này là các địa phương trong vùng phải chủ động xác định rõ nhu cầu nhân lực theo trình độ, theo ngành và địa chỉ sử dụng trong tương lai. Việc xét tuyển sẽ do địa phương xác dịnh trên nguyên tắc công khai, có sự giám sát.
Cổng thông tin điện tử độc lập về Quy hoạch nhân lực đang được Bộ Kế hoạch - Đầu tư hoàn thành và sẽ sớm hoạt động. Đây sẽ là kênh thông tin, tuyên truyền chính thức về nhân lực của Nhà nước, là cơ sở để các doanh nghiệp, các ban, ngành bám sát Quy hoạch nhân lực của ngành, địa phương mình, từ đó có sự phối hợp chặt chẽ.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành để lập tổ soạn thảo xây dựng khung trình độ nghề quốc gia; quy hoạch chi tiết các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề phù hợp quy hoạch nhân lực chung của quốc gia và bộ, ngành, địa phương...
Tại hội nghị, các đại biểu đã kiến nghị, để công tác quy hoạch nguồn nhân lực thực hiện có hiệu quả thì cần triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo theo nhu cầu xã hội. Hiện nay, công tác này được triển khai trên nhiều bình diện, nhưng vẫn thiếu sự kết nối giữa quy hoạch phát triển nhân lực với cơ chế, chính sách tuyển sinh theo ngành và theo vùng lãnh thổ. Đồng thời thiếu sự phối hợp giữa cơ quan Trung ương với các địa phương trong việc đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực. Nhiều địa phương chưa thành lập hội đồng đào tạo nhân lực hoặc cơ quan phối hợp đào tạo nhân lực trên địa bàn. Nhiều bộ, ngành thiếu cơ quan đủ mạnh để theo dõi, chỉ đạo công tác đào tạo nhân lực gắn với quy hoạch nhân lực thuộc bộ, ngành.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu các ngành, địa phương chưa hoàn thành quy hoạch phải nhanh chóng tìm giải pháp khắc phục, sớm hoàn thiện Quy hoạch nhân lực theo nhu cầu xã hội. Những địa phương đã có Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 phải tổ chức công bố quy hoạch rộng rãi với sự tham gia của các nhà đầu tư, các ngành, các quận, huyện để có thể phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai… Địa phương cũng cần có chương trình làm việc với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp để có kế hoạch, chỉ tiêu đào tạo cho năm 2013, đặc biệt là ngành nông nghiệp, du lịch, các khu công nghiệp.
Hiện nay, nhiều địa phương có sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng chưa có việc, cần triển khai tạo công việc ổn định, tránh lãng phí nguồn nhân lực. Các bộ, ngành cũng cần triển khai làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường mà ngành mình quản lý. Mỗi bộ, ngành phải có mô hình đào tạo gắn với địa chỉ sử dụng, đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cùng tham gia vào quá trình đào tạo như các doanh nghiệp Đức đang có kế hoạch cho sinh viên Việt Nam thực tập tại các nhà máy của Đức, sau khi tốt nghiệp sẽ nhận vào làm việc chính thức...
(Theo TTXVN)