Phú Thọ:

Sôi nổi các hoạt động 'Ngày hội STEAM' ở trường Tiểu học và THCS Phù Ninh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trường Tiểu học Phù Ninh và Trường THCS Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ) phối hợp tổ chức “Ngày hội Steam” với chủ đề “Gieo mầm sáng tạo - Nuôi dưỡng đam mê”.

Các đại biểu cùng Ban tổ chức trao cờ lưu niệm cho đại diện các đội có gian hàng trưng bày sản phầm Steam.
Các đại biểu cùng Ban tổ chức trao cờ lưu niệm cho đại diện các đội có gian hàng trưng bày sản phầm Steam.

Lan tỏa tình yêu khoa học trong các em học sinh

Đẩy mạnh phương pháp giáo dục Steam là định hướng quan trọng của Phòng GD&ĐT huyện Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ) trong đổi mới phương pháp dạy học và góp phần triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018.

Cụ thể hóa định hướng trên, trong hai ngày 23 - 24/4, Trường Tiểu học Phù Ninh và Trường THCS Phù Ninh (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) phối hợp tổ chức “Ngày hội Steam” cho 1.578 em học sinh (trong đó, 852 em học Trường Tiểu học và 726 học sinh Trường THCS).

Phát biểu tại “Ngày hội Steam”, ông Phạm Hồng Sơn - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phù Ninh ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị ngày hội Steam của hai nhà trường. Đồng thời cho rằng, hoạt động của ngày hội sẽ mang luồng không khí mới, một sân chơi sôi nổi, bổ ích, thiết thực, lành mạnh, khơi nguồn đam mê sáng tạo, lan tỏa tình yêu khoa học trong các em học sinh.

Ông Phạm Hồng Sơn - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phù Ninh phát biểu.

Ông Phạm Hồng Sơn - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phù Ninh phát biểu.

Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phù Ninh nhấn mạnh, các em học sinh và giáo viên tham “Ngày hội Steam” sẽ nâng cao kiến thức, kỹ năng trong việc áp dụng phương pháp giáo dục Steam, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Cùng với đó, ngày hội Steam còn là cơ hội để các thầy cô giáo, các em học sinh và phụ huynh tiếp xúc với nguồn lực và cơ hội giáo dục mới.

Tại “Ngày hội Steam”, các em học sinh sôi nổi, hào hứng tham gia trưng bày sản phẩm Stem, tham gia các trò chơi dân gian như nặn Tò he, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt…

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Ninh và Trường THCS Phù Ninh cho biết, các hoạt động “Ngày hội Steam” nhằm tạo nên sân chơi khoa học, bổ ích, lý thú, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo khoa học, công nghệ, góp phần nâng cao tinh thần hợp tác và các kỹ năng sống theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực, kĩ năng cho học sinh.

Tiết mục văn nghệ đặc sắc tại "Ngày hội Steam".

Tiết mục văn nghệ đặc sắc tại "Ngày hội Steam".

Em Lê Yến Chi - Học sinh lớp 8B Trường THCS Phù Ninh bày tỏ vui mừng được tham gia “Ngày hội Steam”, em rất ấn tượng, thấy được sự sáng tạo của các bạn và các anh chị qua sản phẩm Steam. Không chỉ vậy, đây còn là dịp để chúng em được làm quen, giao lưu học hỏi, tạo nên một “Ngày hội Steam” có nhiều ý nghĩa.

Nâng cao chất lượng giáo dục Steam

Nhà giáo Phạm Thị Hồng Loan - Hiệu trưởng Trường THCS Phù Ninh cho biết, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục Steam, đồng thời giúp học sinh có cơ hội tiếp cận các hoạt động trải nghiệm sáng tạo để phát triển phẩm chất, năng lực của bản thân, Nhà trường phối hợp với trường Tiểu học Phù Ninh tổ chức “Ngày hội Steam”.

Nhà giáo Phạm Thị Hồng Loan cho rằng, Steam là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và nghệ thuật theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.

Các em học sinh Trường THCS Phù Ninh thuyết trình sản phẩm Stem của trường mình.

Các em học sinh Trường THCS Phù Ninh thuyết trình sản phẩm Stem của trường mình.

Những năm học gần đây, Trường THCS Phù Ninh đã chủ động xây dựng các hình thức triển khai hoạt động giáo dục Steam đa dạng, phong phú. Đặc biệt, trong quá trình triển khai các hoạt động Steam không gây áp lực, tốn kém đối với nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh. Nhà trường đã đẩy mạnh việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội cùng tham gia vào hoạt động giáo dục Steam.

Giáo viên Trường THCS Phù Ninh đã thực hiện đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá thường xuyên theo hình thức theo hình thức mới là đánh giá sản phẩm Steam thông qua phiếu đánh giá trong khi thực tổ chức hoạt động giáo dục Steam. Đồng thời, giáo viên đã áp dụng các phương pháp dạy học tích cực để dạy học các chủ đề Steam…

Thầy giáo Lê Việt Anh - Bí thư Đoàn thanh niên, giáo viên trường Trường THCS Phù Ninh cho hay, nhà trường không chỉ tổ chức các tiết học Steam mà còn tổ chức cuộc thi cho học sinh toàn trường với chủ đề phù hợp cho từng khối. Thực tiễn qua triển khai giáo dục Steam tại nhà trường không chỉ giúp các em hiểu bài hơn, nhớ lâu hơn mà còn rèn luyện nhiều kĩ năng khác như kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng thuyết trình, sự khéo léo, kiên nhẫn, cẩn thận và tư duy sáng tạo.

Tại "Ngày hội Steam" có 8 gian trưng bày sản phẩm; trong đó, 4 gian trưng bày của Trường Tiểu học Phù Ninh và 4 gian trưng bày của Trường THCS Phù Ninh.

Tại "Ngày hội Steam" có 8 gian trưng bày sản phẩm; trong đó, 4 gian trưng bày của Trường Tiểu học Phù Ninh và 4 gian trưng bày của Trường THCS Phù Ninh.

Em Phạm Quang Nghĩa - Học sinh lớp lớp 7B Trường THCS Phù Ninh chia sẻ, em được tham gia hoạt động giáo dục Steam ngay từ khi học lớp 6. Em thấy, Steam rất gần gũi, thiết thực với đời sống. Em mong muốn mình sẽ được học, được thực hành sáng tạo với Steam nhiều hơn nữa.

Hiệu trưởng Trường THCS Phù Ninh, nhà giáo Phạm Thị Hồng Loan nhấn mạnh, hoạt động giáo dục Steam đã mang lại những kết quả quan trọng, góp phần đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Phát huy tính tích cực, sáng tạo và tự chủ của học sinh, góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh nhà trường.

Nuôi dưỡng đam mê tạo nguồn phát triển

Nhà giáo Hà Trung Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Ninh thông tin, giáo dục Steam là mô hình giáo dục dựa trên tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật toán học và nghệ thuật vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh đổi mới.

Đây là phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng trong thực tiễn. Trong đó học sinh được tổ chức tham gia học tập một cách tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra, góp phần hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Nhà giáo Hà Trung Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Ninh phát biểu khai mạc.

Nhà giáo Hà Trung Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Ninh phát biểu khai mạc.

Trường Tiểu học Phù Ninh xác định giáo dục Steam có vai trò quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả mục tiêu của Chương trình GDPT năm 2018; đồng thời, nâng cao nhận thức cho giáo viên về vị trí, vai trò và ý nghĩa của giáo dục Steam; nhà trường đã tổ chức thực hiện giáo dục Steam thông qua các bài học Steam, hoạt động trải nghiệm Steam, ngày hội Steam… với nhiều trải nghiệm thú vị.

Nhà giáo Hà Trung Thành đánh giá thông qua thực hiện giáo dục Steam đã giúp các em học sinh được “nuôi dưỡng” sự ham học hỏi và tăng khả năng tư duy để con trở thành những người học tập trọn đời và chuẩn bị hành trang cho các bậc học cao hơn.

Cùng với đó, khi triển khai giáo dục Steam, học sinh nhà trường rất tích cực vì được thực hành, trải nghiệm, được phát hiện và giải quyết các vấn đề. Các em có cơ hội khám phá, phát huy năng lực bản thân, rèn tư duy, sự sáng tạo, bước đầu làm quen với việc NCKH; góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

Các em học sinh Trường Tiểu học Phù Ninh thuyết trình sản phẩm Stem của trường mình.

Các em học sinh Trường Tiểu học Phù Ninh thuyết trình sản phẩm Stem của trường mình.

Cô Nguyễn Thị Hương - Giáo viên Trường Tiểu học Phù Ninh chia sẻ, để chuẩn bị một hoạt động giáo dục Steam, giáo viên chúng tôi phải chuẩn bị về phòng học, sắp xếp bàn ghế, vật liệu, đồ dùng học tập cần thiết để các em làm ra một sản phẩm.

Qua các hoạt động giáo dục Steam học sinh hứng thú hơn, các em tự chuẩn bị những gì có thể và tự tay làm ra sản phẩm; nội dung liên kết được nhiều môn hơn so với phương pháp dạy học truyền thống. Sau tiết học giúp các em đưa ra được rất nhiều ý tưởng sáng tạo, phát huy tính tích cực của học sinh, học sinh tự tin hơn, biết trao đổi nhóm, giao lưu với thầy cô…

Em Nguyễn Xuân Mai - Học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Phù Ninh, bày tỏ mỗi khi có hoạt động giáo dục Steam là chúng em rất vui thích. Bởi, em cùng các bạn được cô giáo hướng dẫn các hoạt động thực hành để tạo ra sản phẩm từ những vật liệu khác nhau như đất nặn, giấy màu, màu vẽ, các vật liệu có sẵn trong cuộc sống.

Tín hiệu tích cực khi trẻ tiếp cận giáo dục STEAM

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024 với chủ đề “Xây dựng Trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm” Trường Mầm non Phù Ninh (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) đã bồi dưỡng và triển khai tiếp cận giáo dục Steam cho trẻ phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.

Giáo viên Trường mầm non Phù Ninh triển khai tiếp cận giáo dục Steam cho trẻ phù hợp với độ tuổi.

Giáo viên Trường mầm non Phù Ninh triển khai tiếp cận giáo dục Steam cho trẻ phù hợp với độ tuổi.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, giúp trẻ được tiếp cận với phương pháp dạy học tiên tiến trên thế giới; nhà trường luôn đẩy mạnh các hoạt động giáo dục theo hướng đổi mới có ứng dụng phương pháp dạy học tiên tiến như hội thi làm đồ dùng đồ chơi, thi đua tạo môi trường trong và ngoài lớp theo chủ đề…

Hiện nay, giáo viên nhà trường bước đầu đã tiếp cận, tích hợp phương pháp giáo dục Steam vào giảng dạy. Chủ động, linh hoạt, sáng tạo gắn kết các tiêu chí của chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2021 - 2025”.

Việc tiếp cận giáo dục Steam được Trường Mầm non Phù Ninh thực hiện linh hoạt, phù hợp với từng độ tuổi. Ban giám hiệu cùng các cô giáo đã tổ chức hoạt động giáo dục Steam linh hoạt theo hướng mở, dựa trên nhu cầu khả năng và hứng thú của trẻ.

Khi ứng dụng hoạt động giáo dục Steam thì cô, trẻ cùng chuẩn bị đồ dùng, nguyên vật liệu, tìm hiểu nguyên lý hoạt động của một số dự án sau đó cùng thực hiện. Trong các dự án khuyến khích sự tham gia đông đủ các bé của lớp, của trường để khuyến khích trẻ tư duy sáng tạo, tìm tòi, đặt các câu hỏi….

Các bé Trường Mầm non Phù Ninh có kỹ năng hoạt động nhóm tốt.

Các bé Trường Mầm non Phù Ninh có kỹ năng hoạt động nhóm tốt.

Cô Nguyễn Thị Việt Hà - Giáo viên chủ nhiệm lớp 4 tuổi Trường Mầm non Phù Ninh, chia sẻ, căn cứ vào điều kiện và không gian của lớp học, tôi đã xây dựng góc Steam trong lớp. Góc Steam được tôi bố trí gần góc nghệ thuật sáng tạo hoặc góc khoa học... để trẻ có thể kết hợp sử dụng nguyên vật liệu của các góc này.

Cùng với đó, các nguyên liệu dễ kiếm, dễ tìm, đảm bảo nguyên tắc an toàn và trưng bày theo mỗi chủ đề trẻ thực hiện.

Sau một thời gian học sinh trường Mầm non Phù Ninh tiếp cận giáo dục Steam, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Hiệu trưởng nhà trường đánh giá trẻ tự tin, hứng thú, phấn khởi, tích cực thực hành, trải nghiệm, say mê, có kỹ năng hoạt động nhóm. Đặc biệt trẻ yêu thích đến trường lớp và mạnh dạn chia sẻ những khó khăn của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.