Sáng 21/4, tại không gian Đường sách cà phê, T Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), hàng trăm cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên (HSSV) các trường học trên địa bàn đã tham gia hưởng ứng “Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022”.
Tại đây, các đoàn viên là giáo viên và HSSV đã nhiệt tình tham gia chương trình cuộc thi “Lý tưởng thanh niên qua trang sách” do Thành đoàn TP Buôn Ma Thuột phối hợp với Công ty Cổ phần Sbooks tổ chức.
Chủ đề của chương trình: “Lấy những cuốn sách được trương bày tại gian hàng Sbooks làm chất liệu, viết một cảm nhận ngắn về 1 trong 3 tinh thần cốt lõi của Đoàn thanh niên: Dũng cảm - khát vọng - kiên trì”.
Hoạt động này, giúp cho đoàn viên nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của sách và việc đọc sách; giúp cung cấp và phát triển các kiến thức, kỹ năng trong học tập; phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Trước đó, tại các trường học thuộc địa bàn vùng khó ở các huyện Lắk, Cư M’Gar cũng đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng hết sức thiết thực và ý nghĩa.
Mục tiêu của hoạt động, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong nhà trường, cộng đồng; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức góp phần xây dựng xã hội học tập và “học tập suốt đời”.
Tại Trường THPT Lê Hữu Trác (huyện Cư M’Gar), thầy và trò Nhà trường đã hưởng ứng bằng nhiều hình thức: tổ chức trưng bày, giới thiệu sách; xây dựng góc đọc và thư viện cùng học; lồng ghép hoạt động đọc sách thông qua các tiết sinh hoạt lớp, giờ dạy học Hướng nghiệp, Ngoài giờ lên lớp và các môn học khác trên lớp; tuyên truyền họat động đọc sách bằng phương tiện truyền thông…
Các hình thức tổ chức cho hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã tạo được niềm vui và yêu thích đọc sách của học sinh, cán bộ, nhân viên, giáo viên trong nhà trường.
Theo đại diện trường THPT Lê Hữu Trác: “Để đạt được mục tiêu trên, Nhà trường có kế hoạch tăng cường bổ sung các đầu sách mới, bổ ích vào đầu năm học mới 2022-2023 nhằm phục vụ tốt hơn cho hoạt động đọc sách của giáo viên và học sinh. Tích cực đẩy mạnh hoạt động trao đổi sách cho nhau hoặc mượn sách trong thư viện trường học.
Khuyến khích học sinh, giáo viên đọc sách sau giờ học hoặc giờ ra chơi ở thư viện, trong khuôn viên trường. Ngoài ra, nhà trường không ngừng kêu gọi và thu nhận các nguồn sách từ phía học sinh, giáo viên cũ của trường, để làm giàu có hơn tủ sách cho nhà trường”.
Còn tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (huyện Lắk), là trường học thuộc vùng khó khăn nhất của tỉnh, với hơn 90% học sinh là người dân tộc thiểu số. Thế nhưng, Nhà trường cũng đã linh hoạt tổ chức hoạt động hưởng ứng phù hợp với điều kiện thực tế.
Theo ông Trần Hữu Phước - Hiệu trưởng Nhà trường, ngoài việc trưng bày sách hiện có trong thư viện, trường còn tổ chức cho học sinh tham gia đọc sách tại thư viện và các không gian tập thể khác.
“Dù gặp nhiều khó khăn do hầu hết học sinh sẽ về phụ giúp gia đình việc đồng áng ngay sau khi kết thúc buổi học. Vì vậy, để giúp các em có thời gian đọc sách và hình thành thói quen đọc sách, Nhà trường phải thường xuyên tuyên truyền, vận động và hướng dẫn để các em tận dụng khoảng thời gian nghỉ giữa các tiết học hoặc các giờ hoạt động ngoại khoá để vào thư viện và các không gian có trưng bày sách để đọc”, ông Phước tâm sự.