Cụ thể, Sở GD-ĐT yêu cầu Lãnh đạo các đơn vị nhanh chóng xây dựng Kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông cho giáo viên, học sinh; lưu ý các quy định về an toàn khi ngồi trên xe ô tô, kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố, kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm khi không có người trợ giúp (cách mở cửa lên/xuống xe, bấm còi gây sự chú ý cho mọi người xung quanh, phát tín hiệu cấp cứu bằng âm thanh, ánh sáng, ký hiệu, sử dụng búa phá kính thoát hiểm trên xe,…).
Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh đi học bằng ô tô cần lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có đủ điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định; lái xe phái đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định, có phẩm chất đạo đức tốt, giao tiếp, ứng xử văn hóa với học sinh, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy trình khi đưa đón học sinh bằng xe ô tô, trong đó, phải có sự thống nhất giữa nhà trường với đơn vị cung cấp dịch vụ và gia đình học sinh. Khi ký kết hợp đồng vận chuyển giữa cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải phải xác định rõ yêu cầu, trách nhiệm của các bên liên quan về an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏa, an toàn tính mạng cho học sinh.
Nhà trường phải phân công giáo viên hoặc nhân viên có kinh nghiệm đã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông tham gia đưa đón học sinh bằng xe ô tô; chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, đảm bảo trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định, kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe, khi lên, xuống xe ô tô; bàn giao học sinh cho giáo viên chủ nhiệm lớp; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ của lái xe. Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm phối hợp quản lý học sinh, thông báo kịp thời cho gia đình khi học sinh vắng mặt chưa rõ lý do.
Hiệu trưởng (hoặc người đại diện pháp luật của trường) chịu trách nhiệm trước pháp luật, gia đình học sinh về toàn bộ hoạt động đưa đón học sinh của nhà trường, về sự an toàn của học sinh. Thường xuyên trao đổi thông tin giữa nhà trường và gia đình trong việc kiểm tra, giám sát về chất lượng dịch vụ, về trách nhiệm của giáo viên, nhân viên đưa đón học sinh để kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh, nhằm đảm bảo an toàn đối với học sinh. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng phương án tổ chức giao thông khu vực xung quanh trường học, đặc biệt là khu vực cổng trường, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh.
Các đơn vị cần phối hợp với Ban An toàn Giao thông địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật và hợp đồng vận chuyển đối với các trường mầm non, trường phồ thông và đơn vị kinh doanh vận tải có tổ chức đưa đón học sinh bằng xe ô tô.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, chỉ có trường Thực hành sư phạm (thuộc trường CĐSP tỉnh) có sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô. Bên cạnh đó, có một số phụ huynh ở xã Đại Hải (huyện Kế Sách) sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh từ xã đi học tại các trường ở TP Sóc Trăng bằng xe Lam. Các xe này đều đã cũ kỹ.