Tiền Phong cho biết, sau khi Viện Khoa học công nghệ (KHCN) và Kinh tế Xây dựng có văn bản khẳng định kết cấu công trình nhà 8B Lê Trực đủ an toàn chịu lực khi thực hiện phương án phá dỡ, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản gửi UBND quận Ba Đình đề nghị khẩn trương tổ chức cưỡng chế.
Trước đó, ngày 10/5, UBND quận Ba Đình có Văn bản số 620/UB-QLĐT gửi Sở Xây dựng Hà Nội thông báo việc gặp khó khăn trong thẩm tra, phê duyệt phương án phá dỡ giai đoạn 1 (tum và tầng 19) nhà 8B Lê Trực. Nhận được văn bản trên, Sở Xây dựng Hà Nội đã giao Viện KHCN và Kinh tế Xây dựng tiến hành thẩm tra phương án phá dỡ.
|
Hình ảnh công nhân tiến hành phá dỡ phần vi phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực. (Ảnh: Tiền Phong) |
Ngày 16/5, Viện KHCN và Kinh tế Xây dựng đã có văn bản báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định: Kết cấu công trình đảm bảo thực hiện phương án phá dỡ. Do vậy, lý do chậm phá dỡ do vấn đề kỹ thuật là không có cơ sở.
Liên quan tới vấn đề chậm tiến độ tháo dỡ tòa nhà 8B Lê Trực, trước đó, VnExpress đưa tin, ngày 29/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu UBND TP Hà Nội tiếp tục thực hiện chỉ đạo tại Thông báo số 351 ngày 2/11/2015, có biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm, bảo đảm yêu cầu về quản lý đô thị, không ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của nhân dân khu vực lân cận.
Thông báo số 351 nêu, việc vi phạm các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đô thị tại số 8B phố Lê Trực là nghiêm trọng. Chủ đầu tư đã bất chấp pháp luật, không thực hiện đúng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc theo giấy phép xây dựng, đồng thời không thực hiện yêu cầu của cơ quan quản lý trật tự xây dựng đô thị.
Đánh giá đây là biểu hiện yếu kém về hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội phải xử lý nghiêm các sai phạm của chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân liên quan.
Công trình 8B Lê Trực nằm sát khu chính trị Ba Đình - cách Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tòa nhà Quốc hội khoảng 300 m, cách Văn phòng Trung ương Đảng, Phủ chủ tịch chừng 500 m, tính theo đường chim bay. Khi chủ đầu tư xây xong phần thô thì bị phát hiện sai phạm so với giấy phép xây dựng. Cụ thể từ tầng 8 trở lên (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi 3,36 m so với khối đế, phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp mà xây thẳng đến mái để tăng diện tích sàn. Công trình cao đến đỉnh tum thang là 53 m nếu làm đúng giấy phép nhưng chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2. |